Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM đầu tư 1, thu về 10, nhưng chỉ được giữ lại 2

Bí thư Nhân cho biết một đồng vốn TP.HCM bỏ ra sẽ mang lại nguồn thu xã hội cao gấp 10 lần. Tuy nhiên, thành phố chỉ được giữ lại 18%.

Ngày 8/7, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần 42 khóa X, các đại biểu bày tỏ băn khoản khi tỷ lệ điều tiết ngân sách của Trung ương cho thành phố ngày càng giảm khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của TP.HCM gặp nhiều bất lợi.

"Tỷ lệ ngân sách Trung ương để lại cho thành phố còn thấp quá, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đây là vấn đề không mới, cách đây 3 năm thành phố đã báo cáo vấn đề này để Bộ Chính trị góp ý", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với ý kiến đại biểu.

Đầu tư 1 thu về 10

Bí thư Nhân cho biết đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho TP.HCM là biện pháp dài hạn cho những khó khăn về ngân sách của thành phố. Qua 5 tháng nghiên cứu, đề án cho thấy rõ khi ngân sách để lại cho TP.HCM nhiều hơn, phần nộp về Trung ương sẽ nhiều hơn.

"Với đặc thù là trung tâm kinh tế hiệu quả nhất cả nước, năng suất lao động gấp 2-7 lần bình quân quốc gia, mỗi năm tăng thêm 126.000 lao động, 1 đồng vốn bỏ ra cho TP.HCM sẽ mang lại nguồn thu từ xã hội cao hơn 10 lần", ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

De an tang ty le ngan sach HCM anh 1

Các đại biểu biểu quyết thông qua tờ trình tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nếu phần ngân sách Trung ương để lại cho thành phố là 24% trong 5 năm tới, và 28% trong giai đoạn 2026-2030, phần nộp về ngân sách Trung ương sẽ tăng 345.000 tỷ đồng so với phương án cũ. Đồng thời, phần ngân sách TP.HCM được sử dụng cũng tăng 390.000 tỷ đồng.

"Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ ngân sách cho TP.HCM tăng thì phần nộp về Trung ương sẽ ít đi là không đúng. Chúng ta có cơ sở khoa học để nói rằng tỷ lệ để lại cao hơn, phần nộp Trung ương cũng cao hơn", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin thêm ngày 10/7, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP sẽ báo cáo với Ban kinh tế Trung ương về đề án này. Dự kiến trong tháng 7, TP.HCM sẽ nộp đề án cho Bộ Chính trị và tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Quốc hội.

3 nhiệm vụ đặc biệt cuối nhiệm kỳ

Ngoài đề án tăng tỷ lệ ngân sách Trung ương cho TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Đảng ủy, chính quyền các cấp tập trung vào 3 "nhiệm vụ đặc biệt cuối khóa".

Trong đó, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM yêu cầu chính quyền tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam và thế giới. Người dân nhập cảnh, du khách quốc tế cần được chuẩn bị phương án cách ly lập tức, không được chủ quan, lơ là.

De an tang ty le ngan sach HCM anh 2

Bí thư Nhân giao nhiệm vụ cho các cấp ủy, chính quyền trong phần cuối nhiệm kỳ. Ảnh: Quang Huy.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt thời hạn cho các quận, huyện trong tháng 8 sẽ xử lý những điểm đen về rác thải còn tồn tại. Chính quyền địa phương cần hoàn tất chuyển đổi toàn bộ tổ thu gom rác dân lập sang mô hình hợp tác xã và công ty để đồng nhất về tư cách pháp nhân, quy chế làm việc và đồng phục.

"Nếu hoàn thành những nhiệm vụ trên, đây sẽ là lần đầu tiên từ sau năm 1975 thành phố không còn điểm đen về rác thải và các tổ thu gom rác dân lập. Thành phố đã xử lý xong 32/747 điểm ngập rác, tôi cho rằng chúng ta sẽ kịp thời xóa bỏ toàn bộ kịp thời hạn", Bí thư Nhân nhận định.

Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm, các quận, huyện cần xử lý quyết liệt hơn trình trạng xây dựng không phép, sai phép. Chính quyền thành phố cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để hỗ trợ 100% doanh nghiệp phải dừng sản xuất, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 9.

Bí thư Nhân: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM giảm so với cả nước

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, một lý do khách quan ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của thành phố là ngân sách để lại ngày càng giảm, từ 33% nay còn 18%.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm