Xuất hiện với gương mặt tươi cười, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết ông tới Việt Nam ngày 9/5 và có các cuộc gặp với nhiều bộ, ban, ngành của Việt Nam. Sau cuộc họp báo, ông Russel sẽ tiếp tục làm việc với nhà chức trách Việt Nam về các vấn đề song phương và đa phương.
Trọng tâm của tổng thống Mỹ khi tới Việt Nam
Trong cuộc họp báo bàn tròn sáng nay, vị quan chức Mỹ chia sẻ với các phóng viên Việt Nam cũng như quốc tế những "thông tin của người trong cuộc" về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Barack Obama.
Ông Russel cho biết không thể cung cấp các thông tin chi tiết về chuyến công du của Tổng thống Obama nhưng sẽ chia sẻ dựa vào nhiều năm công hiến cho Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Daniel Russel trong cuộc họp báo tại Hà Nội sáng 10/5. Ảnh: Hồng Duy |
“Nguyên tắc chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam bao gồm các nội dung về quá khứ, hiện tại, tương lai. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc để vượt qua quá khứ khó khăn, trong đó có những vấn đề do chiến tranh để lại. Đôi bên sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các chương trình hoạt động Việt – Mỹ, hợp tác để giải quyết những thách thức ngày càng khó khăn ở khu vực và toàn cầu”, ông Russel nhấn mạnh.
Phía Mỹ nhận định rằng vốn quý nhất của Việt Nam là giới trẻ. Vì vậy, đầu tư cho giới trẻ cũng như đầu tư cho tương lai chung của 2 nước, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là một trong những mục tiêu lâu dài của Mỹ, ông Russel nói.
Tổng thống Obama từng đón tiếp Chủ tịch nước, Tổng bí thư và Thủ tướng Việt Nam tới Mỹ và ông rất mong đợi tới Hà Nội để tiếp tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông Russel cũng đề cập tới 5 lĩnh vực quan trọng mà tổng thống Mỹ sẽ đề cập với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm cuối tháng 5.
Thứ nhất, Mỹ nhấn vào quan hệ song phương với Việt Nam cũng như tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước. Phía Mỹ nhận thức rõ Việt Nam là thành tố quan trọng trong nỗ lực tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên sáng lập TPP, hiệp định có lợi cho không chỉ các nước thành viên mà cả thế giới.
Ngoài ra, Mỹ cũng tăng cường hợp tác và giao lưu nhân dân giữa 2 nước. Tổng thống Obama sẽ thảo luận cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam để tìm giải pháp ứng phó với hàng loạt thách thức trong khu vực và toàn cầu, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và nguyên tắc chung, giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông.
"Ngoại trưởng John Kerry đã thảo luận kỹ về vấn đề Biển Đông với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, tôi cũng đã thảo luận với các quan chức khác. Tôi tin rằng ông Obama và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục bàn thảo về vấn đề này", ông Russel nói.
Hai bên cũng nỗ lực giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại bao gồm rà phá bom mìn và quy tập hài cốt lính Mỹ mất tích hay xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Cuối cùng, Mỹ muốn tiếp tục thảo luận, mở rộng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, cải cách pháp luật.
Xung quanh lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, ông Russel khẳng định chưa có quyết định như vậy. Tuy nhiên, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương khẳng định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được chính quyền Mỹ xem xét định kỳ.
“Chúng ta cần nhớ rằng, năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp cận các vũ khí phục vụ khả năng phòng vệ và tăng cường bảo vệ bờ biển. Nó là nhu cầu chính đáng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm cho thấy mối quan hệ chiến lược về an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đang ngày càng lớn mạnh”, ông Russel nói.
Hành động của chính phủ tương lai
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên quan tâm tới chính sách và hành động của chính quyền sắp hình thành của Mỹ đối với những vấn đề trong khu vực. Sự quan tâm lớn về chính phủ tương lai khiến trợ lý ngoại trưởng Mỹ phải nhắc lại Tổng thống Obama vẫn nắm quyền chèo lái nước Mỹ tới tháng 1/2016.
Ông Daniel Russel tươi cười khi bước vào phòng họp báo. Ảnh: Hồng Duy |
“Tôi không thể nói những gì mà chính quyền mới của Mỹ sẽ làm vì nó chưa được định hình. Tuy nhiên, tôi có thể nói về 2 điều là chính sách của chính quyền Tổng thống Obama cũng như lợi ích quốc gia của Mỹ”, ông Russel nhấn mạnh trước câu hỏi của phóng viên quanh nhận định chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama không còn nhiều ý nghĩa vì ông sắp mãn nhiệm cũng như nghi ngại chính phủ mới của Mỹ có thể thay đổi chính sách với Việt Nam.
Theo ông Russel, chính sách của Mỹ là tăng cường ủng hộ xây dựng đối tác toàn diện với Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, chính trị....
“Là một viên chức chuyên nghiệp, tôi nhiều lần trải qua quá trình thay đổi lãnh đạo ở Mỹ. Tuy nhiên, mọi tổng thống mới đều ủng hộ chính sách thúc đẩy nguyên tắc và lợi ích của Mỹ trong đối ngoại”, ông Russel chia sẻ quan điểm về chính sách của Nhà Trắng trong tương lai.
Thế giới quan ngại về Biển Đông
Theo ông Russel, tình hình Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn là vấn đề lớn của cả thế giới.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh nhiều nước bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng.
“Hai ngày trước, tôi có mặt tại Lào cùng các phái đoàn cấp cao các nước để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Hầu như các bên đều bày tỏ quan ngại về Biển Đông. Các quan chức cấp cao cho rằng các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền của mỗi nước theo luật”, ông Russel chia sẻ.
Mỹ không đứng về bên nào trong tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà thiên về luật pháp quốc tế. Là quốc gia hùng mạnh, Mỹ đảm bảo thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở mọi khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép. Tuy nhiên, Washington sẽ không thỏa mãn nếu các nước nhỏ không được hưởng các quyền như Mỹ, ông Russel nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ khiến Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, gây khó khăn cho các nước trong khu vực, ông Russel cho rằng các hoạt động của Hải quân Mỹ thể hiện quyền của họ theo luật pháp quốc tế, các quyền mà Mỹ muốn dành cho cả thế giới.
“Nếu Hải quân Mỹ, lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, không đảm bảo được các quyền này, những nước yếu hơn khó có thể hiện thực nó. Nếu chiến hạm Mỹ không thực hiện được việc đảm bảo các quyền lợi chính đáng, tàu hàng và tàu cá khó có thể đi qua mà không bị lực lượng hùng mạnh khác ngăn cản”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhận định.
Ông Russel tiếp tục nhắc lại cam kết của Mỹ khi không đứng về bên nào trong chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ không muốn chiếm đoạt thứ gì từ bất cứ ai. Washington chỉ đảm bảo các quyền theo quy định của luật pháp quốc tế không bị xâm phạm.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Tuần tra đảm bảo tự do hàng hải không phải hoạt động khiêu khích. Nó diễn ra nhằm thể hiện các quyền quốc tế”.