Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM cần quản lý xe máy thế nào?

Chuyên gia cho rằng TP.HCM nên sớm hạn chế xe máy bằng nhiều biện pháp cứng rắn như tăng phí bảo trì, thu phí đường bộ và thậm chí là thu hẹp bãi giữ xe.

Gần 20 năm kể từ năm 1995, số lượng xe máy tại Việt Nam tăng khoảng 13 lần. Thu nhập cao hơn, các hộ gia đình có nhu cầu mua ôtô nhưng cũng không bán xe máy. Điều này trở thành thách thức gấp đôi đối với phát triển giao thông công cộng của cả nước.

Vấn đề này được đặt ra tại hội thảo Xe máy - Metro - Những thách thức trong giao thông diễn ra tối 27/4.

Đặc biệt khi mạng lưới metro hoàn thiện trong 10 năm tới, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, cùng nhiều chuyên gia ngoại quốc cho rằng TP.HCM càng phải có chính sách mạnh mẽ để quản lý xe máy từ thời điểm này.

Hạn chế xe máy

TS Vũ Anh Tuấn cho biết trong 10 yếu tố được đặt ra để người dân lựa chọn phương tiện di chuyển, xe máy là kết quả chiếm ưu thế với 3 yếu tố rẻ, nhanh và linh động. Khi đường sá còn hạn chế, tính linh động làm cho xe máy trở thành phương tiện nổi trội hơn các phương thức khác.

TP.HCM quan ly xe may the nao khi co metro anh 1

Kẹt xe trên đường Bạch Đằng, đoạn qua sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Quân.

Để có bước chuyển rõ rệt từ giao thông cá nhân sang công cộng, chuyên gia này cho rằng người làm chính sách cần đưa ra những hạn chế mạnh mẽ như tăng phí đăng ký xe, tăng phí bảo trì đường bộ, kiểm soát bãi đỗ xe, nâng mức thu phí đường bộ… với người đi xe máy.

Trong khi tuyến metro đầu tiên của TP.HCM chuẩn bị đưa vào khai thác trong 2 năm tới, ông Tuấn nhấn mạnh việc triển khai mô hình kết nối giao thông công cộng với tàu điện càng phải được thực hiện sớm.

“Khi metro được mở ra mà không có xe buýt con thì mỗi ngày chỉ thu hút khoảng 68.000 hành khách; nếu có thì lượng khách tăng lên 110.000 khách/ngày”, ông Tuấn so sánh.

TP.HCM quan ly xe may the nao khi co metro anh 2

TS Vũ Anh Tuấn. Ảnh: Anh Thư.

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn cũng cho rằng vai trò xe máy hiện nay rất lớn trong khi TP.HCM cần phát triển phương thức giao thông công cộng. Muốn như vậy, tàu điện bắt buộc có hệ thống thu gom khách.

Ông Tuấn cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi tư duy phát triển. Họ chuyển từ việc đáp ứng nhiều xe sang vận chuyển nhiều người. Các phương thức giao thông xanh được đặt lên hàng đầu.

"Đây là sự đảo chiều ưu tiên mà thế giới đã làm, và Việt Nam cần học hỏi để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài", vị chuyên gia phân tích.

Tìm ra chính sách

Ông François Carcel, Chuyên gia Giao thông Đô thị thuộc Cơ quan Phát triển Pháp, cho rằng giao thông TP.HCM cần được nhìn nhận trong bối cảnh xa hơn và phát triển bền vững. Điều này không phải là mục tiêu nhưng là điều kiện tối thiểu.

Ông đặt ra vấn đề TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần đó là tìm ra cách để tất cả người dân được bình đẳng về cơ hội, chủ động kinh tế, và có cuộc sống tốt hơn.

Chuyên gia giao thông đô thị người Pháp nhìn nhận định hướng đô thị rất quan trọng. Tại Pháp, chính phủ nước này dành khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm phát triển giao thông đô thị nhằm đem lại tác động tích cực đối với thời tiết và khí hậu.

"Thành phố nên phát triển chính sách giao thông đô thị kết hợp với quy hoạch đô thị", ông François Carcel cho đây là 2 yếu tố có mối quan hệ mật thiết.

TP.HCM quan ly xe may the nao khi co metro anh 3

Metro đang được đầu tư hạ tầng kết nối - đoạn metro trên qua TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về chính sách, chuyên gia François Carcel nhấn mạnh TP.HCM cần tìm ra nhiều phương thức di chuyển và quản lý các phương thức đó. Ví dụ đối với xe buýt, metro…, người dân có thể qua lại, chuyển đổi, có sự tích hợp mạng lưới giao thông để không dùng xe cá nhân.

"Chúng ta phải suy nghĩ xem đâu là nhu cầu, lợi ích đáp ứng được nhu cầu đó”, chuyên gia người Pháp nói và cho rằng việc sử dụng giao thông công cộng sẽ giúp thành phố tối ưu hóa hành vi sử dụng xe cá nhân của người dân, tạo ra hành lang di chuyển có thể chở được tối thiểu 70.000 người trên mỗi giờ.

Về vấn đề này, chuyên gia Vũ Anh Tuấn cũng đồng ý rằng TP.HCM cần vạch ra chiến lược về mặt thời gian và giải quyết lần lượt từ bây giờ. Theo ông, hiện các đô thị vệ tinh được kết nối với nhau bằng các tuyến tàu điện, còn tàu điện lại cần được bố trí hạ tầng tiếp cận nhà ga từ xe đạp, phương tiện công cộng.

Vậy 10 năm tới sẽ thế nào? - ông Tuấn đặt câu hỏi và chỉ ra thành phố phải tiếp tục đưa ra chính sách, quy định tăng chi phí sử dụng xe máy. Đi kèm với chính sách này đó là chuyển mạnh mẽ thói quen dùng xe máy của người dân sang giao thông công cộng.

Cửa ngõ TP.HCM kẹt xe hàng giờ ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ

Sáng 12/4, ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ, nhiều tuyến đường ở TP.HCM xảy ra ùn ứ khiến người dân phải vất vả nhích từng mét.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm