Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM cấm giết mổ heo thủ công từ 1/4, kiểm soát heo từ các tỉnh

Sở Nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm để đảm bảo chấm dứt hoạt động giết mổ thủ công tại các cơ sở giết mổ gia súc hiện hữu sau ngày 1/4.

Đây là thông tin được ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều ngày 30/3.

Vị này cho biết UBND các quận huyện và TP Thủ Đức đang làm việc với chủ gia công giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc thủ công định hướng chuyển sang giết mổ tại các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP.

Trước đó, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã gửi văn bản kiến nghị về việc dù đã đầu tư nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp nhưng số thương lái đăng ký chuyển sang giết mổ công nghiệp chưa nhiều và còn tình trạng heo giết mổ thủ công ở các địa phương quay về thành phố tiêu thụ.

giet mo heo thu cong,  cam giet mo heo anh 1

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều ngày 30/3. Ảnh: T.N.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hiệp xác nhận có một lượng heo được chuyển từ các địa phương khác về thành phố tiêu thụ, tuy không phải là con số chủ yếu nhưng lượng heo này vẫn được kiểm soát, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông, mỗi ngày, TP.HCM tiêu thụ bình quân khoảng 10.000-11.000 con heo, TP đáp ứng được 5.000-6.000 con (giết mổ thủ công và công nghiệp), khoảng 2.000 là từ các tỉnh chuyển về và số còn lại là heo đông lạnh.

"Có khả năng họ sẽ quay lại chuyển vào giết mổ tại các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP bởi nguồn thịt heo được giết mổ tại TP vẫn có nhiều lợi thế, đặc biệt là rất gần nơi tiêu thụ", ông nói.

Vị này cho biết khi chấm dứt hoạt động các nhà máy giết mổ gia súc thủ công, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường, các đoàn liên ngành cấp quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP để tiêu thụ theo quy định.

"Thời gian đầu khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công chuyển sang chuyển sang các nhà máy giết mổ công nghiệp, sẽ không tránh khỏi những bất cập trong sản xuất, kinh doanh. Việc các cơ sở thủ công trên địa bàn đóng cửa và các nhà máy giết mổ hiện đại đi vào vận hành đã là thành công bước đầu", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp cũng đã có những chính sách hỗ trợ ban đầu nhằm tạo điều kiện cho các thương lái đưa gia súc vào giết mổ như việc giảm giá chi phí giết mổ, cho phép chủ gia súc tham quan, giám sát việc thực hiện giết mổ tại nhà máy; đến khi công suất giết mổ tăng lên thì chi phí sẽ giảm, khi đó càng thu hút lượng heo từ các tỉnh đưa về.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo từ năm 2023 trở đi các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt 80-100% công suất.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm