Sau nhiều năm đấu tranh để khẳng định vị thế của Moscow trên trường quốc tế, chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang dần khẳng định vị thế của Nga ở Trung Đông, CNN cho biết. Hôm 15/10, lực lượng quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đã lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở bắc Syria.
Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các đơn vị cảnh sát vũ trang của Nga đang tuần tra trên tuyến đường dọc theo biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn giành toàn quyền kiểm soát thị trấn Manbij và các khu vực lân cận.
Nga đáng tin hơn Mỹ?
Tình hình địa chính trị tại Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng, mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Việc Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria, kết hợp với chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, tạo cơ hội hình thành liên minh với người Kurd vừa bị Mỹ bỏ rơi.
Các sự kiện ở bắc Syria diễn ra sau khi Moscow bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế để ủng hộ Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Điều đó khiến Moscow trở thành lực lượng duy nhất và sẵn sàng bảo vệ người Kurd ở Syria trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin được chào đón nồng nhiệt ở UAE. Ảnh: Khaleej Times. |
Việc Mỹ rút quân và bỏ mặc người Kurd được xem như “một sự phản bội”, thì người Nga lại tạo ra một niềm tin, rằng Moscow là đồng minh đáng tin cậy nhất trong cuộc chiến này.
Cùng lúc với việc quân đội chính phủ Syria liên minh với người Kurd, Tổng thống Vladimir Putin có chuyến công du đến 2 quốc gia quan trọng ở Trung Đông là UAE và Saudi Arabia.
Tại Riyadh, một trong những đồng minh thân cận của Mỹ, Tổng thống Putin được chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến vương quốc này sau hơn 10 năm. Điện Kremlin gọi đó là “chuyến thăm đáp lễ”, sau chuyến công du của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud đến Nga vào năm 2017.
Các quan chức Nga nói trước chuyến công du của Tổng thống Putin, rằng đó là mối quan hệ đối tác tự nhiên. Các nhà xuất khẩu dầu lớn của thế giới cần hợp tác để ổn định thị trường.
Tuy vậy, giới phân tích phương Tây cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Saudi Arabia và UAE không chỉ giới hạn trong các vấn đề về dầu mỏ. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, Quốc vương Salman cho biết ông đánh giá cao vai trò hiệu quả của Nga trong khu vực và trên toàn thế giới.
Tuyên bố của Quốc vương Salman đã nhấn mạnh rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin là “một cuộc đảo chiều ngoại giao” đúng lúc, đặt Moscow vào trung tâm địa chính trị của khu vực.
Lời cảnh báo đối với Mỹ
Những phát biểu đầy tính thiện chí của Quốc vương Salman có thể coi là một lời cảnh báo của vương quốc này đối với Mỹ. Tại Washington, ngày càng có nhiều sự chỉ trích của các nhà lập pháp Mỹ nhằm vào Saudi Arabia, như vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm ngoái.
Tổng thống Putin và Quốc vương Salman của Saudi Arabia trong lễ đón chính thức tại Riyadh ngày 14/10. Ảnh: AP. |
Các chỉ trích dồn về vấn đề sát hại thường dân trong chiến dịch can thiệp quân sự vào nội chiến ở Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu, chống lại phiến quân Houthi. Dù vương quốc này phủ nhận mọi cáo buộc. Quốc hội Mỹ thậm chí đã cố gắng ngăn chặn việc bán vũ khí cho Saudi Arabia.
Trong khi đó, Riyadh là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ. Tất nhiên, Saudi Arabia vẫn là một đồng minh trung thành của Mỹ. Thực tế, trong vài tháng qua, Mỹ đã tuyên bố triển khai thêm 3.000 binh sĩ tới Saudi Arabia để tăng cường phòng thủ, trong bối cảnh căng thẳng với Iran.
Tuy vậy, sự chỉ trích của các nhà lập pháp Mỹ, những quan ngại về cam kết ngoại giao của Washington đối với khu vực, đã thúc đẩy Saudi Arabia tìm kiếm người bạn đáng tin cậy và ít phán xét hơn.
“Những ngày tháng của một đối tác chiến lược duy nhất đối với vương quốc đã biến mất”, một quan chức cấp cao của Saudi Arabia nói với CNN. Cũng giống như ở miền bắc Syria, Nga đã sẵn sàng để bước vào.