Trải qua 79 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ tăng cường, TP.HCM ghi nhận gần 150.000 ca nhiễm. Từ 0h 16/8, thành phố quyết định kéo dài đợt giãn cách thêm một tháng đến 15/9, với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó".
Ngày 16/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục có chỉ đạo khẩn về việc thực hiện các biện pháp cấp bách để thành phố kiểm soát dịch trước 15/9.
2 tuần - 3 nhiệm vụ
Lãnh đạo thành phố yêu cầu thắt chặt giãn cách nghiêm ngặt, đặc biệt ở khung 6-18h hàng ngày, thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người và xử lý ngay trường hợp vi phạm". Theo đó, thành phố đặt ra 3 nhiệm vụ chính ở 3 giai đoạn.
Từ 15/8 đến 22/8, thành phố quyết tâm kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.
Tuần đầu tiên, từ 15/8 đến 22/8, thành phố quyết tâm kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận điều trị; xác định chiến lược chuyển "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" và mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn.
TP.HCM kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó". Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuần thứ 2, từ 23/8 đến 31/8, thành phố chuyển sang mở rộng vùng xanh, phấn đấu kiểm soát dịch tại các địa bàn cụ thể như quận 5, 7, 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè.
Ngày 1/9 đến 15/9, thành phố tiến đến duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, với điều kiện số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người/ngày.
Có thể tiêm vaccine cho người 12-18 tuổi từ 15/9
UBND TP đặt mục tiêu phấn đấu đến ngày 15/9, thành phố đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2; hoàn thành tiêm mũi 1 cho 15% công nhân còn lại ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và chuẩn bị cho đợt tiêm mũi 2, tiến đến tiêm vaccine cho toàn bộ cho công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, từ 15/8 đến 23/8, TP đặt mục tiêu hoàn thành tiêm hơn 3 triệu liều vaccine; đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi 1, hoàn thành mũi 2 cho 1 triệu người.
Từ 15/8 đến 23/8, TP đặt mục tiêu hoàn thành tiêm hơn 3 triệu liều vaccine; đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi 1.
Giai đoạn này, TP tập trung ưu tiên tiêm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai; công nhân của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; người yếu thế và các đối tượng theo quy định.
Từ ngày 1/9 đến 15/9, TP tổ chức tiêm vaccine cho những người còn lại và tiêm nhắc mũi 2 theo quy định (400.000 người); có thể mở rộng tiêm cho người 12-18 tuổi nếu có nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu việc tiêm chủng vaccine dựa trên hai trụ cột là minh bạch và tự nguyện; công khai kết quả tiêm chủng hàng ngày; số lượng vaccine địa bàn đang quản lý để người dân giám sát.
Xét nghiệm cư dân "vùng xanh", "cận xanh" mỗi tuần
Để giải phóng vùng sạch, thành phố áp dụng xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp 10 gồm đại diện các hộ gia đình tần suất 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.
Nếu sau 2 lần xét nghiệm, khu vực nào không có trường hợp dương tính, tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% (người trên 18 tuổi), có khả năng đảm bảo giãn cách trong cộng đồng sẽ đạt tiêu chuẩn giải phóng vùng sạch. Riêng các vùng "vàng", địa phương cho các hộ gia đình xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp 5 ngẫu nhiên, có trọng điểm.
Xét nghiệm cư dân vùng xanh, cận xanh, lực lượng làm nhiệm vụ trong thời gian giãn cách mỗi tuần. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tại các vùng phong tỏa, địa phương tổ chức xét nghiệm nhằm thu gọn phạm vi, chuyển khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Trường hợp dương tính được hướng dẫn cách ly, điều trị, trường hợp âm tính có thể dỡ phong tỏa nếu đủ điều kiện.
Đối với nơi ngoài khu phong tỏa, địa phương cũng xét nghiệm người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19. Chính quyền giám sát, phát hiện sớm người có triệu chứng hoặc nguy cơ, người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền sống cùng nhà với F0 hay tiếp xúc F0.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần cho người đang hoạt động trong lĩnh vực y tế, quân đội, công an, nhà máy, doanh nghiệp và shipper (giao hàng).
Mở trung tâm an sinh để người dân khó khăn liên hệ
Về đảm bảo an sinh xã hội, thành phố đã triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân (Trung tâm an sinh), thí điểm tại quận 5, 7 và 12. Thành phố chuẩn bị một triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn.
Tăng kết nối các nguồn lực xã hội, thành lập các trung tâm, tổ cứu trợ.
Thành phố tăng kết nối các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm, tổ cứu trợ nhằm kịp thời đáp ứng "đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp từng đối tượng"; đặc biệt quan tâm sâu sát đến các khu nhà trọ có đông công nhân, sinh viên, người lao động tự do, các hẻm nhỏ, hẻm sâu, không để bà con thiếu đói.
Về điều trị, thành phố tập trung thực hiện hiệu quả 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện.
TP.HCM đặt mục tiêu hỗ trợ người dân khó khăn trên toàn địa bàn, không để ai thiếu đói. Ảnh: Chí Hùng. |
Chăm sóc F0 tại nhà đảm bảo 3 yêu cầu: Xét nghiệm tại nhà; “túi thuốc điều trị” tại nhà; an sinh tại nhà. Quy trình hóa việc chăm sóc F0 tại nhà; vận hành hiệu quả tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà.
Đối với việc điều trị tại bệnh viện, thành phố điều chỉnh phân tầng điều trị còn 3 tầng; huy động tất cả bệnh viện công lập, tư nhân tham gia điều trị; nâng cấp, trang bị cho các cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của các quận huyện, TP Thủ Đức.