Đầu tháng 6, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) có công văn gửi UBND TP.HCM về đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và rạch Xuyên Tâm bằng thiết bị xử lý nước theo công nghệ đang áp dụng tại sông Tô Lịch (Hà Nội).
Sau khi nghiên cứu đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải trên một số tuyến kênh, rạch của Công ty JVE, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu vì đề xuất này chưa đủ cơ sở.
Theo phía Công ty JVE, công nghệ Nano-Bioreactor có khả năng tạo ra các bọt khí mịn, dễ dàng hòa tan vào môi trường nước thông qua các tấm vật liệu tạo ra từ đá núi lửa.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM nhận xét thiết bị cung cấp oxy này không phải nguồn cung vô tận, khi ngừng cung cấp điện năng thì thiết bị cũng không hoạt động.
Sở cũng nhận định thiết bị hoàn toàn không có khả năng phân hủy các chất ô nhiễm trong nước bởi cơ chế để phân hủy, tạo ra các gốc tự do cần có các tác nhân oxy hóa rất mạnh (O3, H2O2...). Thiết bị của JVE chỉ là máy sục khí đơn thuần, để có khả năng phân hủy nước cần thiết kế thêm máy sục ozone tốn rất nhiều năng lượng.
Các kỹ sư của công ty JVE đang lắp đặt thiết bị Bioreactor trên sông Tô Lịch. Ảnh: Việt Hùng. |
Đối với khả năng cải tạo lớp bùn lắng, Sở cho rằng lớp bùn được làm sạch trong quá trình sục khí sẽ phụ thuộc vào kết cấu thiết bị, bán kính ảnh hưởng. Lớp bùn sau khi làm sạch có khả năng trôi đi và tái trở thành bùn kỵ khí tại khu vực khác. Bởi vậy để cải tạo lớp bùn này của mỗi con kênh, rạch cần đặt nhiều thiết bị từ đầu đến cuối nguồn nước.
Bên cạnh đó, nước bên trong kênh, rạch là dòng nước luân chuyển, khó đánh giá hiệu quả xử lý của công nghệ mà JVE đề xuất.
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho rằng cần đợi kết quả thử nghiệm, số liệu quan trắc từ đoạn sông Tô Lịch đã áp dụng công nghệ này để có thể đánh giá khách quan hơn.