10 năm kể từ khi khởi công, 14/17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã đến TP.HCM. Dự án đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố được kỳ vọng tạo ra sự tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến hai thành phố Thủ Đức và cả Dĩ An (Bình Dương).
Theo quy hoạch, khu vực dọc tuyến xa lộ Hà Nội và metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ được phát triển các khu đô thị mới với mức độ tập trung cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển trung tâm dịch vụ đa chức năng và chuyên ngành.
Toàn bộ khu vực nằm trong phạm vi 11 phường của TP Thủ Đức với điểm đầu là cầu Sài Gòn, cuối tuyến là khu công viên Lịch sử văn hóa dân tộc với chiều dài 14,83 km; diện tích hơn 577 ha, được chia thành 10 khu đô thị chức năng, xếp thứ tự từ A đến L.
Trong đó, khu A (Thảo Điền), là khu vực trung tâm đa chức năng của khu vực dân cư Thảo Điền; tổ chức quảng trường nhà ga và các dịch vụ hỗ trợ nhà ga metro…
Khu B (An Phú), rộng gần 72 ha, là khu trung tâm đa chức năng hiện đại, có quy mô lớn và đồng bộ của khu vực phía bắc xa lộ Hà Nội phường Thảo Điền.
Phối cảnh khu đô thị A (Thảo Điền). Ảnh: Sở QHKT. |
Khu C (Rạch Chiếc) diện tích 33,43 ha, là khu vực nút giao thông quan trọng của thành phố, tổ chức đô thị theo hướng đảm bảo ít ảnh hưởng tới hoạt động giao thông…
Khu D (Phước Long), rộng hơn 127 ha, là khu vực đô thị tái thiết trên cơ sở di dời kho tàng, bến bãi, các nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường… Được định hướng xây dựng khu trung tâm kinh tế tầm cỡ của thành phố.
Khu E (Bình Thái), diện tích 82,43 ha, là khu vực nút giao thông quan trọng của xa lộ Hà Nội và đường vành đai số 1; có nhà ga metro Bình Thái, ngã tư Bình Thái với đường vành đai 2. Tổ chức tầng cao xây dựng thấp dần về phía cầu Đồng Nai.
Khu F (Thủ Đức) rộng 38,43 ha, là khu trung tâm TP Thủ Đức với nhiều khu dân cư được xây dựng đồng bộ, kết nối qua xa lộ, cầu vượt ngã tư Thủ Đức dọc xa lộ Hà Nội, biệt thự Làng Đại học Thủ Đức...
Riêng khu G (khu nhà máy nước - TP Thủ Đức) có diện tích hơn 32 ha, là khu đô thị hiện hữu, sẽ được cải tạo bộ mặt các ô phố bằng quy định về tầng cao, khoảng lùi, biển quảng cáo...
Khu C (Rạch Chiếc). Ảnh: Sở QHKT. |
Khu H (Khu Công nghệ cao), diện tích toàn khu là 42,11 ha. Đây là khu đô thị hiện đại đa chức năng tập trung xung quanh nhà ga metro, kết nối và hỗ trợ cho sự phát triển của Khu công nghệ cao, kiến trúc khu vực sẽ phát huy giá trị cảnh quan tuyến kênh rạch trong việc tổ chức không gian các khu phố.
Khu K (Suối Tiên), diện tích 40,14 ha; có nhà ga metro Suối Tiên, Công viên Văn hóa Suối Tiên, khu dân cư hiện hữu, là khu vực có các trung tâm chuyên ngành như Đại học Quốc gia, khu vui chơi Suối Tiên, tổ chức không gian quảng trường ga…
Khu L (Bến xe miền Đông - phường Long Bình), rộng gần 37,8 ha, là khu đầu mối giao thông quan trọng về phía Đông và Đông Bắc thành phố. Khu này sẽ hình thành cụm phát triển đa chức năng đáp ứng hoạt động thương mại dịch vụ của hành khách và cư dân.
Ngoài ra, quy chế quản lý kiến trúc dọc tuyến metro cũng đề cập đến 3 trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại của TP.HCM là trục Lê Duẩn (quận 1), trục Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố) và trục Nguyễn Tất Thành (quận 4).