Gói viện trợ này là tia hy vọng giúp châu Âu vực dậy sau đại dịch Covid-19, theo AP. Các nhà lãnh đạo khối đã tranh cãi quyết liệt.
"Đã có những khoảnh khắc cực kỳ căng thẳng. Và sắp tới chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Nhưng về nội dung, mọi thứ đang tiến triển", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Ông thậm chí đã đập bàn trong bữa tối làm việc và nhấn mạnh việc duy trì hợp tác với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nếu không có sự hợp tác giữa Pháp và Đức, EU chưa bao giờ có thể thực hiện được các bước tiến quan trọng.
"Một tình huống phi thường đòi hỏi những nỗ lực phi thường", bà Merkel nói tại cuộc họp. Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến kết thúc vào ngày 18/7 nhưng kéo dài cho tới nay do bất đồng quan điểm giữa 27 nhà lãnh đạo.
Thủ tướng Merkel tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hôm 20/7. Ảnh: AP. |
Nhìn chung, tinh thần của hội nghị đã được cải thiện kể từ khi căng thẳng leo thang nhất hôm 19/7. "'Chắc là hết rồi', đó là những gì tôi nghĩ đêm qua. Mọi thứ giờ trông có vẻ tích cực hơn", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói.
Các nước bị chỉ trích vì phản đối gói ngân sách này gồm có Hà Lan, Áo, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch - các nước yêu cầu phải có ràng buộc chặt chẽ hơn cho các khoản viện trợ. Ông Rutte bị Pháp, Italy và Hungary chỉ trích.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề xuất cung cấp khoản tiền 750 tỷ euro (hơn 855 tỷ USD) để cho vay và trợ cấp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Khoản tiền này được thêm vào ngân sách trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD trong 7 năm mà các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận trong nhiều tháng nay.