Ba công dân Mỹ vẫn đang bị Triều Tiên giam giữ và số phận của họ luôn là câu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh sinh viên Otto Warmbier qua đời vào ngày 19/6.
Vụ bắt giữ công dân Mỹ gần đây nhất diễn ra vào tháng 5/2017. Người bị bắt là ông Kim Hak Song (ngoài cùng bên trái). Ông làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng. Ảnh: BBC.
Triều Tiên cho biết ông Kim Hak Song có hành động thù địch chống lại nước này. Ông Kim chưa xuất hiện kể từ khi bị bắt. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng thành lập năm 2010, là nơi học tập và rèn luyện của con cái các thành phần ưu tú ở Triều Tiên. Trường có một số giảng viên người Mỹ tham gia vào quá trình đào tạo. Ảnh: North Korean Tech.
Trước đó vài ngày, Bình Nhưỡng bắt giữ ông Kim Sang Duk với cáo buộc "hành động tội phạm thù địch nhằm lật đổ đất nước". Ông Kim khoảng 50 tuổi, tham gia các chương trình viện trợ và đến Triều Tiên để thảo luận về vấn đề này. Ông từng là giáo sư tại Đại học Yanbian, Trung Quốc và cũng từng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng. Ảnh: Facebook.
Ông Kim bị bắt tại sân bay Bình Nhưỡng, ngay trước khi định rời Triều Tiên. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo liên Triều, khi các tàu chiến và tàu sân bay Mỹ tập trung ở khu vực và Triều Tiên khẳng định sẽ thử hạt nhân bất cứ khi nào. Ông Kim Sang Duk chưa xuất hiện trở lại sau khi bị bắt. Ảnh: LA Times.
Công dân Mỹ cuối cùng đang bị Triều Tiên giam giữ là ông Kim Dong Chul. Ông bị bắt hồi tháng 10/2015. Tại tòa, ông thừa nhận đã triển khai hoạt động tình báo theo sự chỉ đạo của Hàn Quốc và xin Triều Tiên tha thứ. Ông bị kết án 10 năm lao động khổ sai. Ảnh: AP.
Khác với những người đang bị giam giữ, ông Kim Dong Chul từng xuất hiện và trả lời phỏng vấn sau khi bị bắt. Ông cho biết mình sinh năm 1953 tại Seoul và đến Mỹ từ năm 19 tuổi. Ông từng thành lập một công ty thương mại ở đặc khu kinh tế Rason tại Triều Tiên vào năm 2008. Ban đầu, ông đối mặt với bản án 15 năm tù, những đã được giảm xuống còn 10 năm do tuổi cao sức yếu. Ảnh: CNN.
Otto Warmbier, sinh viên của đại học Virginia, là người vừa được Triều Tiên phóng thích hôm 13/6. Cậu bị bắt hồi tháng 1/2016 và bị phạt 15 năm lao động khổ sai do đã ăn trộm một tấm áp phích cổ động trong khách sạn. Warmbier về Mỹ trong tình trạng hôn mê. Bình Nhưỡng cho biết cậu bị ngộ độc thịt và bất tỉnh kể từ sau phiên tòa hồi tháng 3/2016. Cậu sinh viên 22 tuổi qua đời ngày 19/6, chỉ 6 ngày sau khi được trả tự do. Ảnh: Newsweek.
Triều Tiên thường bắt giữ công dân Mỹ vì hành động chống lại chính phủ nước này hoặc tìm cách vào Triều Tiên bất hợp pháp. Họ sẽ nhận mức án rất cao và được phóng thích trong thời gian thi hành án. Ảnh: CBC.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - còn gọi là Triều Tiên, Bắc Triều Tiên hay Bắc Hàn - là một quốc gia Đông Á trên phần phía bắc Bán đảo Triều Tiên. Ở phía nam, nước này giáp biên giới với Hàn Quốc, nước từng cùng là một quốc gia duy nhất với quốc hiệu là Triều Tiên cho tới tận năm 1945. Biên giới phía bắc đa phần giáp với Trung Quốc dọc theo sông Áp Lục và Đồ Môn. Bắc Triều Tiên và Liên bang Nga có chung biên giới dài chỉ 18.3 km dọc theo sông Đồ Môn ở góc đông bắc đất nước. Triều Tiên và Hàn Quốc về lý thuyết vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh sau thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27/7/1953.
Ngày 29/2/2016, sinh viên người Mỹ Otto Warmbier đã khóc khi bị bắt và xét xử tại Triều Tiên. Warmbier vừa được về Mỹ ngày 13/6 sau 17 tháng thụ án và đã qua đời ngày 19/6.
Trong hầu hết vụ bắt giữ và giam cầm, Triều Tiên cáo buộc công dân Mỹ làm gián điệp, có hành động thù địch chống lại Bình Nhưỡng và tuyên án nhiều năm lao động khổ sai.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông "lên án sự tàn bạo của chế độ Triều Tiên" sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người được Bình Nhưỡng trả tự do sau 17 tháng bị giam.