Quyết định cách ly F0 tại nhà được TP.HCM đưa ra chỉ sau ít giờ kể từ thời điểm được Bộ Y tế gợi ý trong ngày 13/7. Trước đó vài hôm, ngày 10/7, Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng còn khẳng định với báo chí rằng thành phố "chưa có chủ trương điều trị F0 tại nhà".
Hai nhóm được Sở Y tế TP.HCM thí điểm cách ly F0 tại nhà là nhân viên y tế và bệnh nhân Covid-19 sau 10 ngày điều trị (đã âm tính hoặc có tải lượng virus thấp).
Tự điều trị F0 tại nhà không phải giải pháp mới mà đã được nhiều chuyên gia đề xuất kể từ khi số ca nhiễm tại TP.HCM tăng lên 4 con số. Trong bối cảnh 5 ngày liên tiếp, số ca nhiễm mỗi ngày đều lên tăng từ 1.200 đến gần 1.800 thì gần 45.000 giường điều trị của thành phố sẽ sớm bị lấp đầy. Các chuyên gia ủng hộ quyết định của thành phố và gợi ý thêm nhiều giải pháp để lực lượng chức năng thực hiện tốt hơn phương án này.
Cần đánh giá kết quả cách ly F1 tại nhà
Ngay từ cuối tháng 6, TS.BS Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia) đã đề xuất TP.HCM nghiên cứu việc cách ly F0 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ tại nhà khi số ca nhiễm vượt ngưỡng 10.000.
Nửa tháng kể từ khuyến cáo của TS Nguyễn Thu Anh, TP.HCM chính thức triển khai việc này khi số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 16.000. TS Thu Anh nhấn mạnh chính sách mới của thành phố không hoàn toàn là điều trị F0 tại nhà mà mới cho phép nhóm nhân viên y tế và bệnh nhân Covid-19 đã điều trị sau 10 ngày. Tuy nhiên, bà cho rằng đây là tín hiệu khả quan.
TS Thu Anh nhận định hai nhóm thí điểm cách ly F0 tại nhà khá hợp lý. Nhân viên y tế có kiến thức để tự điều trị tại nhà. Còn với bệnh nhân Covid-19, 10 ngày là thời gian vừa đủ để phát hiện bệnh có diễn tiến nặng hay không. Nếu bệnh không chuyển nặng, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà.
Cách ly F0 tại nhà mà có kiểm soát, giám sát khác hoàn toàn với sống chung với dịch
TS Nguyễn Thu Anh
"Cách ly F0 tại nhà mà có kiểm soát, giám sát khác hoàn toàn với sống chung với dịch", TS Thu Anh khẳng định.
Bà cho rằng việc kiểm soát cần đảm bảo 2 yếu tố: Kiểm soát việc bệnh nhân diễn tiến nặng và không lây nhiễm cho người khác. "Nếu cách ly F1 tại nhà thành công thì cách ly F0 tại nhà cũng sẽ thành công", TS Thu Anh nói.
Tuy nhiên, bà cho rằng một số nhóm bệnh nhân không nên thực hiện tự cách ly điều trị tại nhà. Thứ nhất là người có đặc điểm không kiểm soát được hành vi thì buộc phải cách ly tập trung. Thứ hai là người có nguy cơ chuyển bệnh nặng, ví dụ như có bệnh lý nền cao huyết áp, suy tim, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Riêng nhóm này cần điều trị sớm vì nhiễm SARS-CoV-2 có thể làm nặng hơn bệnh lý nền.
"Nguyên tắc là cứ tiên lượng ai có khả năng bị nặng, ai có khả năng không tuân thủ quy định cách ly, hoặc nơi ở không có hệ thống hỗ trợ giám sát thì cần phải điều trị tập trung", bà Thu Anh nói. Ngoài ra, nữ chuyên gia cho rằng nên xem xét bổ sung việc đã tiêm vaccine vào một trong những yếu tố để ưu tiên điều trị tại nhà.
F0 xếp hàng chờ nhập viện tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
TS Vũ Thành Tự Anh thì cho rằng thực chất TP.HCM đã "gián tiếp" thí điểm cách ly F0 tại nhà.
Làm rõ hơn quan điểm này, ông Tự Anh giả định trong 15 ngày vừa qua, số lượng thí điểm F1 cách ly tại nhà là 1.500 người. Trong số F1 này sẽ có một tỷ lệ trở thành F0, giả định là 15%. Như vậy, 225 F1 "thí điểm" sẽ có tiềm năng trở thành F0.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các F1 cách ly tại nhà được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào ngày thứ 1, 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly. Như vậy, nếu giả định thời gian chuyển sang dương tính tuân theo phân phối đồng nhất, thì giữa các đợt xét nghiệm, có tới cả trăm F0 đang được cách ly tại nhà trong các khoảng thời gian khác nhau dưới dạng “F1 thí điểm”.
Thí điểm cách ly F1 tại nhà thì TP.HCM đã "gián tiếp" thí điểm cách ly F0 tại nhà
TS Vũ Thành Tự Anh
Từ lập luận này, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định bản thân việc thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM chính là thí điểm cách ly F0 tại nhà. Ông cho rằng để có thể ra quyết định dựa trên bằng chứng, điều quan trọng là TP.HCM cần tổng kết chương trình thí điểm cách ly F1. Nếu kết quả tốt thì có thể triển khai trên toàn thành phố.
Làm rõ định nghĩa "tốt", ông Tự Anh cho rằng cần thỏa mãn 3 yếu tố: Tỷ lệ chuyển từ F1 sang F0 thấp hơn hoặc bằng nhóm tương đương khi cách ly tập trung; Các trường hợp chuyển thành F0 được can thiệp y tế kịp thời khi cần; Tỷ lệ lây nhiễm của F1 chuyển thành F0 cho người xung quanh ở mức "chấp nhận được".
"Dù kết quả tổng kết có thế nào đi chăng nữa thì chương trình thí điểm cách ly F1 tại nhà cũng đóng vai trò quan trọng giúp thành phố quyết định những bước đi tiếp theo, trong đó bao gồm cả khả năng cách ly F0 không có triệu chứng ở nhà để giảm sức ép cho hệ thống y tế đang ngày càng quá tải", TS Tự Anh nói.
Cần một tổng chỉ huy phụ trách nhóm F1
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y dược TP.HCM, bày tỏ sự ủng hộ với 2 nhóm đối tượng mà ngành y tế lựa chọn thí điểm cách ly F0 tại nhà. Tuy nhiên, TS Phúc cho rằng Sở Y tế cần tính toán thống kê lại kết quả cách ly F1 rồi mới có thể mở rộng ra cách ly nhóm F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà.
Để đánh giá kết quả của chính sách cách ly F1 tại nhà, bác sĩ Phúc cho rằng cần đưa ra 6 nhóm chỉ số đo lường kết quả, so sánh giữa nhóm F1 tại khu cách tập trung và nhóm F1 cách ly tại nhà. Tất cả số liệu này phải được thống kê ngay từ bây giờ ở nhóm F1 đang cách ly và theo dõi trong 5 tuần.
Nghiên cứu kết quả cách ly F1 tại nhà là bước quan trọng để đưa ra chính sách kế tiếp với F0
PGS TS BS Vũ Minh Phúc
Thứ nhất, mật độ người trong khu cách ly (tính trên m2) trước và sau khi cho cách ly F1 tại nhà; tỷ lệ F1 biến thành F0. Thứ hai, tỷ lệ lây nhiễm của nhóm F1. Thứ ba, tỷ số giữa lượng nhân viên y tế với số F1. Thứ tư, tỷ lệ phơi nhiễm của nhân viên y tế; số lượng nhân viên phục vụ trong khu cách ly F1 hiện tại. Thứ năm, chi phí trung bình Nhà nước phải chi trong 3 tuần cho mỗi F1. Thứ sáu là điểm trung bình sức khoẻ tâm thần của người F1.
Chuyên gia nhấn mạnh F1 mới là nhóm nguy cơ còn F0 là bệnh nhân nên rất khác nhau. Nếu F1 chỉ cần lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, tiếp nhận thông tin qua báo cáo, thì F0 phải được nhân viên y tế khám để sớm phát hiện triệu chứng chuyển nặng.
Do đó, việc quan trọng nhất để thực hiện cách ly F0 tại nhà là tập huấn lực lượng y tế có đủ kỹ năng giám sát nhóm này, nếu không, chính người giám sát có thể bị phơi nhiễm khi làm việc. Vấn đề huấn luyện là công tác hàng đầu.
Các F0, F1 cách ly tại nhà đều được ngành y tế theo dõi, giám sát sức khỏe tại nhà. Ảnh: Duy Hiệu. |
Để thực hiện cách ly F1 tại nhà đạt hiệu quả cao nhất, TS Vũ Minh Phúc cho rằng Sở Y tế TP.HCM cần một tổng chỉ huy phụ trách đối tượng F1. Nếu huấn luyện nhóm này "ngon lành", tổng kết có kết quả tốt thì Sở Y tế có thể tiếp tục mở rộng triển khai cho F0.
Cụ thể, hệ thống nhân sự phục vụ F1 phải được lên danh sách, mô tả công việc cụ thể; được huấn luyện về hướng dẫn chăm sóc F1, phòng ngừa phơi nhiễm, chống nhiễm khuẩn, quy trình theo dõi, giám sát và báo cáo. Lực lượng này cần được trang bị các thiết bị như: Máy đo độ bão hòa oxy, mạch, nhiệt độ, huyết áp, đồ bảo hộ cá nhân, mẫu báo cáo qua ứng dụng.
Đối tượng F1 cần có tài liệu hướng dẫn về cách chăm sóc và theo dõi sức khỏe, phòng ngừa lây lan cho người thân, cách liên lạc, báo cáo tình trạng sức khỏe; có thể được phát các thiết bị như lực lượng giám sát để tự làm ở nhà.
Một quyết sách đúng hay sai, thành công hay thất bại lệ thuộc vào sự chuẩn bị và thực hiện trên cơ sở khoa học
PGS TS BS Vũ Minh Phúc
Hệ thống công nghệ thông tin được tận dụng để theo dõi, giám sát F1 cũng như nhân viên y tế. Ngành y tế xây dựng mẫu báo cáo dành cho nhân viên y tế, F1 và hệ thống hỗ trợ. Cuối cùng là lập nhóm giám sát định kỳ công việc của nhân viên y tế cũng như người hỗ trợ tại địa phương.
"Một quyết sách đúng hay sai, thành công hay thất bại không dựa trên suy nghĩ chủ quan của lãnh đạo, mà lệ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta chuẩn bị và thực hiện quyết sách đó như thế nào, dựa trên cơ sở khoa học và tính toán kỹ lưỡng", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu 5fteam do TS Nguyễn Thu Anh dẫn đầu chỉ ra 9 dấu hiệu cho thấy F0 cần tới bệnh viện cấp cứu: Độ bão hòa oxy trong máu < 94%; Nhịp thở > 24 lần/phút; Đau ngực, cảm giác thắt ngực; Khó thở khi vận động; Không thể nói đầy đủ câu; Bị lẫn lộn về thời gian và địa điểm; Da xanh, môi nhợt; Không tự đi, không tự cầm nắm, ăn uống được; Lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
8 điều F0 cần làm trong khi chờ chuyển viện: Ghi lại ngày đầu tiên có triệu chứng; Tự cách ly tại phòng riêng, mở cửa sổ tăng thông gió, luôn đeo khẩu trang; Uống nhiều nước, uống oresol để bù nước; Tập thể dục; Nằm nghiêng hoặc nằm sấp; Đo nhịp thở trong 1 phút; Kiểm tra độ bão hòa oxy ít nhất 3-4 lần/ngày bằng máy đo kẹp ngón tay; Uống Paracetamol nếu sốt trên 38,5 độ C.
Bình luận