"Nếu cậu ấy được đưa về nhà sớm hơn, tôi nghĩ kết quả sẽ khác. Warmbier lẽ ra phải được đưa về Mỹ từ trước đó", Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục ngày 20/6.
Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định việc Otto Warmbier không được trả tự do và về Mỹ sớm hơn chính là một "nỗi ô nhục".
Trước nhận định của Tổng thống Trump, ông Ned Price, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, khẳng định chính quyền Obama đã làm mọi cách để giải cứu Warmbier.
"Nỗ lực của chúng tôi đã giúp ít nhất 10 công dân Mỹ được cứu khỏi Triều Tiên dưới thời Obama, rất tiếc Warmbier không nằm trong số đó", ông Price cho biết thêm.
Otto Warmbier qua đời sau 6 ngày được trả tự do. Ảnh: Reuters. |
Trong một diễn biến liên quan, Reuters dẫn lời nhà điều tra Daryl Zornes cho biết văn phòng điều tra Hamilton vẫn đang trao đổi với các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Cincinnati, nơi Otto Warmbier điều trị sau khi về Mỹ.
Ngay sau khi Otto Warmbier qua đời, gia đình cậu từ chối khám nghiệm tử thi và chỉ cho phép các nhà điều tra xem xét sơ bộ thi thể. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xác định nguyên nhân dẫn tới tổn thương hệ thần kinh khiến Warmbier sống trong trạng thái thực vật suốt khoảng thời gian qua.
Gia đình cho biết Warmbier bắt đầu hôn mê từ tháng 3/2016, không lâu sau khi bị kết án lao động khổ sai 15 năm. Ngày 13/6, Bình Nhưỡng trả tự do cho Warmbier "vì lý do nhân đạo".
Cha của Warmbier, ông Fred Warmbier nói rằng con trai ông đã bị chính quyền Triều Tiên tra tấn và khủng bố. Ông cho biết gia đình không tin thông tin từ phía Bình Nhưỡng đưa ra rằng Warmbier hôn mê vì bị "ngộ độc thịt" và được cho uống thuốc ngủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "lên án sự tàn bạo của chế độ Triều Tiên" sau cái chết của Otto Warmbier.