"Chúng ta không thể bỏ rơi người dân Syria”, ông Guterres nói tại cuộc họp hàng tháng của Hội đồng Bảo an về Syria, theo Reuters. "Tôi mạnh mẽ kêu gọi các thành viên của hội đồng duy trì sự đồng thuận về việc cho phép hoạt động (viện trợ) xuyên biên giới, bằng cách gia hạn nghị quyết 2585 thêm 12 tháng".
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc cho phép chuyển viện trợ qua biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ tại Bab al-Hawa đã có hiệu lực từ năm 2014, nhưng sẽ hết hạn vào ngày 10/7.
Gần 10.000 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã đi qua Bab al-Hawa vào năm ngoái để tới khu vực Idlib do phe đối lập nắm giữ. Đây là con đường duy nhất có thể đưa viện trợ vào Idlib mà không cần đi qua các khu vực do chính phủ Syria kiểm soát, theo AFP.
Ông nói rằng đây là điều cần thiết để “giải quyết sự đau khổ và tình trạng dễ bị tổn thương của 4,1 triệu người trong khu vực”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Nga, một đồng minh của Syria, có thể phủ quyết đề xuất mở rộng cơ chế viện trợ xuyên biên giới, vì cho rằng hoạt động này vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Năm 2014, Hội đồng Bảo an đã cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo tới các khu vực do phe đối lập chiếm giữ ở Syria từ Iraq, Jordan và hai điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã yêu cầu cắt số lượng cửa khẩu xuống còn một điểm ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Syria đã bị chia rẽ bởi nội chiến trong hơn một thập kỷ. Trong khi phe chính phủ kiểm soát hầu hết các thành phố lớn nhất của đất nước, một phần lớn lãnh thổ nước này - bao gồm khu vực Idlib - nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập vũ trang, các phần tử thánh chiến hoặc lực lượng dân chủ Syria do người Kurd kiểm soát.
Các nhóm chính trị đối lập luôn tìm cách để Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.
Chính phủ Syria nhận được sự ủng hộ của Nga và Iran, trong khi phe đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ, các cường quốc phương Tây và một số quốc gia vùng Vịnh ủng hộ ở các mức độ khác nhau.
Hồi tháng 3/2020, tình hình tại Syria cơ bản ổn định, sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga làm trung gian hòa giải, nhằm ngăn chặn động thái giành lại quyền kiểm soát Idlib của chính phủ.