Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh tháng 11/2014. Ảnh: Reuters |
Ngày 22/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thành phố Seattle, bang Washington, bắt đầu chuyến công du Mỹ. Người ta kỳ vọng huyến thăm Mỹ của ông Tập sẽ giúp giải quyết nhiều bất đồng giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn Bắc Kinh ngừng xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông hay muốn Bắc Kinh có trách nhiệm đối với các vụ tin tặc nhằm vào tập đoàn và cơ quan của Mỹ cùng vấn đề đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó Chủ tịch Tập cận Bình muốn Mỹ dẫn độ hàng trăm tội phạm kinh tế đang ẩn náu tại Mỹ và muốn Washington không can thiệp vào cái gọi là công việc nội bộ của Trung Quốc ở châu Á, CNN đưa tin.
An ninh mạng
Tin tặc Trung Quốc là vấn đề vô cùng nan giải đối với Mỹ. Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ cũng trở thành nạn nhân của tin tặc Trung Quốc với hơn 20 triệu hồ sơ cá nhân của các quan chức chính phủ Mỹ bị đánh cắp. Washington cũng cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp công nghệ tàng hình dành cho chiến đấu cơ cùng các bí mật thương mại khác.
Dù Trung Quốc liên tục phủ nhận các cáo buộc sử dụng tin tặc tấn công Mỹ nhưng rõ ràng, sự kiên nhẫn của Tổng thống Obama ngày càng ít đi. Trong phát biểu tuần trước, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: “Vấn đề tin tặc đã đi tới ngưỡng có thể đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Chúng tôi muốn người Trung Quốc biết rõ rằng những việc đang diễn ra khó có thể chấp nhận được. Chúng tôi có thể đáp trả và tôi đảm bảo chúng tôi sẽ chiến thắng”.
Dẫn độ quan chức tham nhũng
Bắc Kinh và Washington không ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm nhưng phía Trung Quốc muốn Mỹ hồi hương những nhân vật bị truy nã vì tham nhũng, những người tìm cách chạy trốn tới Mỹ khi nhận thấy nguy cơ bị buộc tội ở quê nhà. Một trong số đó là doanh nhân Lệnh Hoàn Thành, em trai của Lệnh Kế Hoạch - cựu quan chức Trung Quốc bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hôm 18/9, Trung Quốc công bố Lệnh Hoàn Thành đã được đưa về nước sau 14 năm trốn chạy tại Mỹ. Nhân vật này bị cáo buộc tham nhũng và hối lộ. Vụ trao trả diễn ra không lâu trước khi chủ tịch Trung Quốc lên đường tới Mỹ.
Sở hữu trí tuệ
Các doanh nhân Mỹ thường không muốn làm việc với Trung Quốc vì lo sợ các bí mật thương mại sẽ bị đánh cắp. Nó làm mất đi nhiều cơ hội hợp tác giữa nền kinh tế lớn thứ 2 với phần còn lại của thế giới. Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ (ACC) tại Trung Quốc cho biết, luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn lỏng lẻo khiến 80% doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc tỏ ra lo lắng.
Các công ty công nghệ Mỹ đặc biệt quan ngại khi luật mới yêu cầu họ phải đặt cơ sở dữ liệu bên trong lãnh thổ Trung Quốc và nhà chức trách được phép can thiệp trong trường hợp cần thiết.
Kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 nên cả thế giới đều mong một Trung Quốc khỏe mạnh. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lao dốc tới 40% từ tháng 6 và các dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại nhiều hơn so với kế hoạch là 2 thách thức lớn với Bắc Kinh.
Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nhiều nhà phân tích lo ngại Bắc Kinh có thể bán ra số lượng lớn trái phiếu Mỹ vì kinh tế hụt hơi. Tuy nhiên, Mỹ không phải quốc gia duy nhất chịu thiệt hại. Nếu nền kinh tế Trung Quốc “trượt chân”, các nước láng giềng châu Á sẽ chịu tác động nặng nề nhất.
Những vấn đề với nền kinh tế Trung Quốc cũng khiến Canada và Brasil lâm vào suy thoái trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tuột dốc vào cuối tháng 8. Nó đặt nhiều áp lực lên vai ông Tập nhằm đảm bảo Bắc Kinh sớm kiểm soát được nền kinh tế.