“Nếu NATO không đóng không phận của chúng tôi, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi rocket Nga rơi trên lãnh thổ của NATO”, ông Zelensky nói trong video phát biểu công bố ngay sau nửa đêm, theo AFP.
Phát ngôn này được đưa ra sau khi Nga tấn công vào Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế (IPSC) ở thị trấn ngoại ô thành phố Lviv, gần Ba Lan, hôm 13/3.
Đống đổ nát ở Trung tâm Gìn giữ hòa bình và An ninh Quốc tế sau khi trúng tên lửa Nga. Ảnh: New York Times. |
Trung tâm Gìn giữ hòa bình và An ninh Quốc tế là căn cứ quân sự huấn luyện binh sĩ, chủ yếu cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Cơ sở này ở quận Yavoriv, cách thành phố Lviv 50 km về hướng tây nam và cách biên giới Ba Lan 25 km.
Điều này đồng nghĩa các cuộc tấn công của Nga bắt đầu tiến sát lãnh thổ NATO, có nguy cơ đẩy NATO và Nga vào xung đột trực diện.
Trước đó, NATO từng bày tỏ quan điểm rõ ràng với lời kêu gọi lập vùng cấm bay tại Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 4/3 khẳng định các lực lượng của liên minh sẽ không trực tiếp tham chiến ở Ukraine nhằm tránh leo thang căng thẳng dẫn tới chiến tranh với Nga.
Ông Stoltenberg cho hay các quan chức NATO đã thảo luận về khả năng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, tuy nhiên sau đó nhất trí rằng máy bay cũng như binh sĩ của NATO không nên tham chiến ở Ukraine do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga.
"Chúng tôi thấu hiểu tình cảnh khó khăn hiện nay, nhưng NATO tin rằng nếu làm như vậy (thiết lập vùng cấm bay), chúng ta sẽ rơi vào tình thế một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu, khiến nhiều quốc gia, nhiều sinh mạng bị đe dọa", ông Stoltenberg cho biết.
Hôm 9/3, trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không còn tha thiết gia nhập NATO bởi liên minh quân sự này không sẵn sàng đón nhận Kyiv.
Việc Ukraine cam kết không gia nhập NATO là một trong các yêu cầu của Nga để chấm dứt chiến dịch quân sự. Các yêu cầu khác gồm quân đội Ukraine đầu hàng, Kyiv công nhận bán đảo Crimea là của Nga, và Ukraine công nhận độc lập hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk.
Theo Interfax, Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/3 tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy 3.687 mục tiêu quân sự của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay đã phá hủy tổng cộng 99 máy bay, 128 thiết bị bay không người lái, 1.194 xe tăng và xe thiết giáp, 121 hệ thống phóng tên lửa đa nòng, 443 đại bác, và 991 xe quân sự đặc biệt.
Các khu vực tại Ukraine do Nga kiểm soát sau 18 ngày giao tranh. Đồ họa: CNN. |