Tổng thống Pháp giữa vòng vây bảo vệ tại hiện trường vụ nổ Beirut
Thứ sáu, 7/8/2020 18:00 (GMT+7)
18:00 7/8/2020
Tổng thống Pháp gây ấn tượng mạnh khi đến hiện trường vụ nổ ở Beirut, trong lúc một số người đặt câu hỏi về việc Pháp vẫn bán vũ khí cho nước đã "vài lần ném bom Lebanon".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/8 trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trực tiếp có mặt hiện trường vụ nổ ở Beirut. Ông đã đến Gemmayzeh, một trong những khu vực chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất tại thủ đô Lebanon.
Ông được tháp tùng bởi lực lượng an ninh dày đặc trong khi đám đông đổ ra những con đường còn ngổn ngang gạch đá để tận mắt nhìn thấy nhà lãnh đạo Pháp.
Cởi áo khoác, khẩu trang cũng đôi lúc tháo xuống, ông Macron vẫy tay chào người dân Lebanon, những người đang mang trong lòng sự tức giận đan xen với nỗi đau buồn vì thảm kịch xảy ra hôm 4/8.
Vụ nổ được cho là nghiêm trọng nhất lịch sử Lebanon đến nay đã khiến ít nhất 157 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.
Người dân, vốn đã gặp nhiều khó khăn vì kinh tế suy thoái và bất mãn vì tình trạng tham nhũng của quan chức, nay càng mạnh mẽ đòi hỏi sự thay đổi. Vây quanh ông Macron, họ hô vang những câu khẩu hiệu như "cách mạng", "người dân muốn lật đổ chính phủ".
Khi một người dân nói với tổng thống Pháp rằng "ông đang ngồi với bọn quân phiệt", ông Macron đáp: "Tôi ở đây không phải để giúp họ. Tôi ở đây để giúp các bạn".
Chưa có lãnh đạo chính trị hàng đầu nào tại Lebanon đến thăm các khu dân cư sau vụ nổ, dù Tổng thống Michel Aoun và một số người khác có đến thăm cảng. Dù vậy, Tổng thống Macron không phải không đối mặt với những chỉ trích về việc "xa cách người dân" từ trong chính nước ông. Năm 2019, ông Macron cũng đối mặt với những tháng dài phong trào biểu tình "Áo Vàng" lan khắp nước phản đối các chính sách được cho là làm lợi cho người giàu nhưng đẩy người nghèo đến khốn cùng.
Theo RT, cũng không phải mọi người đều ấn tượng trước hình ảnh ông Macron thể hiện trong chuyến đi Lebanon. Nhiều người chỉ ra rằng Pháp vẫn gần gũi với Israel và bán vũ khí cho nước này, trong khi Israel là nước đã trải qua cuộc chiến đẫm máu với Lebanon vào năm 2006.
Trong dòng "tweet" của ông Macron về Lebanon trên Twitter, một số người đã chỉ ra rằng sự ưu ái nhóm thiểu số theo Cơ Đốc giáo so với số đông người dân theo Hồi giáo trong thời gian Pháp đô hộ Lebanon đã khoét sâu thêm sự chia rẽ tại nước này.
Sự tức giận đối với tầng lớp nắm quyền tại Lebanon đã tăng lên từ mùa thu năm ngoái, khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Beirut và các thành phố khác kêu gọi giải tán chính phủ vì quản lý yếu kém và tham nhũng trong nhiều năm.
Đích thân Tổng thống Michel Aoun đã đón ông Macron tại sân bay. Sau cuộc gặp với các lãnh đạo Lebanon, tổng thống Pháp tuyên bố ông sẽ tổ chức một hội nghị sau vài ngày nữa với các nước châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông... để quyên góp tiền lo thực phẩm, thuốc men, chỗ ở và các khoản hỗ trợ khẩn cấp khác.
Chủ tịch Azerbaijan Airlines khen ngợi lòng dũng cảm của hai phi công trên chuyến bay J2-8243 gặp nạn tại Kazakhstan, cho rằng điều này giúp gần nửa số hành khách sống sót.
Giới chức Hải quân Trung Quốc cho hay tàu đổ bộ Type 076 sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi Hải quân và nâng cao khả năng chiến đấu trên các vùng biển xa.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc ngày 27/12 bỏ phiếu luận tội Thủ tướng lâm thời Han Duck Soo, khiến cuộc khủng hoảng chính trị của nước này trở nên trầm trọng hơn.