Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các nước Biển Đông có thể gánh hậu quả từ bất ổn Trung Quốc

Đây là quan điểm của ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Học viện Ngoại giao, trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn về chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc.

Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược HV Ngoại giao. Ảnh: Hồng Duy

- Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức như thị trường chứng khoán lao dốc, đồng Nhân dân tệ phá giá.... Theo ông, chủ tịch Trung Quốc kỳ vọng những gì ở chuyến thăm Mỹ này?

- Theo dự kiến, hai bên Mỹ - Trung sẽ bàn về 4 nhóm vấn đề chính gồm địa chính trị và chiến lược, trong đó có những điểm quan trọng như vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như an ninh mạng. Về vấn đề hợp tác, hai bên sẽ bàn thảo về hợp tác song phương trong đó nhấn mạnh chống khủng bố, biến đổi khí hậu toàn cầu. Về chính trị, hai bên bàn thảo để hướng tới xây dựng quan hệ đối tác kiểu mới. Về kinh tế, việc ông Tập chọn thành phố Seattle, nơi nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ đặt trụ sở, là điểm dừng chân đầu tiên cho thấy mong muốn của phía Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thông qua chuyến đi và giao thiệp đôi bên để từng bước xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa một bên là siêu cường đang nổi và một bên là siêu cường đã khẳng định vị thế trong 70 năm qua nhằm tránh các mâu thuẫn, xung đột dẫn tới nguy cơ chiến tranh. Theo tôi, đây là mục tiêu lớn nhất của ông Tập.

- Trung Quốc coi chuyến thăm Mỹ của ông Tập là cơ hội làm nổi bật vị thế quốc gia duy nhất cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Cạnh tranh ảnh hưởng là khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ Trung - Mỹ nhưng không phải duy nhất. Quan hệ giữa hai nước này là mối quan hệ phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế hiện đại ngày nay. Dù cạnh tranh ảnh hưởng nhưng hai bên vẫn có lợi ích rất lớn trên phương diện kinh tế, hợp tác giáo dục, khoa học, quốc phòng.

Nhân chuyến đi này, ông Tập Cận Bình có thể mở rộng bàn thảo về các vấn đề liên quan, trong đó có việc định hình mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới. Đây là khía cạnh rất quan trọng trong cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.

- Một số chuyên gia cho rằng khủng hoảng trên thị trường chứng khoán cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu yếu hơn và dễ tổn thương sau thời gian dài tăng trưởng mạnh mẽ nhưng nóng. Vấn đề nội tại có khiến Bắc Kinh nhún nhường tại Biển Đông?

- Ngoài vấn đề kinh tế, Trung Quốc cũng đang đương đầu với nhiều vấn đề trong nội tại như bất ổn Tân Cương, các sự kiện gần đây ở Hong Kong hay chính sách chống tham nhũng gặp nhiều trở ngại. Chúng sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới chính sách đối ngoại nhưng chúng ta cần theo dõi thêm để biết rõ tác động của nó.

Tuy nhiên, nếu bất ổn nội tại quá phức tạp, Trung Quốc có khả năng đẩy mâu thuẫn ra ngoài và các nước xung quanh, đặc biệt là các quốc gia ở Biển Đông, có thể phải gánh chịu hậu quả. Theo quan điểm của tôi, một mặt, khó khăn nội tại sẽ làm giảm sự hung hăng của Trung Quốc nhưng ở thái cực ngược lại, nó sẽ ảnh hưởng tới cục diện khu vực khi Bắc Kinh tìm cách đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài. 

Ông Obama và Tập Cận Bình gặp nhau tại Sunnylands, California, năm 2013. Ảnh: Getty

- Tổng thống Obama quan tâm những gì trong cuộc gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc?

- Nếu đứng từ góc nhìn của Mỹ, Washington sẽ quan tâm tới những vấn đề liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia. Qua theo dõi của chúng tôi, mối quan tâm nhất của Mỹ hiện nay là về vấn đề tin tặc.

Trong thời gian qua, tin tặc liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và công nghệ quốc phòng của Mỹ. Thậm chí, tin tặc còn đánh cắp hồ sơ cá nhân của 22 triệu viên chức thuộc Văn phòng Quản lý Nhân sự. Ông Daniel R. Russel, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á, còn lo sợ tin tặc Trung Quốc nắm giữ thông tin về hệ thống cấp nước và lưới điện quốc gia, có thể tạo ra cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ khi nó bị can thiệp.

Phía Mỹ cũng bày tỏ quan ngại khi Trung Quốc thực thi chiến dịch “săn cáo” - cử mật vụ vào Mỹ để bắt các nhân vật bị buộc tội tham nhũng đang chạy trốn. Washington nhiều lần cảnh báo động thái này vi phạm luật pháp Mỹ và 2 bên cần có giải pháp thỏa hiệp cho vấn đề này.

Ngoài ra, cuộc gặp nhiều khả năng là lần cuối cùng ông Obama hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên cương vị tổng thống Mỹ nên phía Washington sẽ không ngần ngại tranh thủ cơ hội để thúc đẩy lợi ích trong quan hệ Mỹ - Trung.

Gần đây, trong nội bộ Mỹ có nhiều quan điểm yêu cầu Tổng thống Obama có những hành động cứng rắn với Trung Quốc ở biển Đông, biển Hoa Đông cũng như vấn đề Triều Tiên và đặc biệt là sự vi phạm dân chủ, nhân quyền thông qua việc xiết chặt kiểm duyệt Internet của Trung Quốc. Chúng tôi dự đoán những vấn đề này sẽ được Mỹ gây sức ép lên phía Trung Quốc trong chuyến công du của ông Tập.

- Ông đánh giá thế nào về quan điểm cho rằng kinh tế là chiến trường không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc?

- Từ góc độ kinh tế, quan hệ giữa hai nước này là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dù hai phía cạnh tranh gay gắt và có những va chạm. Tuy nhiên, đây cũng là điều tương đối bình thường. Nếu nói kinh tế là chiến trường không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc thì cũng đúng nhưng hơi quá. Ngoài ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những siêu cường nên mọi động thái đều có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Từ một khía cạnh khác, người Mỹ được hưởng lợi nhiều từ hợp tác kinh tế với Trung Quốc dù sự cạnh tranh từ quốc gia đông dân nhất thế giới làm giảm cơ hội việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc áp dụng chính sách quản lý đồng tiền dẫn tới quyết định phá giá đồng nhân dân tệ trong thời gian qua gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới Mỹ. Kinh tế trở thành trọng tâm trong cuộc gặp sắp tới và đôi bên sẽ tranh luận có phần gay gắt về vấn đề này.

- Tờ Duowei có trụ sở ở Mỹ cho rằng Washington đang quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng những vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại quá chăm chú với đại cục và những kế hoạch dài hạn. Bởi vậy, hai bên khó có thể gặp nhau và có chung tiếng nói. Trong khi đó, giới phân tích “không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp lần này”. Ông nhận định thế nào về kết quả chuyến thăm?

- Đây là quan điểm chính xác. Thời gian dành cho Tổng thống Obama không còn nhiều khi những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ thứ 2 sắp trôi qua. Trong khi đó, phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh vào quan hệ dài hạn và họ muốn dùng các biện pháp dài hạn nhằm hạn chế sức ép trước mắt.

Tôi cho rằng trong chuyến đi này, mối quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ mà Trung Quốc ấp ủ khó có thể hình thành. Đôi bên cũng khó đạt được đột phá trên lĩnh vực an ninh mạng, dân chủ nhân quyền hay cả vấn đề Biển Đông.

Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ thể hiện thiện chí và đạt được thỏa thuận nào đó để giải tỏa khó khăn và để dư luận trong nước và thế giới thấy được sự ổn định trong mối quan hệ giữa 2 siêu cường. Nó cũng giúp Mỹ và Trung Quốc chứng tỏ khả năng kiểm soát được mối quan hệ để nó không ảnh hưởng tới chính trị nội bộ của đôi bên. Cả Bắc Kinh và Washington đều còn rất nhiều việc phải làm sau đó.

4 vấn đề chờ giải quyết khi chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ

Tổng thống Mỹ muốn Bắc Kinh ngừng xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông trong khi chủ tịch Trung Quốc muốn Mỹ dẫn độ hàng trăm nhân vật bị buộc tội tham nhũng.

Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm