- Ông có suy nghĩ gì với chủ trương để TP HCM đăng cai SEA Games 31?
- Tôi cho rằng đăng cai SEA Games 31 là việc thể thao Việt Nam cần làm, vì đó là trách nhiệm của chúng ta đối với Hiệp hội thể thao ĐNA. Tôi ủng hộ quan điểm để TP HCM đăng cai sự kiện này.
Với vai trò là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của đất nước và khu vực, TP HCM cần tổ chức những sự kiện xứng tầm để quảng bá thêm cho hình ảnh của địa phương này nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặt khác, SEA Games 22 đã được tổ chức ở Hà Nội nên SEA Games 31 nếu diễn ra tại TP HCM cũng là điều hợp lý. Sự kiện này sẽ tạo ra cú hích lớn để nâng tầm thể thao nơi đây.
GS.TS. Dương Ngiệp Chí từng đảm nhiệm cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. Ảnh: Tuổi trẻ |
- Việc tổ chức SEA Games 31 ở TP HCM có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- TP HCM là một trong những trung tâm có phong trào thể thao mạnh của cả nước. Cơ sở hạ tầng, nhân lực, vật lực phục vụ cho thể thao của địa phương này thuộc diện tốt nhất nhì so với mặt bằng chung của thể thao Việt Nam. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ của người dân đối với phong trào thể thao cũng là những lợi thế khác của TP HCM.
Khó khăn lớn nhất khi đăng cai SEA Games của TP HCM là vấn đề tài chính. Tổ chức một sự kiện như Đại hội thể thao khu vực chắc chắn sẽ rất tốn kém. Nhưng tôi không rõ khoản dự trù kinh phí 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) được xây dựng trên cơ sở nào?
Nếu là đầu tư mới cơ sở hạ tầng phục vụ SEA Games 31 thì không đủ. Còn nếu tổ chức SEA Games 31 theo tinh thần tận dụng những gì hiện có, các cấp, các ngành cần có sự bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng, cụ thể trước khi trình đề án lên Chính phủ.
- Quan điểm của ông như thế nào về 2 sự lựa chọn nêu trên?
- Tôi nghĩ TP HCM nên tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có thay vì xây mới. Đất nước chúng ta còn nghèo nên luôn phải đặt nguyên tắc tiết kiệm lên hàng đầu. Chẳng hạn, thay vì xây một sân vận động mới đạt tiêu chuẩn như sân Mỹ Đình (tốn khoảng 70 triệu USD – PV), có thể cải tạo, nâng cấp sân Thống Nhất. Điều này sẽ giảm đáng kể kinh phí để tổ chức SEA Games.
Bài học cần rút ra từ lần tổ chức SEA Games 22 (năm 2003) ở Hà Nội là khá nhiều công trình phục vụ cho sự kiện xong rồi để đấy rất lãng phí. Tôi lấy ví dụ như sân Mỹ Đình, một năm cũng chỉ vài bận hoạt động hết công năng. Sức hút của các hoạt động thể thao của chúng ta chưa cao, vậy thì xây thêm một sân vận động lớn nữa để làm gì?
- Những quốc gia láng giềng với Việt Nam đều có những sân vận động quy mô lớn, thậm chí gấp đôi sân Mỹ Đình. Vì ngoài các sự kiện thể thao, đây còn là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội. SEA Games 31 liệu có thể xem là cơ hội để TP HCM nâng tầm cơ sở hạ tầng, thưa ông?
- Mặt bằng kinh tế - xã hội của chúng ta chưa so sánh được với Singapore, Malaysia hay Thái Lan… Nói riêng trong lĩnh vực thể thao, kể cả đến giai đoạn 2020-2030, thể thao Việt Nam cũng khó đạt được sự phát triển đủ để tạo ra sức hút lớn trong xã hội.
Mặt khác, nền thể thao của chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết như chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao gắn liền với thể thao phong trào, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ HLV, VĐV, các kế hoạch đầu tư trọng điểm cho những môn thể thao mũi nhọn…
Nếu đầu tư quá lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đương nhiên nguồn lực dành cho những lĩnh vực khác sẽ bị giảm. Nói một cách hình ảnh thì chúng ta xây dựng một sân vận động lớn nhưng sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có những sân vận động nhỏ làm nơi ươm mầm và phát triển tài năng.
TP HCM có thể mạnh về nhân lực và vật lực để tổ chức SEA Games. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh |
- Nếu TP HCM vẫn quyết tâm xây mới cơ sở hạ tầng để phục vụ SEA Games 31, theo ông cần tính đến điều gì?
- Thứ nhất, phải tính toán để không đầu tư dàn trải, tránh lãng phí. Việc TP HCM quy hoạch khu đất 300 ha để xây dựng khu liên hợp thể thao là chiến lược dài hạn cho 30 năm, 50 năm hoặc lâu hơn thế. Không nhất thiết phải đầu tư ồ ạt chỉ vì mục đích phục vụ SEA Games 31.
Thứ hai là công năng sử dụng. Như tôi đã nói, nếu phục vụ cho sự kiện xong rồi để đấy sẽ rất lãng phí. Cần tính toán sao cho sau SEA Games, những công trình vẫn được sử dụng để phục vụ xã hội.
Một điều tôi hết sức lưu tâm là việc giáo dục thể chất của học sinh, sinh viên hiện nay chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Những công trình thể thao nên được quy hoạch để nhóm đối tượng này có thể tham gia nhiều hơn, thuận lợi hơn vào các hoạt động thể thao. Điều đó có ý nghĩa thiết thực với việc nâng cao sức khỏe của thế hệ trẻ, cải tạo giống nòi.
Bên cạnh đó, với quy mô hàng chục triệu người, phong trào thể thao của học sinh, sinh viên nếu phát triển mạnh cũng là nơi phát hiện nhân tài cho thể thao đỉnh cao. Những nền thể thao tiên tiến trên thế giới đều làm theo cách này.