Cựu diễn viên hài 44 tuổi đảm nhiệm cương vị tổng thống Ukraine giữa thời điểm quốc gia Đông Âu này chịu thách thức lớn nhất kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Khi Nga tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới với Ukraine, Washington cảnh báo chiến tranh “đã cận kề” và có thể bắt đầu “bất cứ lúc nào”. Trong khi đó, ông Zelensky kêu gọi người dân giữ bình tĩnh.
“Chúng ta có thể làm gì đây? Chỉ một điều thôi: Giữ bình tĩnh”, ông tuyên bố, theo AFP. “Chúng ta sẽ tổ chức lễ Phục sinh vào tháng 4. Tháng 5 sẽ diễn ra như bình thường với ánh Mặt Trời, kỳ nghỉ và những bữa tiệc nướng”.
Từ diễn viên hài tới tổng thống Ukraine
Năm 2015, ông Zelensky cho ra mắt series hài kịch mang tên “Đầy tớ của nhân dân”. Trong đó, ông đóng vai một giáo viên lịch sử bỗng trở thành tổng thống sau khi những tuyên bố mạnh mồm về nạn tham nhũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Tập phim cuối cùng được phát sóng ngày 28/3/2019. Ba ngày sau, ông Zelensky về nhất trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống Ukraine. Sau khi đánh bại Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko một cách áp đảo ở vòng hai, ông chính thức trở thành người đứng đầu đất nước.
Khi mới cầm quyền, ông Zelensky gặp phải không ít chỉ trích. Thậm chí ông bị đem ra so sánh với Tổng thống Mỹ Donald Trump - người cũng có xuất thân là ngôi sao truyền hình.
Ông Zelensky từng đóng vai tổng thống Ukraine trong một chương trình hài kịch nổi tiếng trước khi thực sự trở thành tổng thống. Ảnh: Kvartal 95 Studio. |
“Tôi nghĩ các đối tác quốc tế của chúng tôi gặp khó khăn đáng kể khi đối phó với ông ấy. Ông ấy không cùng tầm vóc với họ, không thể với tới và không thể hiểu được họ”, nhà phân tích chính trị người Ukraine Mykola Davydyuk nhận định.
Khi ông Zelensky cùng lúc tìm cách ngăn chặn người Nga tấn công, phương Tây thiếu "mặn mà" và người dân trong nước hoảng loạn, người Ukraine tự hỏi liệu tổng thống của mình có có đủ khả năng lãnh đạo đất nước qua thời khắc khó khăn này hay không.
“Kể từ khi căng thẳng bùng phát vào năm 2021, ông Zelensky mất dần sự tin tưởng của công chúng”, bà Maria Zolkina, nhà phân tích chính trị tại Kyiv, nhận định, theo Los Angeles Times.
Bà Zolkina chỉ ra ông Zelensky nhận được tỷ lệ ủng hộ cao của công chúng trong khoảng một năm rưỡi cầm quyền đầu tiên. Tuy vậy, kể từ khi Nga bắt đầu tập trung quân gần biên giới với Ukraine tháng 4/2021, tình thế bắt đầu đảo chiều. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy số người không tin tưởng ông đã cao gấp đôi số người ủng hộ.
“Con số này cho tôi thấy rằng khi mối đe dọa từ Nga trở nên hiện hữu, ông Zelensky không được xã hội tin tưởng”, bà Zolkina nói.
Khó khăn bủa vây
Trên thực tế, mối đe dọa từ Nga không phải là thách thức duy nhất mà ông Zelensky phải đối mặt. Dù thông qua một số cải cách về đất đai, cuộc chiến chống tham nhũng của ông diễn ra không mấy thành công, theo bà Elina Ribakova, phó lãnh đạo tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Một cuộc biểu tình phản đối chính sách với Nga của ông Zelensky tại Kyiv năm 2019. Ảnh: Kyiv Post. |
“Điều thất vọng lớn nhất là ông Zelensky không thay đổi cấu trúc cơ bản của chính phủ Ukraine, vốn đầy sự tham nhũng gây ra bởi các phần tử đầu sỏ chính trị”, bà Ribakova nhận xét.
Cho tới nay, ông Zelensky chưa thể thiết lập một cơ chế chống tham nhũng độc lập. Trong khi đó, những cáo buộc của ông nhằm vào cựu Tổng thống Petro Poroshenko bị coi là hành động “cơ hội chính trị”.
Các chỉ trích còn nhằm vào đội ngũ thân cận của ông Zelensky, bao gồm nhiều người từng hợp tác cùng ông khi còn là diễn viên hài - như nhà làm phim Andriy Yermak, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine. Những người này thường ít có kinh nghiệm về chính trị hay hoạch định chính sách.
Ngoài ra, ông Zelensky cũng có xu hướng ban hành các sắc lệnh dân túy, được lòng dân trong ngắn hạn nhưng không tạo ra thay đổi đáng kể về dài hạn, như hứa trồng một tỷ cây xanh hay phát miễn phí điện thoại thông minh cho người trên 60 tuổi.
“Tôi thất vọng vì ông ấy không có một chương trình thực sự và không tổ chức một đội ngũ cho mình. ‘Đoàn tùy tùng tạo nên một ông vua’ - và ông Zelensky có một đoàn tùy tùng tệ”, một cựu cố vấn của ông Zelensky nhận xét.
Ứng xử của tổng thống
Giữa khủng hoảng, ông Zelensky từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ và các đồng minh vì “phản ứng quá mức” trước mối đe dọa từ Nga. Điều này đã gây ra sự phật ý nhất định từ các nước phương Tây.
“Nếu ai đó có thêm thông tin về một cuộc tấn công 100% sẽ xảy ra, họ nên chuyển cho chúng tôi. Trên cương vị tổng thống, tôi phải trò chuyện với người dân, và phải nói sự thật. Sự thật là chúng ta có các thông tin khác nhau”, ông Zelensky nói hôm 12/1. “Sự sợ hãi là người bạn lớn nhất của kẻ thù”.
Người Ukraine đã quá quen với mối đe dọa từ Nga trong 8 năm qua. Ảnh: AP. |
Những điều ông Zelensky nói cũng là những điều mà người Ukraine suy nghĩ: Mối đe dọa từ Nga đối với họ không phải là điều mới mẻ. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, người Ukraine đã quá quen với điều này.
Nhiều chính trị gia và nhà phân tích Ukraine đồng tình với ông Zelensky. Tuy vậy, điều này không có nghĩa họ hoàn toàn ủng hộ tổng thống, nhất là trong cách đưa ra thông điệp và chỉ trích phương Tây. “Các thông điệp về mối đe dọa của Nga là một mớ hỗn độn”, cựu Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tuyên bố.
Ông Zelensky kỳ vọng bản thân có thể trở thành “người tốt” trong mắt tất cả người dân, bà Zolkina nhận định. Tuy vậy, các nỗ lực không thành của ông nhằm đàm phán với Nga khiến phe dân tộc chủ nghĩa tức giận, trong khi khiến các cử tri thân Nga - bộ phận quan trọng giúp ông giành chiến thắng năm 2019 - phật ý.
Trong khi đó, một số nhà ngoại giao phương Tây cảm thấy bị thuyết phục trước sức hấp dẫn của ông Zelensky.
“Trên thực tế, ông ấy không tệ đến như vậy”, một nhà ngoại giao nói với AFP. “Khi phải đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi khi kẹt giữa áp lực của cả Nga và Mỹ, ông ấy đã cho thấy sự điềm tĩnh”.
Một số nhà quan sát cũng cho rằng ông Zelensky sẽ hưởng lợi về chính trị nếu Nga thực sự rút quân.
“Nếu Nga không leo thang căng thẳng và rút bớt quân gần Ukraine, đây sẽ là sự xấu hổ của cộng đồng tình báo Mỹ. Điều này cũng sẽ tăng cường vị thế của ông Zelensky”, nhà nghiên cứu Rob Lee tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) nhận định. “Ông ấy đã không lùi bước”.