Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chung cư ở TP.HCM lập đội y tế phản ứng nhanh hỗ trợ F0

Với 11 thành viên gồm nhiều bác sĩ và dược sĩ, đội y tế phản ứng nhanh ở chung cư The Sun Avenue sẵn sàng hỗ trợ F1, F0 trong tình huống khẩn cấp.

doi y te phan ung nhanh anh 1

“Khẩn! F0 lớn tuổi ở tháp 6 đang chuyển biến nhanh, mọi người nhanh chóng hỗ trợ nhé!"

“Đem giúp đồ bảo hộ qua cho em với”

“Bác sĩ đợi xíu nhé, chị Trinh đang mang qua”

“Bác sĩ ơi, cầm theo máy oxy lên nhé, bệnh nhân cần oxy”

“Chuẩn bị máy thở, oxy trong trường hợp không liên lạc chuyển viện được nhé!”

Loạt tin nhắn khẩn trương trong đêm 31/8. Chỉ một ngày sau khi được thành lập, đội y tế ở chung cư The Sun Avenue (TP Thủ Đức) đã phối hợp nhịp nhàng để sơ cứu cho một bệnh nhân lớn tuổi trở nặng.

Chủ động giúp nhau

Đội y tế phản ứng nhanh là ý tưởng của nhóm cư dân chung cư The Sun Avenue nhằm hỗ trợ các vấn đề y tế cho người dân, đặc biệt là những ca nhiễm nCoV sinh sống tại đây.

Hồi tháng 7, khu chung cư với hơn 1.400 căn hộ này liên tục phát hiện ca nghi nhiễm. Lực lượng chức năng đã yêu cầu phong tỏa các khu vực liên quan. Tận mắt chứng kiến đội ngũ y tế quá tải, các cư dân đã có ý tưởng hỗ trợ nhau trong tình huống khẩn cấp.

doi y te phan ung nhanh anh 2

Cư dân The Sun Avenue chủ động hỗ trợ nhau trước tình trạng quá tải của đội ngũ y tế TP.HCM. Ảnh: Thiên Di.

Anh Lê Minh Mẫn, thành viên của đội phản ứng nhanh, cho biết khi thấy mô hình bác sĩ tư vấn online hoạt động khá hiệu quả, đồng thời biết đến nhiều trường hợp mắc các bệnh khác không muốn đến cơ sở y tế vì sợ lây nhiễm, anh và những người bạn đã nghĩ ra ý tưởng về đội hỗ trợ.

“Tôi nghĩ ở một cộng đồng dân cư đông như ở đây, chắc cũng có nhiều y, bác sĩ đang sinh sống. Họ có thể hỗ trợ sức khỏe cho cư dân không chỉ trong việc theo dõi các F1, F0 mà còn có thể tư vấn về những vấn đề y tế khác”, anh Mẫn nói.

Cùng tham gia từ ý tưởng ban đầu, chị Võ Đoan Trinh nghĩ rằng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một động thái nhằm trấn an sự lo lắng của cộng đồng là điều cần thiết.

Trong lúc khó khăn mới thấy tình làng, nghĩa xóm ở đây thật đáng quý!

Bác sĩ Lê Hữu Khánh Anh

Xuất phát từ những nhóm thiện nguyện riêng lẻ, đến khi các ca nhiễm nCoV được phát hiện và có dấu hiệu gia tăng trong chung cư, mọi người bắt đầu kết nối để chủ động giúp nhau trong tình huống khẩn cấp.

Chỉ trong thời gian ngắn, đội đã kêu gọi được 5 bác sĩ (chuyên khoa nhi, răng hàm mặt, đa khoa), 3 dược sĩ và 3 hậu cần cùng phối hợp hoạt động. Bác sĩ Lê Hữu Khánh Anh (chuyên khoa răng hàm mặt) đã từng có kinh nghiệm hỗ trợ tại bệnh viện dã chiến. Vì vậy, anh đã hưởng ứng ngay khi chung cư kêu gọi sự giúp đỡ.

“Cuộc sống ở chung cư thì đa phần không có sự gắn kết như các hộ dân ở khu phố, hay xóm làng. Thậm chí trước đây, tôi không biết mọi người tên gì, làm ở đâu. Nhưng trong lúc khó khăn mới thấy tình làng nghĩa xóm ở đây thật đáng quý”, vị bác sĩ chia sẻ.

Những ngày qua, tất cả thành viên trong đội đều tự nguyện làm việc không lương, với mong muốn giảm thiểu sự lo lắng, mức độ lây nhiễm và hỗ trợ cho những F0 trong chung cư.

Hạnh phúc khi giúp được người

Ý tưởng thành lập đội y tế phản ứng nhanh cũng nhận được sự hưởng ứng từ người dân trong chung cư. Nhằm trang bị đầy đủ thuốc men và các trang thiết bị y tế dùng để sơ, cấp cứu, một quỹ y tế được được thành lập dựa trên sự đóng góp tự nguyên của cư dân.

Chị Trinh cho biết ngay khi quỹ được thành lập, các thành viên trong đội đã phân công người mua sắm các vật tư y tế cần thiết. Một bác sĩ phụ trách lên danh mục thuốc, một bác sĩ phụ trách mua bình oxy, mặt nạ oxy, máy tạo oxy và máy đo nồng độ oxy trong máu (Sp02). Đội hậu cần sẽ mua găng tay, dung dịch khử khuẩn, đồ bảo hộ và khẩu trang chuyên dụng.

Song song với đó, đại diện của đội làm việc với Ban quản lý chung cư để thống nhất vị trí đặt tủ thuốc và thiết bị y tế, đào tạo quy trình vận chuyển nhu yếu phẩm lên tầng, các căn hộ đang cách ly. Phương án thuê xe cấp cứu ngắn hạn và quay video hướng dẫn sử dụng máy thở cho cư dân cũng được triển khai.

“Ngoài đội ngũ y, bác sĩ đang tham gia trực tiếp với đội, còn có nhiều bác sĩ âm thầm giúp đỡ, tư vấn cho cư dân mấy ngày qua”, anh Mẫn nói.

doi y te phan ung nhanh anh 3

Dân cư cùng đóng góp quỹ để mua sắm các trang thiết bị y tế và thuốc men trong trường hớp khẩn cấp. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhắc lại 2 ca nhiễm nCoV đầu tiên được đội hỗ trợ, chị Trinh không khỏi xúc động. Họ gồm một phụ nữ lớn tuổi và một em bé được xác định dương tính ngày 29/7 rồi được yêu cầu cách ly tại nhà.

Khoảng 23h ngày 31/7, bệnh nhân lớn tuổi chuyển biến xấu. Ngay sau khi nhận tin từ chủ hộ ở tháp S6, các thành viên viên trong đội y tế phản ứng nhanh đã đến sơ cứu.

Bác sĩ Khánh Anh lập tức gọi điện thoại để kiểm tra tình trạng sức khỏe, đánh giá mức độ nghiêm trọng, đồng thời đem máy thở oxy đến nhà bệnh nhân.

Vừa nghe tin là tôi lao đi ngay, không kịp suy nghĩ nguy hiểm, hay rủi ro gì cả

Chị Võ Đoan Trinh

“Tôi cân nhắc kỹ lưỡng. Thứ nhất tôi không ở cùng người thân nên có thể mặc đồ bảo hộ đến giúp bệnh nhân, thứ hai tôi có kinh nghiệm tiếp cận F0 sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn”, bác sĩ Khánh Anh kể.

Cùng lúc đó, đội hậu cần cung ứng thiết bị cần thiết để bác sĩ trực tiếp sơ cứu. Một số thành viên khác phối hợp cùng ban quản lý chung cư liên lạc với y tế phường, nhờ hỗ trợ xe cấp cứu.

Vài tiếng sau xe cấp cứu của phường có mặt đưa F0 đến bệnh viện. Khi chiếc xe rời đi, tất cả thành viên trong đội mới thở phào nhẹ nhõm. Trải qua một đêm tất bật, ai nấy đều hạnh phúc vì đã giúp nữ bệnh nhân qua cơn nguy khó.

“Nhìn người bệnh tự nhiên tôi nghĩ nếu lỡ người thân của mình rơi vào hoàn cảnh như vậy thì sao. Thế nên, vừa nghe tin là tôi lao đi ngay, không kịp suy nghĩ nguy hiểm, hay rủi ro gì cả”, chị Trinh tin rằng ở hoàn cảnh ngặt nghèo, con người có mối liên kết thật đặc biệt.

doi y te phan ung nhanh anh 4

Đội đã phối hợp cùng ban quản lý chung cư, y tế phường để sơ cứu và đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong đêm 31/7. Ảnh: NVCC.

F0 ở TP.HCM khỏi bệnh sau 10 ngày tự điều trị tại nhà

Bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần lạc quan, chàng trai ở TP.HCM đã chiến thắng Covid-19 sau 10 ngày tự điều trị.

Người TP.HCM quyết bảo vệ ‘vùng xanh’ giữa tâm dịch Covid-19

Ngày càng có nhiều hẻm, khu dân cư không ca nhiễm ở TP.HCM được thiết lập vùng bảo vệ, nhằm duy trì “vùng xanh” trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh.

Tâm thế chủ động của người TP.HCM trước lần giãn cách thứ 5

Bước vào đợt giãn cách thứ 5 liên tiếp, người dân TP.HCM đón nhận với tâm thế chủ động hơn. Mọi người xác định đây sẽ là cuộc chiến dài hơi.

Toàn Nguyễn

Bình luận

Bạn có thể quan tâm