Cựu Phó tổng thống Joe Biden và Tổng thống Donald Trump đã thảo luận về cách ứng phó đại dịch Covid-19, chính sách đối ngoại với Trung Quốc và Triều Tiên, tài khoản ngân hàng của ông Trump ở Trung Quốc, cáo buộc về các thương vụ của con trai ông Joe Biden tại Ukraine và Trung Quốc, biến đổi khí hậu và năng lượng.
Nhà lãnh đạo Mỹ chọn phong cách tranh luận gần như trái ngược với buổi đối mặt đầu tiên cùng đối thủ. Ông không còn liên tục lấn lướt và ngắt lời mọi người, thay vào đó là cách trình bày vấn đề từ tốn hơn.
Cuộc tranh luận có ý nghĩa quyết định với cả hai ứng viên để vận động cử tri khi chỉ còn gần 10 ngày trước ngày bầu cử. Ảnh: Reuters. |
Các bình luận viên của CNN lưu ý đã có những lúc ông Trump chủ động gửi thông điệp đến cử tri da màu và các bang chiến địa đừng ủng hộ ông Biden. Ông nhắc lại đạo luật đối thủ từng ủng hộ khiến nhiều người da màu phải ngồi tù dù không có tội danh liên quan đến bạo lực. Ông cũng "gài" được cựu phó tổng thống Mỹ thừa nhận kế hoạch thoát ly khỏi năng lượng hoá thạch, cảnh báo nền kinh tế những bang Texas, Arizona và Ohio sẽ chịu thiệt hại.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục bị đối thủ khai thác các yếu điểm về ứng phó đại dịch Covid-19 và tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Người dân ngồi trong xe theo dõi cuộc tranh luận Trump - Biden trên màn hình ở trung tâm Fort Mason tại San Francisco. Ảnh: AP. |
Ông Biden gây ấn tượng với những kế hoạch chi tiết và cụ thể cho cải cách bảo hiểm y tế Bidencare, các bước khống chế virus corona và khôi phục kinh tế quốc gia, phát triển năng lượng tái tạo và cắt giảm khí thải để chống biến đổi khí hậu.
Trong khi bị công kích về chính sách, Tổng thống Trump đã nhiều lần tìm cách lái vấn đề sang Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống Joe Biden, và những cáo buộc thu lợi cá nhân từ nước ngoài.
Những cáo buộc này đều bị ông Biden bác bỏ và đáp trả quyết liệt bằng câu hỏi về hồ sơ đóng thuế được Tổng thống Trump giấu kín gần 4 năm qua.
-
Cuộc tranh luận được tắt mic
Ông Trump sẽ đối mặt với đối thủ Joe Biden vào 20h ngày 22/10 (giờ Mỹ), tức 8h ngày 23/10 (giờ Việt Nam) tại Đại học Belmont ở Nashville, bang Tennessee. Cuộc tranh luận 90 phút dự kiến thu hút hàng chục triệu lượt xem. Đây có thể là cơ hội cuối để tổng thống Mỹ thay đổi cục diện cuộc đua mà ông đã tụt lại sau đối thủ trong nhiều tuần.
Người điều phối cuộc tranh luận, nhà báo Kristen Welker của NBC News, hy vọng có một cuộc tranh luận văn minh hơn so với cuộc tranh luận đầu tiên ngày 29/9.
Để ngăn chặn những lần ngắt lời nhau như cuộc tranh luận đó, ủy ban tổ chức tranh luận tổng thống ngày 19/10 quyết định tắt micrô của hai ứng viên khi đối thủ của họ có 2 phút trả lời trong mỗi phân đoạn dài 15 phút.
Trong 11 phút còn lại của mỗi phân đoạn, hai ứng viên sẽ được tranh luận tự do.
Trong ảnh, sân khấu được chuẩn bị cho cuộc tranh luận cuối cùng. Ảnh: Reuters.
-
Cơ hội của ông Trump trong lúc bị dẫn trước
Sáu chủ đề được lựa chọn trong cuộc tranh luận cuối cùng này gồm chống dịch Covid-19, vấn đề chủng tộc ở Mỹ, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia, và khả năng lãnh đạo.
Lo lắng ông Trump có thể mất Nhà Trắng và cả Thượng viện, một số cố vấn đã thúc giục tổng thống thay đổi thái độ hiếu chiến trong cuộc tranh luận đầu tiên để sự chú ý tập trung vào Biden, người mà tổng thống gọi là “Joe ngái ngủ”. Tuy nhiên, tổng thống không hứa sẽ làm theo lời khuyên này.
Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Biden, người đã ngưng tham gia các sự kiện công khai trong vài ngày để chuẩn bị cho tranh luận, cho rằng ông Trump sẽ tấn công cá nhân gay gắt. Ông Biden và đội tranh cử của ông xem đây chủ yếu là nỗ lực của tổng thống nhằm đánh lạc hướng khỏi đại dịch, suy thoái kinh tế và các cuộc khủng hoảng khác trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Ảnh: Reuters.
-
Cuộc tranh luận cuối thường quan trọng nhất?
Các cuộc tranh luận cuối cùng thường đóng vai trò rất lớn trong kết quả bầu cử. Tuy nhiên, cuộc đối đầu ngày 22/10 sẽ khác với những lần trước.
Hơn 42 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Số cử tri vẫn phân vân chưa đưa ra quyết định vẫn còn ít hơn nhiều so với cùng thời điểm trong cuộc bầu cử năm 2016.
-
Hai ứng viên tranh luận không cần kính bảo hộ
Ban tổ chức buổi tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden đã quyết định gỡ kính bảo hộ khỏi sân khấu. Đại diện chiến dịch của hai ứng viên đã tham vấn với bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Mỹ và là cố vấn ứng phó Covid-19 của chính phủ, theo CNN.
Ông Fauci cho rằng kính bảo hộ không còn cần thiết do cả hai ứng viên đều xét nghiệm âm tính với virus corona. Chiến dịch của ông Trump xác nhận ông đã xét nghiệm trên chuyên cơ Air Force One trên đường tới Nashville. Ông Biden xét nghiệm vào sáng cùng ngày.
Trong ảnh, kính được sử dụng để ngăn cách bà Kamala Harris và ông Mike Pence trong cuộc tranh luận của ứng viên phó tổng thống. Ảnh: Reuters.
-
Hơn 47 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu
Washingtonpost cho biết hơn 47 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu xong, cao hơn cả tổng số phiếu bầu sớm trong cuộc bầu cử năm 2016. Điều này đồng nghĩa rằng cuộc tranh luận đêm nay khó có khả năng tạo thay đổi lớn với tư duy của cử tri Mỹ, tương tự những gì đã xảy ra trong trong cuộc đua Ronald Reagan - Jimmy Carter vào năm 1980, theo chuyên gia Michael Beschloss của NBC.
-
Khán phòng duy trì giãn cách xã hội
Ảnh: CNN.
-
Kỳ vọng của đảng Cộng hòa
Cuộc tranh luận ngày 23/10 còn khiến phe Cộng hòa lo ngại vì khả năng tác động đến những thành viên đảng đang tranh cử Thượng viện Mỹ năm nay. Sau màn thể hiện của Tổng thống Trump ở cuộc tranh luận đầu tiên, một số ứng viên Thượng viện của đảng Cộng hòa bị thu hẹp khoảng cách với đối thủ.
Có 33 bang tổ chức bầu thượng nghị sĩ và 2 cuộc bầu cử bất thường Arizona và Georgia) năm nay, trong đó đảng Cộng hòa cần bảo vệ đến 23 ghế. Hiện đảng Cộng hòa đang giữ đa thế ở Thượng viện với 53 ghế. Đảng Dân chủ đang có 45 ghế và cần hơn 5 ghế để chiếm đa thế ở cơ quan lập pháp này.
-
Họ đứng đâu trên các bảng thăm dò?
CNN đã theo dõi kết quả trung bình của các cuộc thăm dò trong cuộc chạy đua giữa Tổng thống Trump và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden. Kết quả này bao gồm các cuộc thăm dò gần đây nhất đáp ứng các tiêu chuẩn của CNN về việc ghi nhận và đo lường quan điểm của những cử tri đã đăng ký hoặc có khả năng đi bầu. Kết quả này không có biên độ sai số lấy mẫu.
Đây là vị trí của các ứng cử viên trong trung bình các thuộc thăm dò tính đến ngày 22/10 (Việt hóa đồ họa: Như Ý).
-
Dù thắng dù thua, đây cũng là cuộc tranh luận cuối cùng của ông Trump
CNN lưu ý rằng dù tổng thống thể hiện như thế nào trong cuộc tranh luận sắp tới, và ông có thắng cuộc bầu cử ngày 3/11 hay không, đây có thể sẽ là cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng của ông Trump.
Kevin Liptak của CNN nhận định các chiến thuật của ông Trump không thay đổi gì nhiều kể từ cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa vào năm 2015. Ông bước lên sân khấu chủ yếu "dựa vào bản năng đấm nhau và không chuẩn bị nhiều như đối thủ".
Ngày 22/10, ông Trump đã có một buổi báo cáo và luyện tập ngắn với đội ngũ. Tuy nhiên, như những lần trước, ông không diễn tập toàn bộ buổi tranh luận.
Ông vẫn có những lúc thành công với chiến thuật này. Cuộc tranh luận cuối cùng với bà Hillary Clinton vào năm 2016, sau khi xuất hiện bê bối rò rỉ thư nội bộ đảng Dân chủ, được những trợ lý của ông đánh giá là thành công lớn.
-
Cuộc tranh luận bắt đầu
Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden bước vào sân khấu tranh luận trong tràn pháo tay của khán giả. Ông Biden vẫn đeo khẩu trang khi mới bước vào, còn ông Trump tiến về bục phát biểu mà không đeo khẩu trang.
Hai ông không bắt tay mà tiến thẳng về bục phát biểu của mình.
-
Gia đình của Tổng thống Trump và phu nhân ông Biden, bà Jill Biden, trong khán phòng buổi tranh luận.
Ảnh: Reuters.
-
Câu hỏi đầu tiên về việc ứng phó với đại dịch Covid-19
Đây sẽ là một câu hỏi khó với Tổng thống Trump khi nước Mỹ là tâm dịch lớn nhất thế giới với 8 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 người chết. Bản thân ông Trump là người vừa bình phục sau khi mắc Covid-19.
-
Câu hỏi đầu tiên về việc ứng phó với đại dịch Covid-19
Tổng thống Mỹ nói tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đã giảm 85% (theo ông số người được dự đoán sẽ tử vong là 2 triệu) và những ổ dịch lớn ở Florida, Texas đã "biến mất".
Ông Trump nói những ổ dịch khác cũng sẽ sớm biến mất và vaccine sẽ sẵn sàng trong vài tuần nữa.
"Tôi có thể nói cho bạn biết từ trải nghiệm cá nhân. Tôi đã phải vào viện, nhưng họ cho tôi dùng liệu pháp, tôi đoán đó là phương pháp chữa trị. Tôi đã hồi phục rất nhanh và giờ tôi có thể đứng đây. Tôi đã miễn dịch", ông Trump tuyên bố.
Ông Biden phản pháo bằng cách nhắc lại tuyên bố của ông Trump đầu năm nay: "Ông ta cũng là người từng khẳng định dịch sẽ kết thúc vào Lễ Phục sinh".
"Ông ta không có bất kỳ kế hoạch nào", cựu phó tổng thống kết luận.
-
Ông Biden rút khẩu trang ra
Trong một khoảnh khắc, ông Biden cầm khẩu trang màu đen của mình - thứ ông vừa cởi bỏ vài phút trước đó - để minh họa và xoáy vào việc Tổng thống Trump không chịu ủng hộ yêu cầu đeo khẩu trang toàn quốc. Ông chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ không có bất kỳ kế hoạch nào để chống đại dịch.
"Bất kỳ ai chịu trách nhiệm cho những cái chết này đều không xứng đáng làm tổng thống", ông cáo buộc nhưng không nhắc tên Tổng thống Trump.
Ảnh: Reuters.
-
Ảnh: Reuters.
-
Tổng thống Trump đổ lỗi về đại dịch
Tổng thống đã liên tục cố gắng đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch vì cách chống dịch của chính phủ Mỹ bị chỉ trích dữ dội.
Ngược lại, Tổng thống Trump cũng nói việc ông Biden chỉ trích quyết định ngưng nhập cảnh từ Trung Quốc do đại dịch Covid-19 là "bài ngoại".
"Ông ấy bài ngoại, nhưng không phải vì ông ấy ngưng cho nhập cảnh từ Trung Quốc", ông Biden trả lời.
-
Sau 19 phút mới có lần ngắt lời đầu tiên
19 phút tranh luận thì Tổng thống Trump mới có lần ngắt lời đầu tiên với ông Biden. Ông Trump cáo buộc đối thủ ban đầu phản đối chặn chuyến bay với Trung Quốc, sau đó lại kêu gọi đóng cửa. Ông Biden bác bỏ chưa từng phát biểu như cách ông Trump mô tả.
"Cuối cùng cũng có một cuộc tranh luận. Có thể là nói hơi sớm, nhưng tranh luận là phải như thế này. Điều này rất quan trọng", Weijia Jiang, phóng viên Nhà Trắng của CBS, viết trên Twitter.
-
Tranh cãi về việc mở cửa trường học
Khi bị người điều phối hỏi về quyết định mở cửa trường học trong khi vừa qua, Boston quyết định chuyển toàn bộ lớp học lên nền tảng trực tuyến, ông Trump nói muốn mở cửa trường vì tỷ lệ lây nhiễm qua giáo viên rất thấp.
"Chúng ta phải mở cửa đất nước. Chúng ta không thể đóng cửa mãi được. Mỹ là nền kinh tế khổng lồ, người dân đang thất nghiệp, họ đang tự tử", tổng thống cho biết.
"Điều đó không đúng", ông Biden phản bác.
"Chúng ta phải mở cửa lại an toàn, chúng ta phải giãn cách xã hội, phải có tấm kính chắn trong nhà hàng để chúng ta không lây nhiễm cho nhau", cựu phó tổng thống lập luận.
Ảnh: Reuters.
-
Gọi bác sĩ Fauci là "người Dân chủ"
Người điều phối Kristen Welker đã hỏi ông Trump về những bình luận công kích bác sĩ Anthony Fauci là “thảm họa” và các chuyên gia y tế khác là “những kẻ ngốc” vào tuần này.
Ông Trump giảm nhẹ sự khác biệt với bác sĩ Fauci trước khi chỉ trích ông đã đảo ngược hướng dẫn về việc đeo khẩu trang. "Tôi nghĩ ông ấy là đảng viên đảng Dân chủ, nhưng điều đó không sao cả", tổng thống tuyên bố.
Tổng thống nói tương tự trong cuộc phỏng vấn với Fox News 3 ngày trước. Các tờ báo đã fact-check rằng ông Fauci từng làm việc qua 6 đời tổng thống, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, và được biết đến là một người phi đảng phái, chỉ tập trung vào khoa học.
-
"Cuộc tranh luận dễ theo dõi hơn nhiều, tôi vẫn chưa bị đau đầu"
Nhiều người theo dõi cuộc tranh luận thứ hai chia sẻ trên Twitter rằng cuộc tranh luận này dường như có chất lượng tốt hơn, và có vẻ điều luật “tắt mic” đã phát huy tác dụng.
“Cho tới lúc này, cuộc tranh luận đang dễ theo dõi hơn rất nhiều so với cuộc tranh luận trước đó. Tôi vẫn chưa bị đau đầu”, người dùng Twitter Mike Murphy chia sẻ.
“Luật lệ ‘tắt mic’ dường như đã khiến những nhân vật chính trong cuộc tranh luận hành xử tốt hơn nhiều”, tài khoản có tên Jennifer Bukowsk bình luận trên Twitter.
-
"Ông Trump đã chịu nghe người huấn luyện"
Theo cựu ứng viên đảng Dân chủ Andrew Yang, Tổng thống Trump có vẻ đã được rèn luện và tiếp thu những bình luận về cuộc tranh luận vừa qua. "Ông ấy chịu im lặng và tỏ vẻ tôn trọng", Yang nói.
-
Fact-check Tổng thống Trump
Một số tờ báo đã kiểm chứng song song các phát biểu của ứng viên, chủ yếu là Tổng thống Trump.
"Chúng ta đang thay đổi tình hình đại dịch", ông Trump nói.
Điều này hoàn toàn sai, theo phóng viên Linda Qiu của New York Times.
Mỹ không có "bước ngoặt" nào trong việc xử lý đại dịch. Trên thực tế, Mỹ đang phải trải qua đợt bùng phát thứ ba. Trong tuần qua, Mỹ có trung bình 60.777 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 33% so với mức trung bình hai tuần trước đó, theo New York Times. Số ca nhiễm hàng ngày lần đầu tiên đạt tới con số 70.000 kể từ tháng 7 vào ngày 20/10.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, bác sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ, cho biết từ lâu ông đã lo ngại số ca nhiễm hàng ngày chưa bao giờ giảm xuống mức dưới 20.000.
Ảnh: Reuters.
-
"Tôi đóng trước thuế hàng chục triệu USD"
Sau khi bị đối thủ cáo buộc nhận tiền từ nước ngoài, Tổng thống Donald Trump thông báo đã hỏi chuyện với các kế toán của mình.
"Họ nói rằng: 'Thưa ngài, ngài đã đóng trước thuế hàng chục triệu USD'. Tôi không hề biết chuyện đó", ông nói.
Ông Biden phản pháo với câu hỏi xoáy: "Vì sao ông ấy không nói điều này suốt 4 năm qua? Vì sao ông ấy không công bố thông tin đóng thuế của mình?".
Ngược lại, Tổng thống Trump cáo buộc Joe Biden đã nhận tiền từ con trai mình trong các "thỏa thuận", do phe ủng hộ tổng thống đăng tải và cáo buộc. Cựu phó tổng thống Mỹ bác bỏ toàn bộ thông tin này. Ông nhấn mạnh mình chưa từng nhận một xu nào từ nước ngoài. Về thương vụ Burisma, ông Biden lưu ý rằng chính phủ đã điều tra và không phát hiện bất kỳ điều gì sai trái.
Ảnh: AP.
-
"Chúng tôi có rất nhiều tiền"
Tổng thống Trump đã cố gắng giảm nhẹ khó khăn trong việc gây quỹ chiến dịch vào bằng cách nói với khán giả rằng chiến dịch của ông có "rất nhiều tiền" mặc dù ngân sách chiến dịch của ông đang giảm xuống.
“Tôi có thể xô đổ các kỷ lục của ông theo cách ông không thể tin được", ông Trump nói về hoạt động gây quỹ mạnh mẽ của ứng viên Biden.
“Chúng tôi không cần tiền. Chúng tôi có rất nhiều tiền". Ông Trump chỉ ra thực tế rằng ông đã đánh bại bà Hillary Clinton vào năm 2016 chỉ bằng "một phần nhỏ" so với số tiền mà bà huy động được.
Ông Biden và đảng Dân chủ đã huy động nhiều hơn đảng Cộng hòa 135 triệu USD trong tháng 9. Ông Biden đã huy động được 383 triệu USD so với con số 247,8 triệu USD của ông Trump. Bình luận của Trump được đưa ra trong nỗ lực tấn công đối thủ vì đã nhận tiền từ Phố Wall.
Ảnh: Getty.
-
Ai đang nói nhiều hơn?
Trong phân đoạn đầu tiên về đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump đã dẫn trước đối thủ của mình về thời gian phát biểu gần 3 phút. Cụ thể, ông Trump nói trong 10 phút 20 giây, trong khi đó, ông Biden chỉ phát biểu trong vòng 7 phút 40 giây, theo CNN.
Trong khi cựu Phó tổng thống Biden tôn trọng thời gian nói của bản thân, ông Trump sau 1/3 thời gian đầu nghiêm túc đã liên tục đòi phản hồi với mọi phát biểu của đối thủ.
Mỗi lần như vậy, người điều phối cho ông Trump khoảng 10-30 giây.
Đồ họa: Như Ý.
-
"Không phải đấm nhau ngoài đường"
Hàng loạt người xem đang để ý sự khác biệt thấy rõ về cuộc tranh luận lần này so với lần trước. Nigel Farage, người từng dẫn đầu phong trào Brexit tại Anh, cũng được xem là một chính trị gia dân túy và cánh hữu, nhận định: "Tranh luận chứ không phải đấm nhau ngoài đường. Ông Trump đang tỏ ra tích cực còn ông Biden là người tiêu cực". Tuy nhiên, "positive" còn có nghĩa "dương tính", trong khi "negative" là "âm tính".
Trước cuộc tranh luận, cả hai người tham gia đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
-
"Kim Jong Un không thích Obama"
Ông Biden chỉ trích Tổng thống Trump đã “hợp pháp hóa” Triều Tiên bằng cuộc gặp với Kim Jong Un. Ứng viên của đảng Dân chủ cáo buộc tổng thống có thái độ thân thiện với ông Kim.
Ông Trump đáp lại bằng cách chế nhạo cựu Tổng thống Barack Obama. Đương kim tổng thống Mỹ nói ông Kim không muốn gặp ông Obama vì không thích ông ấy.
-
"Tôi muốn hủy bỏ Obamacare"
Tổng thống Trump nói rằng ông hy vọng Tòa án Tối cao sẽ hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA), đạo luật được ông Obama thúc đẩy và còn được gọi là Obamacare.
“Obamacare không tốt chút nào”, ông Trump nói. "Những gì chúng tôi muốn làm là chấm dứt nó". Chính quyền ông Trump đang theo đuổi một vụ kiện có thể dẫn đến việc hủy bỏ Obamacare ở Tòa án Tối cao.
Trong một diễn biến khác, đảng Cộng hòa vừa tiến thêm một bước đến tham vọng này. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của phe Dân chủ, các thượng nghị Cộng hòa tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện quyết định bỏ phiếu đưa thẩm phán Amy Coney Barrett lên Tòa Tối cao.
Với việc đảng Cộng hòa nắm 53/100 ghế ở Thượng viện, chưa kể phiếu của Phó tổng thống Pence, gần như chắc chắn bà Barrett sẽ được phê chuẩn để trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao, khiến cán cân tòa án nghiêng hoàn toàn về phe Cộng hòa.
Trong ảnh, thẩm phán Amy Coney Barrett. Ảnh: Reuters.
-
Ai nói nhiều hơn trong giờ đầu tiên?
Đồ họa: Như Ý.
-
Ông Trump chỉ trích người nhập cư
Tổng thống Trump nói chính sách bắt người nhập cư và cho họ hòa nhập cộng đồng trong khi chờ tòa án xét xử của chính quyền ông Obama là "thảm họa".
"Kẻ giết người sẽ vào nước Mỹ, kẻ hiếp dâm sẽ vào nước Mỹ, người xấu sẽ vào đây", ông nói. Theo đó, "chỉ những kẻ có IQ thấp nhất" mới quay lại tòa án vào đúng ngày được triệu tập, còn lại, Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ phải đi tìm những người nhập cư đang ở trong cộng đồng.
-
Ảnh: Reuters.
-
"Tôi là người ít kỳ thị chủng tộc nhất trong căn phòng này"
Khi người điều phối cuộc tranh luận hỏi về những bình luận tiêu cực nhắm vào phong trào Black Lives Matter của tổng thống, ông Trump cho biết lần đầu tiên ông nghe đến phong trào này là khi người biểu tình gọi cảnh sát là "những con lợn": "Tôi nghĩ đây là chuyện rất khủng khiếp".
Tổng thống Mỹ sau đó lại nói ông có quan hệ tuyệt vời với nhiều người và tuyên bố "Tôi là người ít phân biệt chủng tộc nhất trong căn phòng này". Ông Trump cũng kể ra thành tựu đã làm cho người da đen và nói ông "rất buồn".
"Ngài 'Abraham Lincoln đây' (ý chỉ ông Trump) là một trong những tổng thống phân biệt chủng tộc nhất mà chúng ta từng có trong lịch sử hiện đại", ông Biden đáp trả.
“Ông ấy đổ thêm dầu vào từng ngọn lửa phân biệt chủng tộc”, ông Biden cho biết và nói Tổng thống Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình bằng cách gọi người Mexico là “những kẻ hiếp dâm”.
-
Twitter ông Biden cập nhật liên tục, Twitter ông Trump "im ắng"
Trong thời gian cựu Phó tổng thống Joe Biden tranh luận với Tổng thống Donald Trump, tài khoản Twitter của ông Biden vẫn tiếp tục đăng tải các dòng trạng thái về nội dung tranh luận.
Trong khi đó, cập nhật gần nhất của Tổng thống Trump trên Twitter là 1 tiếng trước cuộc tranh luận, dẫn lại đường link chiếu trực tiếp sự kiện, trái ngược với cuộc tranh luận lần đầu.
-
Người dân ngồi trong xe theo dõi cuộc tranh luận Trump - Biden trên màn hình ở trung tâm Fort Mason tại San Francisco. Ảnh: AP.
-
Tranh luận về năng lượng
Cuộc tranh luận chỉ còn vài phút là kết thúc và chủ đề thảo luận đã chuyển sang vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Biden nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo. Ứng viên của đảng Dân chủ tấn công ông Trump vì những bình luận trong quá khứ như năng lượng gió gây ung thư.
“Tôi biết nhiều về gió hơn ông”, Tổng thống Trump đáp lời. "Năng lượng gió rất đắt tiền. Nó giết chết những con chim".
Tổng thống một lần nữa khẳng định ông Biden sẽ cấm khai thác mỏ, mặc dù ứng viên của Dân chủ đã nhiều lần nói (và một lần nữa vào tối nay) rằng ông sẽ không làm như vậy.
Dù vậy, ông Biden thừa nhận ông ủng hộ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, điều mà ông Trump cho là sẽ có hại cho nền kinh tế. “Ông ấy đưa mọi thứ ra khỏi ngữ cảnh”, ông Biden nói. "Chúng ta phải tiến tới mức phát thải bằng 0".
-
Ông Trump liên tục tấn công Obama
Tổng thống Trump cáo buộc cựu Phó tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama đã "làm tệ" trong hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng. "Joe, tôi tranh cử chính là vì ông. Tôi tranh cử chính vì Barack Obama. Bởi vì hai người đã làm quá tệ. Nếu tôi nghĩ hai người làm tốt, tôi đã không bao giờ tranh cử", ông Trump tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Mỹ cáo buộc đối thủ "không làm gì" về cải cách tư pháp và các chính sách liên quan đến sắc tộc trong thời gian ở Nhà Trắng.
"Ông cứ nói mãi về những điều này rằng ông sẽ là chúng. Nhưng ông đã ở Nhà Trắng không lâu trước đây và các ông chẳng làm gì cả", ông Trump cáo buộc.
-
Cuộc tranh luận kết thúc
Sau hơn 90 phút tranh luận, cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden đã kết thúc. Bây giờ, điều còn lại mà các cử tri Mỹ phải làm là đi bỏ phiếu, như hơn 47 triệu người đã chọn xong ứng viên họ ủng hộ.
Ảnh: Reuters.
-
"Một cuộc tranh luận bình thường"
Nhà báo Jake Tapper của CNN nói rằng Tổng thống Trump đã có một màn trình diễn tương đối bình thường trong cuộc tranh luận tối nay. Trước đó, ông Tapper gọi cuộc tranh luận đầu tiên là "một mớ hỗn độn trong lò đốt rác".
"Đây chắc chắn là một cuộc tranh luận bình thường hơn nhiều", ông Tapper nói ngay sau khi cuộc tranh luận tổng thống thứ hai và là cuộc tranh luận cuối cùng kết thúc.
"Công bằng mà nói, những người ủng hộ Trump và những người lãnh đạo đảng Cộng hòa có thể thư giãn đêm nay. Họ có thể hít thở bình thường rồi", ông Tapper cho biết. "Tổng thống không tự hủy hoại mình đêm nay như đã làm ở cuộc tranh luận đầu tiên", dù đã "nói dối rất nhiều".
Ở mặt khác, ông Tapper cũng nhận định tổng thống cũng có những đòn tấn công đắt giá nhằm vào đối thủ Joe Biden ở các chủ đề như dự luật tội phạm năm 1994 và những thành tích của cựu phó tổng thống.
-
Ai nói nhiều nhất?
Đồ họa: Như Ý.
-
Ông Biden cũng có một số tuyên bố sai
Nhà báo Daniel Dale của CNN nhận xét trên Twitter rằng ông Biden cũng mắc một số lỗi trong cuộc tranh luận.
"Ông Biden không hoàn hảo, từ quan điểm của một người làm công việc fact-check như tôi. Ông ấy đưa ra một vài tuyên bố sai, dễ hiểu lầm hoặc thiếu ngữ cảnh", ông nói.