Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết 23 người trên tàu HMAS Adelaide đã mắc Covid-19, trong buổi phỏng vấn với Sky News ngày 25/1. Con tàu rời Brisbane (Australia) ngày 21/1 với 600 thủy thủ đoàn, cùng các vận dụng cứu trợ nhân đạo, để hỗ trợ Tonga sau vụ phun trào núi lửa, theo Bloomberg.
Lực lượng Phòng vệ Australia lên tàu HMAS Adelaide đi viện trợ cho Tonga ngày 20/1. Ảnh: Bloomberg |
Vụ phun trào núi lửa và sóng thần ở Tonga đã làm ít nhất 3 người chết, và khiến quốc gia này chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Dutton cho biết chính phủ Australia đang làm việc với Tonga để đảm bảo công tác viện trợ diễn ra an toàn mà không lây lan Covid-19 cho những người trên đảo. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tonga chỉ ghi nhận một ca Covid-19 kể từ thời điểm đại dịch bùng phát.
"Dĩ nhiên họ rất cần sự trợ giúp, nhưng cũng không muốn gặp rủi ro từ Covid-19", ông Dutton nói. Ông cho biết thêm một số chuyến hàng viện trợ đã được máy bay C-17 của Australia chuyển đến Tonga trước đó.
Bên cạnh đó, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cũng ghi nhận một ca dương tính với Covid-19 khi tiếp viện cho Tonga. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết một phi công đã nhiễm virus corona, hiện đang được cách ly và kiểm tra tại Australia trong tình trạng ổn định. Phi công này đã có mặt ở Sân bay Quốc tế Tonga ngày 22/1 để giao nước uống và thiết bị làm sạch.
Đợt bùng dịch trên tàu HMAS Adelaide xảy ra trong bối cảnh các quốc gia ở Thái Bình Dương đang ra sức loại bỏ Covid-19 trong cộng đồng. Kiribati và Samoa là hai quốc gia đã tuyên bố phong tỏa.
Hai nước này ghi nhận tổng số 100 ca Covid-19 trong đại dịch, theo WHO, nhưng gần đây số ca nhiễm có dấu hiệu tăng liên tục do sự lây lan của chủng Omicron.
Tỷ lệ tiêm chủng cũng là một vấn đề khi so sánh giữa những quốc gia khác ở Thái Bình Dương. Trong khi Australia và New Zealand có hơn 75% dân số đã tiêm đủ liều vaccine, tỷ lệ này ở Tonga và Samoa chỉ khoảng 60%. Tại Kiribati, chưa đến 40% dân số được tiêm 2 liều vaccine.