Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: Getty |
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABS-CBN,
Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói trong khi Trung Quốc đề nghị cùng khai thác Biển Đông, nước này lại tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển.
Ông bác bỏ khả năng tiến hành thương lượng song phương và nói mọi cuộc đàm phán phải có mặt tất cả các nước và vùng lãnh thổ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan.
Trong bài phát biểu, ông Aquino cũng ca ngợi dự luật an ninh mới của Nhật Bản cho phép quân đội nước này chiến đấu ở nước ngoài.
Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: anc.org.au |
Trước đó, ngày 22/9, tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã nói các hành động lấn biển và xây công trình lớn trên các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc “đang đi quá giới hạn” của cách cư xử thông thường có thể chấp nhận được.
Ngay sau đó, Trung Quốc lên tiếng về vấn đề này. “Chúng tôi hi vọng Australia sẽ tiếp tục nguyên tắc không đứng về bên nào trong các vấn đề tranh chấp liên quan tới chủ quyền”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ở Bắc Kinh ngày 24/9.
Ông Hồng nói tình hình ở Biển Đông hiện nhìn chung là ổn định và Bắc Kinh muốn đàm phán song phương với các quốc gia có tranh chấp, cũng như hợp tác với ASEAN để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông Turnbull nói các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là một trong nhiều chính sách đối ngoại phản tác dụng của cường quốc châu Á này.
“Việc xây dựng (của Trung Quốc) trên các đảo và hoạt động ở Biển Đông chỉ càng khiến các nước nhỏ trong khu vực trông đợi ở Mỹ nhiều hơn bao giờ hết”, ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã lên tiếng ủng hộ những bình luận của ông Turnbull.
“Đó là những nhận xét rất đáng lưu ý, tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét đó”, bà Payne nói ngày 23/9.
Một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 8 nói Trung Quốc đã lấn gần 12 km2 đất ở Biển Đông trong không đầy hai năm qua, kèm theo nhiều công trình hạng nặng được xây dựng cấp tập.