Những con thuyền bị sóng đánh dạt vào khu cảng vốn thường yên ắng ở Nam California, một hòn đảo xa xôi bị sóng cao 1,2 m tấn công và 2 phụ nữ bị sóng cuốn chết đuối tại bãi biển ở Peru, cách khu vực xảy ra vụ núi lửa phun trào dưới đáy biển ở Tonga khoảng 10.000 km.
Vụ phun trào hôm 15/1 mạnh tới mức kích hoạt những đợt sóng khuấy động ở khu vực cách đó nửa vòng Trái Đất.
Tuy nhiên, cho tới ngày 17/1, khi các báo cáo về tác động của núi lửa đến nhiều quốc gia xa xôi bắt đầu được ghi nhận, vẫn có rất ít thông tin từ Tonga, quốc đảo chỉ cách địa điểm xảy ra vụ núi lửa phun trào bất thường chưa đầy 65 km.
Ảnh vệ tinh chụp cảnh núi lửa Hunga-Ha'apai phun trào. Ảnh: Cơ quan Khí tượng Tonga. |
Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế hướng về Tonga ngày càng gia tăng khi quốc đảo 100.000 dân này vẫn bị cắt đứt liên lạc với phần còn lại của thế giới vì các đường cáp Internet dưới biển đã bị phá hủy do núi lửa phun trào.
Các video ban đầu ghi lại cảnh người dân trên đảo đổ xô lên vùng đất cao hơn khi những con sóng mạnh đầu tiên ập vào bờ. Và các báo cáo nổi lên hôm 16/1 mô tả một vùng đất bị bao trùm trong bụi xám do các mảnh vụn từ núi lửa.
Trong khi đó, vùng biển bị nhiễm độc do tro bụi bị phun cao hàng chục nghìn mét lên trời lúc núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha’apai phun trào vào tối 15/1.
Bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Tonga, cho biết tại một cuộc họp báo hôm 16/1: “Các cửa hàng dọc theo bờ biển bị hư hại đáng kể và cần phải dọn dẹp”.
Nữ lãnh đạo cho biết thêm sóng thần đã giáng một đòn mạnh vào thủ đô của Tonga.
Tuy nhiên, tới nay, chưa có bất kỳ thông tin nào về thương vong do vụ phun trào núi lửa bất thường, ngoại trừ khu vưc ở phía bắc Peru.
Cảnh sát Peru cho biết tại bãi biển Naylamp thuộc tỉnh Chiclayo, hai phụ nữ đã bị sóng lớn cuốn trôi hôm 15/1 và chết đuối.
Giới chức trách mô tả bãi biển này không phải nơi bơi lội thích hợp, nhưng không rõ vì sao những phụ nữ trên lại xuất hiện ở đó. Theo cảnh sát, chồng của một nạn nhân cho biết họ ở cách bờ khoảng 600 m.
Peru, không giống như các nước láng giềng Chile và Ecuador, đã từ chối đóng cửa bãi biển hoặc ban bố cảnh báo sóng thần sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga, vì cho rằng không có nguy hiểm.
Tuy nhiên, nước biển dâng cao làm cho khu vực ven biển của Peru bị ngập hôm 15/1, khiến nhiều khách du lịch và người đi biển sửng sốt, các hình ảnh trên truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội cho thấy.
Tới ngày 16/1, giới chức trách Peru đã đóng cửa một số bãi biển và cảnh báo sóng dâng bất thường.
Những trường hợp tử vong ở Peru gợi nhớ đến hậu quả của trận sóng thần chấn động do động đất dưới đáy biển ngoài khơi Indonesia vào tháng 12/2004 khiến hơn 250.000 người thiệt mạng. Hàng chục người chết sau đó bị sóng đánh dạt vào bờ biển phía đông của châu Phi, ở Kenya và Tanzania.
Tại Tonga hôm 16/1, nhiều cư dân không chỉ mất liên lạc mà còn không có điện sử dụng. Khoảng 80.000 người có thể đang bị ảnh hưởng, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ nói với BBC.
Nhu cầu bức thiết lúc này là: Nước uống.
Tổ chức này cho biết họ lo ngại rằng nhiều người thậm chí có thể không có nước uống vì tình trạng ngập mặn và ô nhiễm do tro bụi cùng sóng thần.
Tới ngày 17/1, cuối cùng các máy bay của New Zealand và Australia cũng có thể xuất phát để đánh giá thiệt hại từ vụ núi lửa phun trào và sóng thần ở Tonga.
Trước đó, các chuyến bay này đã bị trì hoãn, không thể cất cánh được do đám mây khói bụi phủ kín quốc đảo Thái Bình Dương.
Máy bay P-8 của Australia cất cánh tới đánh giá thiệt hại từ vụ núi lửa phun trào và sóng thần ở Tonga. Ảnh: Twitter Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương của Australia, Zed Seselja. |
Nội các Tonga đã tổ chức cuộc họp tình huống khủng hoảng hôm 16/1 và đề nghị sự trợ giúp bên ngoài, văn phòng Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương của Australia, Zed Seselja, cho hay.
Các gia đình người Tonga sống ở nước ngoài đang nóng lòng chờ đợi tin tức về người thân ở điểm nóng sau khi mất liên lạc hơn 48 giờ.
Trong khi đó, Guardian ngày 17/1 đưa tin một phụ nữ Anh đã mất tích sau khi bị cơn sóng thần ở Tonga cuốn trôi và anh trai của nạn nhân cho biết đang rất lo lắng cho sự an nguy của bà.
Ông Nick Eleini, anh trai của người phụ nữ mất tích, nói rằng em gái của ông, bà Angela Glover, 50 tuổi, đã bị cuốn trôi khỏi bãi biển cùng với chồng và những chú chó của họ sau một cơn sóng thần. Bà Glover đang điều hành một trại cứu hộ động vật ở Tonga.
“Angela và James, chồng mình, đã bị cuốn trôi. James đã có thể bám vào một cái cây khá lâu, nhưng Angela không thể làm như vậy”, ông Eleini nói.
Angela Glover vẫn mất tích sau cơn sóng thần ở Tonga. Ảnh: Guardian. |
Người chồng quay trở lại ngôi nhà riêng của cặp đôi trên bờ biển phía nam của hòn đảo, nhưng bà Angela không quay lại, ông Eleini nói. Chồng của người phụ nữ đã liên lạc với cảnh sát và Đại sứ quán Anh ở Tonga.
Trong một đăng tải trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi lời tới người dân Tonga: “Tôi quan tâm sâu sắc đến người dân Tonga khi họ đang khắc phục hậu quả của vụ phun trào núi lửa và sóng thần. Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước láng giềng Thái Bình Dương".
Tonga đã trải qua hàng loạt thảm họa thiên nhiên trong những năm gần đây. Năm 2018, hơn 170 ngôi nhà bị phá hủy và 2 người thiệt mạng do cơn bão nhiệt đới cấp 5 Gita. Năm 2020, cơn bão Harold gây thiệt hại khoảng 111 triệu USD, với lũ lụt trên diện rộng.
Quốc đảo Thái Bình Dương mới chỉ ghi nhận một ca mắc Covid-19 nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn về mặt kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Tonga đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, cắt đứt hoạt động du lịch, vốn chiếm khoảng 12% GDP toàn quốc.
Và thảm họa núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha’apai được cho là sẽ giáng thêm đòn mạnh vào nền kinh tế.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết trên Twitter rằng các văn phòng của cơ quan này ở Thái Bình Dương đang sẵn sàng hỗ trợ Tonga.