Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lợi bất cập hại khi hàng nghìn người ở TP.HCM chen chúc xét nghiệm

"Nhìn vào bức ảnh hàng nghìn người xếp hàng, chen lấn để lấy mẫu xét nghiệm, tôi e ngại lần lấy mẫu này chính là môi trường dịch lây lan và bùng nổ", GS Nguyễn Anh Trí lo ngại.

bien nguoi chen chuc xet nghiem Covid-19 anh 1

Gần 2 tuần trước, hình ảnh hàng nghìn người chen chân ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) đã gây lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch. Gần đây, “biển người” có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền chờ làm xét nghiệm tiếp tục làm dấy lên nỗi lo này.

Trao đổi với Zing, GS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) chia sẻ ông “không khỏi lo lắng”.

“Không khéo lấy mẫu xét nghiệm chính là môi trường để dịch lây lan và bùng nổ”, ông nói.

Cần chấn chỉnh việc lấy mẫu

Từ đầu tháng 7, nhiều địa phương như Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… bắt đầu áp dụng quy định người muốn vào địa bàn phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Giấy xét nghiệm chỉ có giá trị trong khoảng 3-7 ngày.

Yêu cầu về tờ “giấy thông hành” là khởi nguồn cho những hình ảnh mà GS Nguyễn Anh Trí nói trên, đó là khi hàng nghìn người dân chen chúc ở chợ Bình Điền (TP.HCM) chờ xét nghiệm, lấy giấy chứng nhận âm tính Covid-19 để có thể đi lại giữa các địa phương.

Theo GS Trí, xét nghiệm SARS-CoV-2 là giải pháp quyết định để phát hiện người bị mắc Covid-19. “Trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh như ở TP.HCM, việc xét nghiệm diện rộng và làm xét nghiệm thần tốc là đúng, nên và cần”, ông Trí nhấn mạnh.

bien nguoi chen chuc xet nghiem Covid-19 anh 2

Rất đông người dân ở TP.HCM tập trung tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, chờ lấy giấy chứng nhận âm tính để lưu thông, đi làm ăn qua các địa bàn lân cận. Ảnh: Duy Hiệu.

Ghi nhận nỗ lực và sự quyết liệt của TP.HCM, song vị đại biểu cho rằng thành phố cần xem lại cách tổ chức thực hiện, chấn chỉnh tình trạng người làm xét nghiệm tập trung quá đông và chen chúc nhau tại một địa điểm.

“Tôi sợ chính lần xét nghiệm này là lần lây nhiễm Covid-19. Nhìn trên ảnh ai cũng đeo khẩu trang nhưng quy định giãn cách không đảm bảo. Hơn nữa, không thể tránh khỏi có lúc mọi người kéo khẩu trang xuống, mà với chủng virus Delta lây lan nhanh, chỉ qua vài nhịp thở đã có thể lây nhiễm”, ông Trí nói.

Chen chúc, xô đẩy nhau ở những nơi như vậy thì lợi bất cập hại, rất mong TP.HCM xem lại cách làm của mình

GS Nguyễn Anh Trí

Ông nêu tình huống không loại trừ có F0, F1 lần trong những người chờ xét nghiệm mà chưa được phát hiện.

Với kế hoạch làm xét nghiệm cho khoảng 5 triệu người dân thành phố trong 10 ngày, ông Trí lo ngại với cách làm như vừa qua gây ra tình trạng tương tự vụ tập trung đông người tiêm vaccine ở Nhà thi đấu Phú Thọ, đến khi có ca F0 truy vết rất tốn nhân lực, nguồn lực.

“Chen chúc, xô đẩy nhau ở những nơi như vậy thì lợi bất cập hại, rất mong TP.HCM xem lại cách làm của mình”, ông Trí góp ý và cho rằng nếu đã làm phải làm cho đúng, làm khoa học chứ không “làm lấy được”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính chỉ là chứng nhận tạm thời tại thời điểm xét nghiệm rằng một người về cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2, không phải nguồn bệnh lây cho người khác. Kết quả này “không thể chính xác 100%” vì có khi sai sót, hoặc có khi mới nhiễm virus 1-2 ngày đầu thì xét nghiệm không cho ra kết quả dương tính.

“Giấy xét nghiệm không thể chứng nhận một người không thể nhiễm mới”, ông lưu ý.

Nhấn mạnh Bộ Y tế và các địa phương luôn quán triệt, yêu cầu đảm bảo giãn cách, ông Phu cho rằng việc mọi người chen chúc nhau đi xét nghiệm là "không ổn".

Tổ chức các điểm nhỏ, hướng dẫn người dân tự xét nghiệm

Góp ý cho cách triển khai xét nghiệm của TP.HCM, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng thành phố cần tổ chức thành các điểm nhỏ rộng khắp ở nhiều nơi và cần lấy mẫu có tổ chức, thông báo cho mọi người theo từng khung giờ, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Bất cứ ai trong đám đông cũng có thể là F0

PGS.TS Trần Đắc Phu

Nhận định đã thấy dấu hiệu của tình trạng quá tải, ông Trí cho rằng cần có nhiều đơn vị y tế, kể cả công lập và tư nhân có năng lực, cùng tham gia lấy mẫu xét nghiệm.

Vì giá trị của giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ trong ngắn hạn, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã được quán triệt, thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt, không tập trung đông người, vì bất cứ ai trong đám đông cũng có thể là F0.

Dưới góc độ chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), nhận định việc xét nghiệm âm tính để đi lại giữa các địa phương vào thời điểm này là cần thiết. Song, giá trị của tờ giấy tùy thuộc vào 2 loại xét nghiệm cơ bản là xét nghiệm kháng nguyên nhanh và RT-PCR.

bien nguoi chen chuc xet nghiem Covid-19 anh 3

Giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá trị trong thời gian ngắn nên chuyên gia khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong đó, với xét nghiệm kháng nguyên nhanh, chỉ khi trong người nồng độ virus cao mới cho kết quả dương tính. Còn xét nghiệm RT-PCT thực hiện khó hơn nhưng độ nhạy tốt hơn, kể cả nồng độ virus ít vẫn phát hiện được.

Dù là loại nào, ông Nhung lưu ý “không thể chính xác 100%” vì rất có thể hôm nay âm tính nhưng ngày mai lại dương tính.

Làm theo phong trào mà không đúng còn tệ hơn không làm

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung

Nhấn mạnh xét nghiệm mở rộng hết sức quan trọng, ông Nhung cho rằng xét nghiệm kháng nguyên có những bộ kit có thể làm cá nhân nên không nhất thiết tập trung đông người tại một điểm. Thay vào đó, cần có hướng dẫn cụ thể để người dân tự làm xét nghiệm theo nhóm hoặc gia đình.

“Việc này cần có hướng dẫn của nhà chuyên môn để làm cho chuẩn, đừng làm theo phong trào. Làm theo phong trào mà không đúng còn tệ hơn không làm”, ông Nhung nhấn mạnh.

Nhắc đến thực tế ở TP.HCM có ngày phát hiện số lượng ca nhiễm rất lớn, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá đây là vùng dịch có nguy cơ rất cao, cần áp dụng biện pháp giãn cách nên với người dân, chỉ khi nào cực kỳ cần thiết mới di chuyển.

Với biến chủng Delta lây lan nhanh, ông Nhung khẳng định có kết quả âm tính cũng tuyệt đối không được chủ quan, cần thực hiện nghiêm biện pháp 5K và các chỉ đạo của Bộ Y tế, chính quyền địa phương.

Giãn cách mà còn đi lại thì không thể khống chế dịch

Trong chống dịch, PGS.TS Trần Viết Nhung cho rằng nếu tận dụng được thời gian vàng sẽ sớm khoanh được dịch. Nhưng ở TP.HCM hiện nay rất khó khoanh vì đã qua thời gian vàng.

Với giải pháp giãn cách, theo ông Nhung, “còn đi lại hàng ngày thì không thể khống chế được dịch” vì đó mới chỉ là “giãn cách 50%”.

Ở thời điểm này, ông góp ý TP.HCM cần tính toán số ca mắc mới được phát hiện, số ca nặng phải vào viện, số ca tử vong và tốc độ lây lan của chủng virus để ra quyết định có giãn cách không và giãn cách ở mức độ nào.

Hàng nghìn người tập trung tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) để tiêm vaccine ngừa Covid-19 cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nêu bài học giãn cách 3 lớp huyện Đông Anh (Hà Nội) áp dụng và được Thủ tướng khen ngợi, ông Nhung nhận định TP.HCM không thể thực hiện theo phương pháp này nữa, vì các địa bàn trên thành phố đều đã có ca bệnh.

“Bây giờ dịch lan rộng nên phải dồn tổng lực để khống chế”, ông nhấn mạnh.

Nhìn nhận cần cân nhắc cả 2 mặt để đạt “mục tiêu kép”, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng vào thời điểm này, cần thiết và ưu tiên vẫn là sức khỏe cộng đồng và người dân, đúng như định hướng của Chính phủ.

Nhắc đến quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là phong tỏa phải rất chặt, rất nghiêm, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng tại thời điểm này, TP.HCM cần giãn cách trên diện rộng hơn theo phương châm “chỗ nào cần giãn cách thì giãn cách ngay, đừng chần chừ”.

Trong thông báo kết luận cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM hôm 4/7, Thủ tướng cũng nhấn mạnh khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết.

Ông giao Ban Chỉ đạo quốc gia và địa phương phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, kể cả toàn thành phố.

“Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh”, văn bản kết luận nêu rõ.

Bệnh viện ở TP.HCM ùn ứ vì người dân đi xét nghiệm Covid-19 Ghi nhận tại Bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp), Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), người dân xếp hàng dài chờ xét nghiệm Covid-19 vì cần giấy xác nhận âm tính để đi các tỉnh.

Người dân TP.HCM xếp hàng xét nghiệm Covid-19

Cần giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 để đến các tỉnh lân cận, nhiều người TP.HCM đổ xô tới các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm.

Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ của người dân nếu phải phong tỏa diện rộng

Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của người dân nếu phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng nhằm xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh.

Ổ dịch chợ Bình Điền nguy hiểm thế nào?

Hai tuần kể từ lúc phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại chợ Bình Điền, ổ dịch này đã lây lan đến 10 tỉnh, trong đó 5 địa phương ở miền Tây.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm