Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP HCM đăng cai SEA Games 31: Trúng hai mục tiêu

Không chỉ là dịp để TP HCM cải tạo hạ tầng, nâng cấp các công trình thể thao hiện đại mà còn khẳng định vị thế, hình ảnh của đơn vị đầu tàu của cả nước, trong khu vực.

Thông tin Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) có thể tổ chức tại TP HCM được bàn luận trong nhiều ngày qua. Nếu muốn trở thành chủ nhà, TP HCM phải có 2 hạng mục cơ bản xây dựng là một sân vận động đạt tiêu chuẩn giống sân Mỹ Đình (khoảng 70 triệu USD) và một khu liên hợp thể thao dưới nước (30 triệu USD) đã hết khoảng 100 triệu USD.

Nhiều ý kiến cho rằng SEA Games quay trở lại Việt Nam và diễn ra tại TP HCM là lựa chọn hoàn toàn đúng. Bởi TP HCM là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực, do đó, nơi đây hoàn toàn xứng đáng cho sự kiện lớn như SEA Games.

‘TP HCM không nên xây sân vận động hàng chục triệu USD’

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Dương Nghiệp Chí cho rằng TP HCM nên tận dụng nền tảng cơ sở hạ tầng hiện có nếu đăng cai SEA Games 31 (năm 2021).

Độc giả Tiến Phan chia sẻ, TP HCM là thành phố lớn của cả nước nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ tổ chức sự kiện thể thao mang tầm cỡ khu vực. Vì vậy, SEA Games năm 2021 là cơ hội để TP xây dựng những công trình lớn, hiện đại không chỉ đáp ứng cho những sự kiện thể thao không chỉ trong nước mà còn để phát triển ngành thể dục thể thao sánh ngang với các nước Thái Lan, Malaysia. Đồng thời cùng là dịp để TP HCM thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

“Các cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thể thao hiện không xứng tầm với TP HCM. Sân vận động lớn nhất Thống Nhất đã xuống cấp và chỉ với sức chứa chỉ 25.000 khán giả, không đáp ứng đủ nhu cầu người hâm mộ. Những trận cầu lớn, người dân chỉ xem qua TV thì tinh thần hưởng ứng thể thao sẽ nguội dần. Chúng ta thường nói TP HCM ngang tầm với những TP lớn trong khu vực mà không có sân vận động đẳng cấp thì làm sao so sánh”, bạn đọc Tiến Phan viết.

Điều mà nhiều độc giả còn kỳ vọng là khi SEA Games 2021 được tổ chức tại TP HCM sẽ hình thành tổ hợp đắc lợi, tạo đà cho thể thao Việt Nam vươn ra châu lục sau này. Những trung tâm thể thao lớn như Hà Nội, TP HCM đó kết hợp thêm những trung tâm khác như Đà Nẵng, Hải Phòng để cùng nhau đăng cai Asiad trong thời gian không xa.

Về vấn đề kinh phí, nhiều bạn đọc lý giải, nếu sợ tốn kém thì 50 năm, 100 năm nữa TP HCM cũng sẽ không có sân vận động tầm cỡ. Vậy làm sao TP trở thành trung tâm kinh tế cả nước và khu vực? TP bây giờ đang rất cần một sân vận động tầm cỡ để phụ vụ cho người hâm mộ phía Nam và đón các nước bạn sang thi đấu SEA Games. Cơ hội đã đến nếu TP HCM tổ chức SEA Games 31. “Khi tổ chức SEA Games 22 ở Hà Nội, Việt Nam đã chi 5.000 tỷ trong bối cảnh kinh tế lúc đó chưa phát triển. Giờ kinh tế Việt Nam phát triển gấp nhiều lần, chúng ta lại không dám đầu tư?”, bạn Do Tho chia sẻ quan điểm.

Bạn Nam Kha bổ sung, việc xây dựng phục vụ SEA Games là tốn kém nhưng mọi tỉnh thành ở Việt Nam cũng cần phải được đầu tư cơ sở hạ tầng thể thao cho mọi người dân có nơi để tập luyện, vui chơi. “2.000 tỷ các bạn thấy nhiều, thật ra tôi thấy không nhiều. Chỉ cần vài doanh nghiệp, chính sách tài trợ đầu tư là có”.

Bên cạnh đó, những ý kiến ủng hộ còn dẫn giải việc TP HCM là chủ nhà của SEA Games 31 là phù hợp với nguyên tắc luân phiên giữa các nước trong khu vực. Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games vào năm 2003, đến SEA Games 2021 là cách nhau 18 năm. Từ nay đến 2012 là thời gian đủ dài để TP HCM để chuẩn bị kinh phí, hoàn tất các dự án, hạ tầng về thể thao, đô thị (metro) để đăng cai thế vận hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vui mừng nếu SEA Games 31 được tổ chức tại TP HCM, việc xây dựng như thế nào là hợp lý để tránh như sân Mỹ Đình (Hà Nội) hay các hạng mục khác phục vụ SEA Games ít được sử dụng sau khi kết thúc đại hội. “Tôi ủng hộ việc tổ chức SEA Games tại TP HCM, nhưng chúng ta nên học tập những nước tiến bộ. Cụ thể là Olympic London (Anh), họ tiết kiệm và xây dựng các công trình thi đấu chỉ mang tính chất tạm thời. Sau sự kiện thể thao lớn, tất cả công trình đều được giảm quy mô, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng ngay lập tức. Vì vậy, SEA Games cần có sự tính toán kỹ lưỡng, tránh lãng phí”, anh Hào Quang nhấn mạnh.

‘Hơn 2.000 tỷ không đủ tổ chức SEA Games ở TP HCM’

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng nếu SEA Games 31 (2021) được tổ chức tại TP HCM sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với Hà Nội.

Nhật My (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm