Trong kết luận thanh tra việc mua sắm thiết bị vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế và 11 bệnh viện, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra 7 vụ việc vi phạm nghiêm trọng nên chuyển Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ dấu hiệu hình sự.
Trong đó, TTCP xác định việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế tại Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) vướng sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và vi phạm hình sự. Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005.
Tại Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia, việc xét và chọn nhà thầu có nhiều sai phạm. TTCP chỉ ra dấu hiệu vi phạm hình sự đối với nhà thầu trúng thầu thuốc Xalvobin 500 mg là liên doanh Công ty UNI - Văn Lang. Hồ sơ đã chuyển Bộ Công an để điều tra các gói thầu số 2 và số 5 đấu thầu tập trung năm 2017 tại trung tâm này.
Trong 7 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, TTCP đề nghị Bộ Công an điều tra một số sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: V.L. |
TTCP làm rõ giai đoạn 2014-2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi tiền tại 5 ngân hàng thương mại không có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Việc này vi phạm Nghị định 30/2016 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010.
Đáng chú ý, năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Quân đội là ngân hàng không nằm trong phương án đầu tư quỹ, vi phạm Nghị định 30/2016.
Bên cạnh đó, TTCP kết luận Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa hoàn thành giải ngân hơn 518 tỷ đồng các khoản mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội không thanh toán đối với 5 thuốc điều trị ung thư tại Bệnh viện K và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội TP.HCM vẫn thanh toán cho Bệnh viện Thống Nhất.
Một số khoản chi chưa được bảo hiểm xã hội thanh toán như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với hơn 287 tỷ đồng tiền thuốc, vật tư y tế mua bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn; Bệnh viện Thống Nhất với hơn 74 tỷ đồng tiền thuốc, vật tư mua qua chỉ định thầu rút gọn.
Theo TTCP, trách nhiệm sau những vi phạm trên thuộc về lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2014-2018 cùng các đơn vị liên quan và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố có cơ sở y tế được kiểm tra gồm: Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP.HCM.
Từ kết quả thanh tra, TTCP kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thành giải ngân số tiền trên 518 tỷ đồng như được nêu ở trên; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có sai phạm.