Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: Tass. |
Sau cuộc gặp, Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin cho biết: "Hôm nay chúng tôi đã đạt được sự nhất trí về một tuyên bố chung. Tôi phải nói thẳng rằng không phải tất cả nội dung đều đạt được sự đồng ý. Một số điều trong văn bản được các chuyên gia soạn thảo trước đó đã bị loại bỏ", theo Tass.
"Tuy nhiên, về đánh giá chung, tôi đồng ý rằng cuộc họp là hữu ích. Điều đó tạo điều kiện cho các bước tiếp theo nhằm giải quyết tình hình nói chung", ông Putin cho biết.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng khẳng định: “Nga sẽ nỗ lực để đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng".
Tổng thống Putin cũng cảm ơn Tổng thống Aliyev và Thủ tướng Pashinyan đã đồng ý đến Nga và tham gia cuộc thảo luận.
"Như chúng tôi đã nhất trí, chúng tôi sẽ duy trì tiếp xúc, tiếp tục đối thoại và tìm kiếm các giải pháp cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài này", Tổng thống Nga nói.
Tuyên bố chung cho biết Nga sẽ cung cấp "tất cả sự hỗ trợ có thể" trong việc chuẩn bị một "giải pháp được cả hai bên chấp nhận", nhằm hướng đến một hiệp ước hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia, với mục tiêu "đạt được hòa bình bền vững và lâu dài trong khu vực".
“Các nhà lãnh đạo của Azerbaijan và Armenia hoan nghênh việc Nga sẵn sàng tiếp tục đóng góp bằng mọi cách có thể vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia, đảm bảo ổn định và thịnh vượng ở Nam Caucasus”, tuyên bố kết luận.
Trước đó, Tổng thống Putin đã có các cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Vao tháng 9, các cuộc đụng độ đã xảy ra ở biên giới giữa Azerbaijan và Armenia, khiến gần 300 người thiệt mạng, theo Anadolu Agency.
Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng kể từ năm 1991, khi quân đội Armenia chiếm đóng Nagorno-Karabakh, một vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận thuộc Azerbaijan.
Vào năm 2020, trong 44 ngày đụng độ, Azerbaijan đã giải phóng một số thành phố, làng mạc và khu định cư khỏi sự chiếm đóng của Armenia. Cuộc đụng độ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Moscow làm trung gian.