Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân TP.HCM 'chạy đua' với việc đi chợ bằng phiếu

Nhiều người dân cầm phiếu đi chợ nhưng phải đợi 3-4 giờ vẫn chưa đến lượt, lúc được vào thì hàng hóa muốn mua hết nhẵn.

Sau khi áp dụng phiếu mua hàng theo ngày và khung giờ, người dân TP.HCM vẫn gặp khó trong việc mua thức ăn, nhu yếu phẩm cho gia đình.

Ở nhiều nơi, tình trạng hàng hóa hết sớm, người dân chờ đợi thời gian dài đến lượt nhưng vẫn không mua đủ đồ dùng thiết yếu trong nhiều ngày.

Chờ đợi lâu

Gia đình chị Tú Thư (28 tuổi, quận Phú Nhuận) được phát 2 phiếu đi chợ mỗi tuần, sử dụng vào những ngày chẵn. Để mua sắm đầy đủ đồ cho gia đình 4 người, chị Thư phải lên sẵn danh sách đồ cần mua, tính toán dành cả một ngày để đi chợ.

"Có phiếu đi chợ nhưng đâu phải muốn là mua được đồ, siêu thị Coop Mart Rạch Miễu thì phát phiếu vào siêu thị lúc sáng sớm, 6h đã phải xếp hàng đợi lấy phiếu, trễ một chút là người ta phát hết. Phiếu ghi 12h thì tôi lại về nhà đợi đến trưa mới được vào mua", chị Thư nói.

gap kho khi di cho bang phieu anh 1

Nhiều người phải xếp hàng dài, chờ đợi nhiều giờ liền để mua thực phẩm. Ảnh: Phương Lâm.

Chưa kể, đã có phiếu mua hàng lẫn phiếu vào siêu thị, nhưng vì khung giờ chị Thư được mua đồ tại Coop Mart Rạch Miễu khá muộn, đến khi vào thì quầy thịt đã hết nhẵn. Rau củ có được bổ sung nhưng vẫn không đáng kể.

Chia sẻ với Zing, chị Thư cho biết: "Tôi tính toán mua đồ ở siêu thị lớn vì hàng hóa nhiều, đợi lâu chút cũng được. Ai mà ngờ đến khi vào mua thì thịt hết sạch sẽ, rau củ cũng không còn mấy loại. Đến thực phẩm đông lạnh cũng không đầy đủ. Bỏ cả ngày để đi chợ mà cũng không đủ đồ ăn".

Vì mỗi phiếu mua hàng chỉ được áp dụng tại 1 điểm mua hàng, nên thường người dân sẽ chọn các điểm bán có phong phú hàng hóa như siêu thị lớn.

Song, theo phản ánh của nhiều người thì cả các điểm bán hàng tiện lợi hay các cửa hàng thực phẩm vừa và nhỏ cũng thường xuyên hết hàng.

Anh Nguyễn Quốc Vũ (32 tuổi, Bình Thạnh) cho biết phiếu đi chợ của khu vực nhà anh chỉ được mua vào buổi sáng thứ ba và thứ sáu hàng tuần.

gap kho khi di cho bang phieu anh 2

Phiếu mua hàng giới hạn thời gian và ngày mua. Ảnh: NVCC.

Theo anh Vũ vì chia ngày và khung giờ đi chợ nên trong một khoảng thời gian nhất định lại có rất nhiều người tập trung đổ về mua đồ.

Các cửa hàng thực phẩm gần nhà anh đều phải xếp hàng đợi từ 1-2 giờ đồng hồ, nhưng lúc vào được bên trong thì đồ tươi sống gần như hết sạch.

"Tôi muốn di chuyển qua một vài cửa hàng khác để mua cho đủ đồ ăn mấy ngày nhưng trên phiếu thì chỉ hạn chế mua tại 1 phường của mình, đi gặp chốt kiểm soát thì lực lượng chức năng cũng yêu cầu mua đồ tại các cửa hàng gần nhất", anh Vũ nói thêm.

Về vấn đề này, Sở Công Thương cho biết việc hàng hóa rất dồi dào, khó khăn ở chỗ hàng loạt chợ truyền thống bị ngưng hoạt động khiến thiếu các kênh phân phối.

Hiện toàn TP.HCM chỉ có 29/237 chợ truyền thống hoạt động, 2.763 cửa hàng tiện lợi, hơn 130 điểm bán hàng lưu động.

Ngoài ra, thành phố đang triển khai thêm 41 điểm bán lưu động với 71 đầu xe để phần nào giảm bớt áp lực phân phối cho các siêu thị, cửa hàng.

Sống chung với thời dịch

Việc đi chợ gặp nhiều khó khăn và muốn hạn chế tiếp xúc, nhiều người đã chọn cách "đi chợ online" nhằm giải quyết vấn đề thực phẩm. Tuy nhiên, việc mua sắm này không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Nói với Zing, anh Thanh Hiếu (25 tuổi, Bình Thạnh) chia sẻ: "Xung quanh khu tôi ở có khá nhiều ca nhiễm, nên việc đi chợ khiến tôi lo lắng. Lúc trước, khi shipper còn hoạt động liên quận, ba mẹ tôi ở Tân Phú có đi chợ mua đồ rồi gửi qua. Tuy nhiên gần đây thì tôi chỉ có thể đặt thực phẩm qua ứng dụng".

gap kho khi di cho bang phieu anh 3

Việc đặt thực phẩm trong gia đoạn này gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC.

Anh Hiếu cho biết trải nghiệm mua online cũng nhiều "chông gai" căng thẳng. Vì các shipper chỉ được hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện nên khi đặt đồ qua ứng dụng, anh cũng chỉ tìm được loanh quanh trong khu vực.

Chưa kể, các cửa hàng thường xuyên thiếu hoặc hết đồ, nên anh Hiếu phải chia nhỏ thành nhiều đơn hàng, phí ship vì vậy mà cũng tăng theo.

"Muốn ăn được một nồi canh trọn vẹn mà tôi phải đặt ở 4 cửa hàng mới đủ nguyên liệu để nấu, chỗ thì có thịt nhưng không có rau, nơi thì shipper đến mới nhận tin hết hàng", anh Hiếu kể lại.

Mua được thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau củ trong thời điểm này khá khó khăn. Vì các quá tải, nhiều siêu thị hiện vẫn nhận đơn hàng nhưng lịch giao thì hẹn đến 2 tuần mới có.

Chị Trà My (27 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết chị đặt đơn hàng mua thịt trên app siêu thị Big C vào ngày 31/7, tuy nhiên nơi đây lại hẹn giao cho chị vào ngày 17/8.

"Cứ nghĩ đặt app thuận tiện, nào ngờ đặt lúc này mà đến hết phong tỏa mới giao hàng thì từ đây tới đó không biết sống kiểu gì. Đặt đồ ở cửa hàng tiện lợi thì phải cầu mong shipper đến nơi mà vẫn còn hàng, như kiểu trò chơi may rủi, rất hú họa", chị My nói.

Gần khu My ở có ca nhiễm nên chị muốn hạn chế ra ngoài, song việc đặt thực phẩm khó khăn khiến chị thường xuyên phải ăn mì gói, bánh ngọt hoặc uống sữa bù cơm.

"Mấy hôm nay, anh chủ nhà trọ có nhắn sẽ gom đi siêu thị mua đồ một tuần hai lần, nên tôi định nhờ anh mua giúp một số thực phẩm thiết yếu. Trước mắt chỉ có cách này là giải quyết phần nào vấn đề thực phẩm thôi", chị My nói thêm.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Chung cư ở TP.HCM tăng cường bảo vệ cư dân thời dịch

Yêu cầu người lạ phải có giấy xét nghiệm âm tính, lắp đặt trạm trợ thở oxy là một số biện pháp mà các chung cư trong thành phố tạo lá chắn bảo vệ cư dân thời dịch.

'Cầm nhầm’ đồ ở chung cư TP.HCM mùa dịch

Giãn cách xã hội, nhiều chung cư ở TP.HCM siết chặt quy định giao nhận đồ từ các shipper, tuy nhiên việc này lại vô tình tạo kẽ hở cho những người có ý đồ không tốt.

'Bác sĩ đồ điện' online mùa dịch tại TP.HCM

Thấy nhiều gia đình khổ sở vì hư điện, tắc nước trong mùa dịch, anh Thuận dành thời gian hỗ trợ từ xa miễn phí.

Thịnh Vũ

Bạn có thể quan tâm