"Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM" là nội dung chính được đề cập trong chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả" lời ngày 11/9.
Giải đáp nhiều vấn đề xung quanh dự án này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố mong muốn sẽ tạo ra sự mẫu mực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ở dự án đường vành đai 3, để "làm mẫu" cho các dự án khác.
Chủ tịch TP.HCM cho biết sắp tới, khi triển khai dự án vành đai 3, thành phố sẽ điều tra xã hội học để hiểu được đặc điểm sinh kế của người dân, nhằm có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thành phố cũng sẽ xin ý kiến của bà con từ việc tái định cư, khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
Bản đồ tổng thể dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: TCIP. |
Theo ông Mãi, thời gian qua đã có nhiều dự án giao thông, y tế, giáo dục… thực hiện được nhờ sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong việc bàn giao mặt bằng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thành phố.
Nhưng bên cạnh đó, còn một số hạn chế chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến kiến nghị kéo dài, người dân khiếu nại.
Bất cập đầu tiên là chênh lệch giá bồi thường và giá thị trường trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm của thành phố là làm sao sau giải phóng mặt bằng, đời sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn.
"Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ trên nền pháp lý chung cùng với một số chính sách có thể linh hoạt được, phù hợp với tình hình của thành phố, chứ không thể có một chính sách riêng. Đây là bất cập và cần được giải quyết đồng bộ từ chủ trương, thể chế. Thành phố đang góp ý sửa đổi Luật Đất đai, cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương về vấn đề đất đai", ông Mãi nói.
UBND TP và các sở, ngành cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để giá bồi thường, hỗ trợ tiệm cận hơn với giá thị trường. Bên cạnh đó, thành phố cần chính sách đặc thù để bù đắp khoản chênh lệch này.
Vấn đề tiếp theo Chủ tịch UBND TP chỉ ra là có nơi thừa, nơi thiếu trong bố trí quỹ nhà, quỹ đất tái định cư, dẫn đến không đáp ứng nguyện vọng người dân.
Ông Mãi nêu ví dụ người dân ở Hóc Môn sau giải phóng mặt bằng lại đưa về Bình Chánh tái định cư, trong khi con cái học hành, công việc ở Hóc Môn.
Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) vẫn còn hơn 1.000 căn hộ bị bỏ trống do cách xa nơi ở cũ, thiếu việc làm, hạ tầng chưa hoàn thiện. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Bố trí như thế là không phù hợp và cần điều chỉnh để phù hợp nhất. Những khu vực này phải được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về hạ tầng, sau đó bổ sung thêm các tiện ích khác. Nguyên tắc là bố trí tái định cư tại địa bàn, người dân Hóc Môn bị ảnh hưởng bởi dự án phải bố trí tái định cư tại Hóc Môn", Chủ tịch TP.HCM nêu quan điểm.
Một vấn đề khác ông Mãi đề cập, là chưa kịp thời trong công tác phối hợp định giá, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn, dẫn đến bồi thường đền bù kéo dài, thời gian thực hiện dự án kéo dài khiến dự án "treo" nhiều năm.
"Chúng tôi đã nắm vấn đề tồn tại và thời gian tới cố gắng làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhằm hài hòa được lợi ích chung và lợi ích của từng tổ chức, cá nhân", Chủ tịch UBND TP cam kết.
Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM dài 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6/2022, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.