Ông Nguyễn Nguyên Phương công bố lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dự kiến vào dịp Tết 2023 trong buổi họp báo vừa qua. Ảnh: T.N. |
Tại họp báo của UBND TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM công bố số lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dự kiến phục vụ cho tháng Tết Quý Mão 2023 với gần 40.000 tấn.
Trong đó, lương thực 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn.
Vị lãnh đạo cho biết, trong tháng 10 và 11 Sở Công Thương cùng các sở ngành sẽ làm việc với các doanh nghiệp nắm lại kế hoạch sản xuất, chuẩn bị số lượng hàng hóa. Ngoài ra, nguồn hàng dự trữ và các khó khăn trong khâu chuẩn bị sẽ được giải quyết triệt để nhằm đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ số lượng theo kế hoạch.
"Bên cạnh đó, Thành phố còn có kế hoạch tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu với các tỉnh thành để giới thiệu hàng mới, các hàng đặc sản, tiềm năng, có chất lượng giá cả phù hợp, dự kiến sẽ tổ chức trung tuần tháng 11", ông nhấn mạnh.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ chiều 12/10, ông Ngô Hồng Y - Lãnh đạo phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết trong mọi tình huống TP luôn xác định đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để thiếu hụt vào dịp Tết.
"Đôn đốc xây dựng nguồn hàng bình ổn thị trường, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự trữ nguồn hàng chiếm 25-43% so với các nhu cầu TP, kết hợp hệ thống phân phối để chia sẻ chiết khấu và chiết khấu ưu đãi để không có áp lực giá. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng", ông Y nói.
Cũng tại cuộc họp, trả lời báo chí về băn khoăn liệu giá cả hàng hóa ngày Tết có tăng lên nếu như giá xăng dầu tăng mạnh hay không, cũng như nguồn cung có có ổn định hay không. Ông Phương cho rằng tác động lên giá thành sản xuất hàng hóa thiết yếu chủ yếu từ giá nguyên vật liệu đầu vào, còn lại ảnh hưởng của xăng dầu là không nhiều.
Tuy nhiên, trong mọi tình huống vẫn phải đảm bảo lưu thông, không để thiếu hụt nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm trên địa bàn TP.
"Các hệ thống phân phối đã phát triển lớn mạnh nên hoàn toàn đáp ứng được việc phân phối, duy trì ổn định nguồn cung thị trường cuối năm. Đối với doanh nghiệp ngoài bình ổn thị trường, nếu tăng giá bán sẽ khiến sức mua giảm lại. Do đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc tăng giá", ông Phương nhận định.
Cũng theo cơ quan này, vào dịp cuối năm TP sẽ triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi đối với các mặt hàng tiêu dùng để kích cầu cho thị trường. Dự báo, trong năm nay, sức tiêu thụ của người dân sẽ tăng cao so với cùng kỳ 2 năm trước bởi TP đang phục hồi tốt sau đại dịch.