Tháng 12/2012, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) đưa hệ thống máy lọc do nhóm ông nghiên cứu và chế tạo đến thử nghiệm bên sông Tô Lịch. Sau vài phút, một cốc nước trong veo chảy ra, ông không ngần ngại uống luôn trước mặt mọi người.
Kể lại với Zing.vn, ông cho biết việc này xuất phát từ đề tài nghiên cứu của ông từ đầu những năm 2000. Ông và một nhóm nhà khoa học đã chế tạo bộ lọc nhiều tầng để khử kim loại nặng, chất hữu cơ và vi khuẩn có hại, cho ra nước uống được trực tiếp.
Năm 2013, TS Hồng Côn lấy nước Tô Lịch lên lọc và uống trước sự kinh ngạc của mọi người. Ảnh: NVCC. |
Ai uống nước sông Tô Lịch cũng khen "nước sạch, không có vị gì"
Năm 2005, khi các công nghệ lọc nước vẫn còn rất mới mẻ, TS Côn đã nuôi hy vọng chế tạo được thiết bị không những lọc được nước máy mà lọc được cả nước sông, hồ ô nhiễm.
Ông kể lúc mới nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nước được lọc ra nhưng ông và các nhà khoa học trong nhóm không ai dám uống. Chỉ sau khi nước được đưa đi kiểm nghiệm, tất cả các chỉ số đạt yêu cầu mới dám sản xuất bộ lọc và máy lọc.
Nước thành phẩm được ông đưa đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 để đo chỉ số hóa học của nước, đưa đến Viện Vệ sinh dịch tễ để đo chỉ số về vi khuẩn, vi trùng. Các kết quả đều cho ra đạt yêu cầu.
Gần 10 năm sau, cuối năm 2012, ông đưa hệ thống máy lọc đến sông Tô Lịch để thử nghiệm và uống luôn nước thành phẩm để chứng minh hiệu quả trước sự chứng kiến của nhiều người.
"Chúng tôi cho mọi người xem trực tiếp quá trình lấy nước lên, đưa vào máy, rồi đưa nước đó cho một số người khách quanh đó cho uống thử, không nói là nước sông Tô Lịch. Ai cũng khen sạch, mát không thấy mùi vị gì. Nhưng đến lúc nói là nước sông Tô Lịch vừa được lọc, mọi người đều hoảng hốt", ông Côn kể lại.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng TS Côn cho biết thiết bị của nhóm ông không được áp dụng rộng rãi vì nhiều yếu tố.
"Chúng tôi là nhà khoa học, chỉ biết nghiên cứu, rồi chế tạo ra bộ lọc thôi, chứ có biết bán ra thị trường thế nào đâu. Chúng tôi cũng chỉ sản xuất với mục đích thí nghiệm, cũng không chuyển giao công nghệ cho ai, mà cũng không doanh nghiệp nào ngỏ ý sản xuất số lượng lớn cả", ông Côn nói.
Theo ông Côn, việc nước sông tắm được chưa chứng minh được là nước sạch. Ảnh: Việt Linh. |
Nước tắm được có phải nước sạch?
Chiều 9/8, Công ty JVE, đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, tổ chức buổi trình diễn khả năng xử lý nước ô nhiễm. Để chứng minh chất lượng nước sau xử lý, một chuyên gia Nhật đã trực tiếp ngâm mình dưới nước sông và tắm trong 5 phút.
Đánh giá về việc này, ông Côn cho rằng việc chứng minh bằng cách tắm thử ông chưa từng thấy bao giờ và không có nhiều ý nghĩa khoa học.
"Theo tôi, đây là một cách dân dã, họ muốn nói nước tắm được là nước sạch. Giống như nước sông, hồ ở quê chưa bị ô nhiễm, thì người dân cũng tắm được. Tuy nhiên, về khía cạnh khoa học thì tắm chưa chứng minh được đó là nước sạch", ông Côn nhận định.
Theo nguyên giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), để biết nước sạch hay không, dùng được cho sinh hoạt của người dân thì phải dựa trên nhiều thước đo, kiểm tra, đánh giá các chỉ số. Khó có thể nói nước tắm được là nước sạch.
"Ví dụ như tắm xong, phải theo dõi cơ thể, da của họ có biểu hiện gì không, có dị ứng với chất nào trong nước không. Ngoài ra, có một số người có thể chống chịu với một mức độ ô nhiễm nhất định trong nước mà không biểu hiện ra bên ngoài, nên việc đo chất lượng nước bằng cách tắm thử không mang nhiều ý nghĩa khoa học", vị chuyên gia phân tích.
Vị chuyên gia Nhật ngụp lặn trong bể nước sông Tô Lịch sau xử lý. Ảnh: Việt Linh. |
So sánh công nghệ làm sạch nước của Nhật đang ứng dụng trên sông Tô Lịch với công nghệ lọc nước của mình, ông Côn cho rằng việc này là không thể bởi bản chất và mục đích hoàn toàn khác nhau.
Công nghệ của Nhật là công nghệ xử lý nước thải để cho ra nước thải loại 1 hoặc 2, giảm thiểu ô nhiễm cho sông Tô Lịch, qua đó giúp làm sống lại con sông. Còn thiết bị của ông chỉ cho ra một lượng nước nhỏ, phục vụ chủ yếu cho sinh hoạt và ăn uống.
Về công nghệ Nhật đang áp dụng ở sông Tô Lịch, ông Côn đánh giá cao nỗ lực của các chuyên gia phía Nhật Bản đã thử nghiệm và chứng minh được hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông một mình công nghệ Nhật là không đủ.
"Đúng là việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao đang khó khăn, tốn kém. Nhưng sớm muộn gì thành phố cũng phải tách được nước thải, không thể để nước thải chảy vào dòng sông như thế. Trước mắt, công nghệ Nhật sẽ giúp Tô Lịch giảm được ô nhiễm cho đến khi tách được nước thải", TS Côn nhận xét.