Trong kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ 15/8 đến 15/9, TP.HCM một lần nữa thay đổi mô hình điều trị thành 3 tầng. Trước đó, thành phố triển khai mô hình điều trị 3 tầng 5 lớp.
Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 sáng 16/8, Zing đặt câu hỏi cho Sở Y tế về lý do thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của 3 tầng điều trị mới.
Phân lại các tầng điều trị
Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết việc phân tầng tuân thủ chỉ đạo của Bộ Y tế theo mô hình từ nhẹ, trung bình đến nặng. Phân tầng như vậy để tập trung nguồn lực, đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng.
"Để phù hợp với tình hình điều trị hiện nay, có sự phân lại các tầng cho rõ ràng, đảm bảo đúng tinh thần trước đây, tức là 3 tầng", ông Hưng cho hay.
TP.HCM thiết lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cụ thể, 3 tầng điều trị của TP.HCM như sau:
Tầng 1 là F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ, không bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định, có thể điều trị tại nhà hoặc khu cách ly tập trung của quận, huyện, TP Thủ Đức. Ngành y tế sẽ triển khai các gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh.
Tầng 2 tiếp nhận và thu dung các trường hợp cấp cứu, điều trị F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng, có hoặc không kèm bệnh nền. Nơi tiếp nhận là bệnh viện dã chiến hoặc điều trị Covid-19 đã chuyển đổi công năng; hoặc bệnh viện bình thường nhưng đã triển khai bệnh viện tách đôi.
Tầng 3 chuyên hồi sức chuyên sâu cho F0 nặng, nguy kịch tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố và Bộ Y tế.
Năng lực cụ thể của các tầng điều trị như sau:
Tầng điều trị | Số cơ sở | Số giường |
1 | 153 | 23.898 |
2 | 74 bệnh viện điều trị Covid-19; 24 bệnh viện dã chiến (15 BV thành phố, 8 BV quận, huyện); 41 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP; 9 bệnh viện Trung ương. | 49.392 |
3 | 8 bệnh viện hồi sức Covid-19: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Quân y 175; 5 Trung tâm hồi sức quốc gia. | 3.883 |
Phát túi thuốc an sinh
Cũng tại họp báo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố đang triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà gắn với túi thuốc an sinh. Mục đích là điều trị F0 hiệu quả, đúng với quy định của ngành y tế.
Để F0 có thể tự chăm sóc sức khỏe, ngành y sẽ tế hỗ trợ tối đa. Đây là giải pháp để giảm áp lực cho ngành y tế, tránh quá tải, tập trung nguồn lực điều trị những ca bệnh nặng, giảm tối đa thiệt hại của bệnh Covid-19 cũng như các bệnh khác.
Thành phố đã thực hiện chỉ đạo Bộ Y tế về gói chăm sóc F0 tại nhà, triển khai đến các bệnh viện công - tư, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến... Gói này gồm 6 hoạt động.
- Xác định, lập danh sách F0 cách ly tại nhà
- Hướng dẫn F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà
- Khám bệnh, theo dõi sức khỏe
- Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà
- Xét nghiệm F0 cách ly tại nhà
- Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho F0 cách ly tại nhà
Ông Đức cho biết 6 hoạt động này nhằm tạo điều kiện cho F0 cách ly tại nhà, trong môi trường quen thuộc với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng y tế. Thống kê cho thấy 70-80% F0 nếu tự chăm sóc trong điều kiện tốt thì có thể khỏi bệnh trong thời gian ngắn.
"Thời gian qua, ghi nhận nhiều trường hợp có điều kiện chăm sóc tốt thì khỏi bệnh hoàn toàn, chỉ sau khoảng 1 tuần có kết quả xét nghiệm âm tính", Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.
Từ 26/7, trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Ngày 1/8, UBND TP.HCM ra công văn quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8. Ngày 15/8, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 đến 15/9.
Từ 27/4 đến sáng 16/8, TP.HCM ghi nhận 149.286 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.