Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người TP.HCM: Trường kỳ kháng chiến, nhưng phải đảm bảo an sinh

Dịch bệnh còn phức tạp, người dân TP.HCM không bất ngờ trước quyết định kéo dài giãn cách. Điều họ quan tâm lúc này là chính sách an sinh xã hội của thành phố.

gian cach xa hoi anh 1

Gần 3 tháng nay, tiệm cắt tóc của anh Hồng Dương trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) đóng cửa im lìm. Cửa tiệm của anh không nằm trong nhóm ngành nghề được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.

Ngày 13/8, nghe tin thành phố tiếp tục kéo dài giãn cách, gánh nặng chi phí mặt bằng khiến người thanh niên không khỏi lo âu. Buổi chiều, anh đến gặp chủ nhà để ngỏ lời xin giảm tiền thuê.

“Mấy hôm nay khỏe không chú?", anh Dương lịch sự hỏi. Người chủ nhà lớn tuổi nhíu mắt nhìn, rồi nói: “Chú khỏe! Mày sao rồi?”.

Chàng thanh niên ngại ngùng gãi đầu, chưa biết mở lời như thế nào thì người chủ nhà tiếp lời: “Cả tháng nay đóng cửa đâu làm ăn được gì phải không? Thôi, chú không thu tiền mặt bằng tháng này đâu. Giữ tiền mà lo cho mấy đứa nhỏ”.

Mắt đỏ cay, anh cúi đầu cảm ơn chủ nhà. Người đàn ông lớn tuổi động viên: “Mày thuê nhà chú cũng gần 2 năm rồi, chẳng lẽ chú không giúp mày được một chút. Ráng nghen con!”.

Cần thêm sự hỗ trợ

“Không có gì bất ngờ”, “Đến hẹn lại lên, quen rồi”, “Khỏi phải bàn, dịch còn phức tạp thì phải tiếp tục phong tỏa thôi”, “Tiếp tục giãn cách là phương án bắt buộc, nhưng quan trọng là thành phố phải đảm bảo an sinh cho người dân”... Không ít người dân ở TP.HCM bày tỏ ý kiến trước quyết định kéo dài giãn cách sau ngày 15/8.

Trải qua hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, tổng ca nhiễm trong ngày tại TP.HCM đang có chiều hướng đi ngang, giảm nhưng chưa bền vững. Đặc biệt số ca tử vong cao, trung bình 241 ca/ngày.

Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi

Sáng 15/8, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết trước những diễn biến bất lợi của tình hình dịch bệnh, TP.HCM sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1 tháng nữa để tập trung khống chế nguồn lây nhiễm.

"Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới" - ông Mãi nói.

gian cach xa hoi anh 2

Lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân sẵn sàng tinh thần "trường kỳ kháng chiến", trước mắt là đến 15/9. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hơn 2 tháng làm việc tại nhà, chị Hoài Thu (quận Tân Bình) hóm hỉnh cho biết chị đã từ một cô nhân viên văn phòng chuyển thành một bà nội trợ chính hiệu. Một tuần hai lần đi chợ, mỗi ngày 3 bữa cơm nấu tại nhà và một ly nước cam, ngoài ra chị còn tập tành làm giá, trồng hành, may khẩu trang…

“Tạm không nhắc đến những tiêu cực, tôi cảm thấy cuộc sống của mình nề nếp hơn trước đây. Đồng thời có thời gian để chăm sóc bản thân cũng như trân trọng sức khỏe hơn”, chị nói.

Trong lúc TP.HCM vẫn ghi nhận số ca nhiễm trong ngày dao động từ 3.000-4.000 ca, người phụ nữ cho biết chị không quá bất ngờ trước quyết định kéo dài giãn cách của thành phố.

Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ đa phần người dân đã chuẩn bị tâm lý rồi, vì hiện tại mục tiêu là kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để ở nhà chống dịch, thành phố cần đẩy mạnh các phương án hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, lao động thất nghiệp và người lớn tuổi”.

Trải qua đợt giãn cách dài nhất kể từ năm 2020, nhiều lao động thất nghiệp, dân nhập cư, hộ gia đình khó khăn ở TP.HCM bắt đầu “kiệt sức” khi phải đối diện với áp lực chi phí sinh hoạt.

gian cach xa hoi anh 3

Lao động thất nghiệp, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lớn tuổi... là những đối tượng cần được quan tâm trong thời gian thực hiện giãn cách. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Phần lớn người dân đã nhận được tiền hỗ trợ của thành phố, tuy nhiên có không ít trường hợp chưa được tiếp cận gói hỗ trợ. Anh Hồ Châu, sống tại hẻm 686/61/2 QL1A (quận Bình Tân) cho biết 2 tháng qua các hộ dân trong hẻm chưa nhận được tiền trợ cấp từ gói hỗ trợ.

“Chúng tôi thất nghiệp, không có thu nhập, đa số phải nhờ vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm”, người đàn ông cho biết ngoài lương thực, người dân còn phải xoay tiền để trả tiền nhà trọ, điện, nước, và thuốc men.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh gia đình cũng phải gồng mình để duy trì mặt bằng. Không phải chủ doanh nghiệp nào cũng may mắn nhận được sự san sẻ từ phía chủ cho thuê.

"Gồng 1 tháng, 2 tháng thì còn ráng", anh Gia Hưng (chủ tiệm sửa xe ở quận Phú Nhuận) cảm thán và cho biết đến thời điểm anh dự định trả mặt bằng để giảm tải gánh nặng tài chính trong mùa dịch.

Cần đẩy mạnh các phương án hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, lao động thất nghiệp và người lớn tuổi

Chị Hoài Thu

Chiều 15/8, Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết đã yêu cầu quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực, thực phẩm, không để ai thiếu đói.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt). Thời gian được hỗ trợ là trong tháng 8 và tháng 9.

Cố gắng thêm một chút nữa thôi!

Sáng 14/8, theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM từ ngày 22/7 đến hết ngày 13/8, TP.HCM đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho tổng cộng 3.399.000 người. Tất cả trường hợp này đều có sức khỏe sau tiêm ổn định, an toàn.

Giữa chuỗi ngày căng thẳng của cuộc chiến chống Covid-19, chiến dịch vaccine đem đến niềm hy vọng cho người dân tại tâm dịch. Anh Văn Hùng (quận 3) cho biết anh khá an tâm khi các thành viên trong gia đình đều đã được tiêm chủng.

“Dịch vẫn còn nguy hiểm, nhưng được tiêm vaccine thì dù sao cũng yên tâm hơn. Đặc biệt là với người lớn tuổi”, anh Hùng cho biết nhiều bạn bè của anh cũng hy vọng chiến dịch vaccine sẽ giúp thành phố sớm kết thúc chuỗi ngày giãn cách.

gian cach xa hoi anh 4

Chiến dịch vaccine đem đến niềm hy vọng cho cuộc chiến chống dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bên cạnh công tác tiêm vaccine, việc vùng xanh được phủ rộng và kiểm soát chặt chẽ cũng góp phần giúp tâm thế người TP.HCM vững vàng hơn trong cuộc chiến “trường kỳ” với dịch bệnh.

Sống trong vùng xanh không có nghĩa là tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, việc làm này giúp cư dân giảm bớt những lo âu về dịch bệnh, đồng thời có thêm ý thức bảo vệ cộng đồng và với chính gia đình.

“Cố gắng được tới đây rồi thì ráng thêm chút nữa thôi. Tuân thủ các quy định, để công sức mấy tháng qua không uổng phí”, ông Ngọc Minh, trưởng chốt bảo vệ vùng xanh trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) cho biết.

Chiều 15/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký công văn khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/8 đến hết 15/9. Từ 18h đến trước 6h hôm sau, thành phố yêu cầu mọi người dân hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh tiếp tục tạm ngưng hoạt động.

Những ngày sống chậm giữa tâm dịch TP.HCM

Thay vì than vãn cuộc sống bí bách, các hộ dân ở vùng xanh tìm cách san sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn. Một số người chung tay hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Ngày sinh nhật tuổi 25, chàng trai đón tro cốt của mẹ

Không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có bánh kem và lời hát chúc mừng, Mạnh Giàu đón tuổi 25 bên hũ tro cốt của người mẹ vừa qua đời vì Covid-19.

Chạy xuyên đêm giúp người vô gia cư ở TP.HCM

Bà Dung nhận chăn bông và một ít tiền từ tay Hiền, rồi người đàn bà xúc động nói: “Hôm qua lạnh quá, bà mặc áo mưa ngủ. Vậy là tối nay ấm rồi”.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm