Trong bài phát biểu khẩn cấp hôm 2/2, Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni cho biết hai ca dương tính với với SARS-CoV-2 đã được xác định ở nhân viên làm việc tại cảng ở thủ đô Nuku’alofa và đang được cách ly, theo Guardian.
Các nhân viên nói trên làm nhiệm vụ trợ giúp phân phối hàng cứu trợ quốc tế tới quốc đảo đang vật lộn hồi phục sau thảm họa núi lửa phun trào hồi tháng trước.
Từ 18h ngày 2/2, toàn bộ quốc đảo Thái Bình Dương sẽ bước vào lệnh phong tỏa và tình hình sẽ được đánh giá lại sau mỗi 48 giờ. Các trường học sẽ phải đóng cửa và viên chức nhà nước được nghỉ làm. Giới chức trách hối thúc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Khói bụi bao phủ thủ đô Nuku’alofa của Tonga sau thảm họa núi lửa phun trào. Ảnh: AFP. |
Tonga đã đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020 và chỉ ghi nhận một ca mắc Covid-19 cho tới tuần trước. Tuy nhiên, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào hôm 15/1 đã gây ra “thảm họa chưa từng có tiền lệ” - theo mô tả của chính phủ nước này.
Hàng loạt quốc gia đã tổ chức trợ giúp Tonga, với tàu thuyền và máy bay đến từ Australia, New Zealand, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Anh. Đáng chú ý, giới chức trách Australia hồi cuối tháng 1 công bố chuyến tàu của quân đội nước này ghi nhận 23 ca dương tính với Covid-19 khi đang trên đường viện trợ cho Tonga.
Hiện, tất cả hoạt động vận chuyển nước ngọt và thuốc men đang được xử lý bằng các quy trình nghiêm ngặt “không tiếp xúc” nhằm ngăn chặn virus vào quốc đảo.
Các quốc gia ở Thái Bình Dương đang nỗ lực loại bỏ Covid-19 trong cộng đồng. Trước Tonga, Kiribati và Samoa là hai quốc gia đầu tiên trong khu vực đã tuyên bố phong tỏa.
Hai nước này ghi nhận tổng số 100 ca Covid-19 trong đại dịch, theo WHO, nhưng gần đây số ca nhiễm có dấu hiệu tăng liên tục do sự lây lan của chủng Omicron.
Tỷ lệ tiêm chủng cũng là một vấn đề khi so sánh giữa những quốc gia khác ở Thái Bình Dương. Trong khi Australia và New Zealand có hơn 75% dân số đã tiêm đủ liều vaccine, tỷ lệ này ở Tonga và Samoa chỉ khoảng 60%. Tại Kiribati, chưa đến 40% dân số được tiêm 2 liều vaccine.