Thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP.HCM, tính đến ngày 22/8, tại TP.HCM có 960 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 300 triệu đồng trở lên, với tổng số tiền hơn 1.366 tỷ đồng.
Thống kê năm 2021, số nợ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp tại TP.HCM khoảng 3.702 tỷ đồng. Sau khi trừ số tiền nợ dưới một tháng, khó thu, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, số tiền nợ còn 2.241 tỷ đồng.
Tình trạng nợ đọng bảo hiểm khiến cho nhiều lao động nữ không được hưởng quyền lợi chế độ thai sản. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tính đến cuối năm 2021, có đến 7.499 đơn vị, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Các đơn vị này còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 396 tỷ đồng, nhưng không thể thu hồi.
Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng việc các doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng bảo hiểm trong khi mỗi tháng người lao động vẫn bị doanh nghiệp khấu trừ khoản trích đóng bảo hiểm khiến họ bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm còn khiến lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản.
Nguyên nhân nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài được đơn vị lý giải do chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý về tội "Trốn đóng bảo hiểm xã hội", dù Bộ luật Hình sự đã có hiệu lực.
Bảo hiểm xã hội TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn, doanh nghiệp đã bị khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán hay đã giải thể, phá sản.
Đồng thời, cơ quan này mong Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan có hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục khởi tố hình sự đối với đơn vị, doanh nghiệp nợ theo Bộ luật Hình sự, hướng dẫn xử lý các hành vi không phải trốn đóng bảo hiểm (đóng không đúng mức, không đủ số người thuộc diện tham gia...) hay trốn đóng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.