Sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp với Bộ phận thường trực hỗ trợ TP HCM chống dịch và các đơn vị chuyên môn để thảo luận các hướng dẫn với TP.HCM nhằm thực hiện hiệu quả biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16.
Người đứng đầu ngành Y tế cho biết có nhiều thay đổi trong chuyên môn phòng dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng vaccine ở TP.HCM. Trong đó, cách ly, xét nghiệm là hai vấn đề nổi cộm nhất.
Cách ly tập trung người sống cùng nhà bệnh nhân Covid-19
Về vấn đề cách ly, đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong toả), F1 được cách ly tại nhà, không cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà đình không được phép đi ra ngoài.
Tại khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại công văn số 5152 ngày 27/6 của Bộ Y tế. Các trường hợp này không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Địa phương có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.
Bộ Y tế đề nghị cách ly tại nhà F1 ở vùng nguy cơ rất cao. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Với vùng nguy cơ và bình thường mới, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152 của Bộ Y tế.
“Với những hộ gia đình có F0 thì cả nhà phải đi cách ly tập trung. Chủng này lây lan rất nhanh, nếu có một thành viên nhiễm thì hầu như các thành viên trong gia đình đều dương tính”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thí điểm lấy mẫu xét nghiệm gộp kháng nguyên nhanh
Về vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu 24 đội công tác và Bộ phận thường trực đặc biệt lưu ý vấn đề giúp TP.HCM điều phối máy móc, nhân lực, chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm.
Theo Bộ Y tế, cần giao phòng xét nghiệm Covid-19 cho các quận, huyện để tiếp nhận mẫu và gửi trả kết quả nhanh, giảm từ 24 giờ xuống 12 giờ.
Bộ trưởng Y tế yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế phải kiểm tra giám sát lại các phòng xét nghiệm để bổ sung, điều phối máy tới nơi có nhân lực đảm bảo điều kiện xét nghiệm.
Với khu vực vùng có nguy cơ rất cao, TP.HCM lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình. Với khu vực nguy cơ cao tần suất lấy mẫu là 7 ngày/lần, có thể tăng tần suất nếu điều kiện cho phép.
Với khu vực còn lại, lực lượng y tế lấy mẫu đại diện hộ gia đình, trong đó chọn người hay đi ra ngoài, có mức độ giao lưu tiếp xúc nhiều để lấy mẫu.
Bộ Y tế đề nghị TP.HCM lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm tại khu vực nguy cơ rất cao và cao. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Về phương thức lấy mẫu, với khu vực nguy cơ rất cao và cao, cần lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm lấy mẫu”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu nếu test nhanh thì trả ngay kết quả cho hộ gia đình. Trường hợp làm RT-PCR thì chỉ gộp mẫu của các thành viên trong gia đình.
“Việc tổ chức các tổ lấy mẫu (2 người/tổ) phải rất lớn thì mới đáp ứng được yêu cầu này, với 2.500 tổ hiện tại là chưa đủ. Do đó, phải điều phối nhân lực trong lấy mẫu”, Bộ trưởng nhận định và lưu ý không thể kéo người dân ra ngoài, tụ tập để lấy mẫu. Nếu không sẽ không còn ý nghĩa nào trong chống dịch.
Đối với các khu vực khác, ông Long khuyến cáo không nên gộp mẫu quá nhiều người trong hộ gia đình để tăng tốc độ trả kết quả.
Về sinh phẩm xét nghiệm, TP.HCM cần sử dụng 2 phương pháp là RT- PCR và kháng nguyên nhanh để trả kết quả càng nhanh càng tốt.
Với xét nghiệm kháng nguyên nhanh, Bộ trưởng đồng ý kiến nghị của GS.TS Lê Quỳnh Mai về việc sẽ thí điểm gộp mẫu 3-5. Nếu tới đây đánh giá được độ nhạy, độ đặc hiệu của phương pháp này tương đương với xét nghiệm gộp mẫu RT- PCR sẽ cho phép triển khai nhằm tiết kiệm sinh phẩm
Không tổ chức điểm tiêm chung đông người
Về tiêm vaccine, tới đây, Bộ Y tế sẽ cấp thêm vaccine cho TP.HCM. Địa phương sẽ tổ chức theo dạng chiến dịch nhưng có điểm khác so với trước đây.
Đối với khu vực nguy cơ rất cao và cao, TP.HCM cần tổ chức thành nhiều điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi cần thiết, chia thành nhiều khung giờ để đảm bảo giãn cách. Bộ Y tế sẽ điều khoảng 30 xe tiêm lưu động để bàn giao thí điểm cho TP.HCM.
“Điểm tiêm lưu động càng nhỏ, bám vào các hẻm nhỏ càng tốt”, Bộ trưởng lưu ý. Còn đối với các khu vực còn lại, cần tổ chức hai hình thức tiêm (cố định và lưu động). Tuyệt đối không tổ chức điểm tiêm đông người.
Tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ Y tế cũng lưu ý vấn đề phòng chống dịch ở khu công nghiệp, nhà máy. Theo Bộ trưởng có 2 hình thức thực hiện gồm xét nghiệm ngẫu nhiên với nhà máy đông công nhân với ít nhất 20% được xét nghiệm và xét nghiệm tuỳ theo độ lấy từng đối tượng lấy mẫu từ 3-5 ngày/lần. Nếu nhà máy có điều kiện thì xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, nhân viên.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bộ phận thường trực phải đào tạo tập huấn cho công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tổ chức các tổ lấy mẫu, phục vụ việc xét nghiệm tại các khu vực nhà máy. Đội lấy mẫu phải được tổ chức nhiều hơn trong khu vực này.