Chiều 9/7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu chủ trì cuộc họp triển khai phát động thi đua cao điểm trong khi thực hiện công văn số 2279 và kế hoạch điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn.
Trước nhiều ý kiến đề nghị cấp giấy "thông hành" cho người dân ra ngoài khi cần thiết để lực lượng chức năng thuận lợi kiểm soát. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho rằng qua nghiên cứu, việc này không cần thiết bởi có khả năng sau khi phát giấy đi lại, một số người sẽ lợi dụng giấy này để ra ngoài khi không thực sự cần thiết.
Ông Châu cũng yêu cầu lực lượng kiểm soát dịch cần nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật và văn bản của UBND TP. "Việc kiểm soát kiên quyết nhưng phải ứng xử khéo léo nhẹ nhàng với người dân, để đảm bảo nhiệm vụ và mối quan hệ với nhân dân", ông Châu nói.
Về kế hoạch xét nghiệm, ông Ngô Minh Châu cho biết khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để đảm bảo 5K, các địa phương sẽ tổ chức lấy mẫu theo hộ.
"Một số trường hợp khó khăn trong lấy mẫu theo hộ thì sẽ do chủ tịch quận, huyện, TP quyết định. Ví dụ tại chung cư thì lấy điểm sao cho phù hợp, đảm bảo không tụ tập đông người theo tinh thần Chỉ thị 16 và đảm bảo 5K", ông Châu chỉ đạo.
TP.HCM tiến hành tái lập nhiều chốt kiểm soát. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thành phố đã tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố. Ông cho biết TP Thủ Đức và các quận, huyện cũng sẽ tái lập 157 chốt tại địa phương. Hôm nay, thành phố sẽ có văn bản về việc này.
Ngày 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký công văn số 2279 về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.
Đây là lần thứ 4 TP.HCM thay đổi, kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Thành phố đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 31/5 đến hết 18/6; từ 19/6 đến 8/7, thành phố áp dụng Chỉ thị 10.
Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Thành phố cũng đề nghị hạn chế đường sắt, hàng không 2 tuần tới. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm dừng.
TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ ngày 27/4 đến trưa 9/7, TP.HCM ghi nhận 9.895 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.