Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Biden: Bảo vệ châu Âu là ‘nghĩa vụ thiêng liêng’

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố bảo vệ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, và Canada là “nghĩa vụ thiêng liêng” với Mỹ, đánh dấu bước ngoặt rõ rệt so với người tiền nhiệm về vấn đề NATO.

“Điều khoản số 5 là nghĩa vụ thiêng liêng. Tôi muốn toàn châu Âu biết về sự cam kết của Mỹ, Mỹ đang ở đây”, ông Biden nói ngày 14/6 sau khi đặt chân tới Brussels, Bỉ để gặp mặt các nhà lãnh đạo NATO, Reuters đưa tin.

Điều khoản số 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quy định hành động tấn công vũ trang vào một thành viên liên minh sẽ là cuộc tấn công vào toàn liên minh.

Tổng thống Biden một lần nữa muốn kêu gọi các đồng minh phương Tây ủng hộ chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, cũng như để thể hiện sự thống nhất trước Nga.

“NATO là tối quan trọng đối với chúng tôi”, ông Biden nói. Ông đang tìm cách khôi phục các mối quan hệ sau khi ông Trump chê bai NATO trong 4 năm qua cùng một số thành viên trong liên minh.

NATO anh 1

Ông Biden trong buổi gặp mặt với NATO tại Brussels, Bỉ vào ngày 14/6. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, NATO lần đầu tiên sẽ nhận định Trung Quốc là rủi ro an ninh đối với liên minh phương Tây, một ngày sau khi tuyên bố của nhóm G7 đề cập đến vấn đề Tân Cương và Đài Loan.

Các lãnh đạo đồng minh lo ngại về hoạt động tích tụ quân đội gần đây sát Ukraine của Nga. Trung Quốc cũng không còn được coi là đối tác thương mại có thiện chí.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, từ khu vực Baltic tới châu Phi, đồng nghĩa với việc NATO cần phải chuẩn bị.

“Trung Quốc đang tiến gần hơn với chúng ta. Chúng ta nhìn thấy họ ở không gian mạng, ở châu Phi, và Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng thiết yếu của chúng ta”, ông Stoltenberg tuyên bố, nói tới các cảng và mạng lưới viễn thông.

“Chúng ta cần phản ứng phối hợp như một liên minh”, ông Stoltenberg tuyên bố.

Các nhà ngoại giao cho biết tuyên bố chung cuối cùng của NATO sẽ không gọi Trung Quốc là đối thủ nhưng sẽ bày tỏ lo ngại trước thách thức “hệ thống” mà quốc gia này tạo ra cho an ninh Đại Tây Dương. Nguyên nhân là Trung Quốc tập trận chung với Nga và gấp rút xây dựng lực lượng hải quân.

Từ khi sau sự kiện Crimea vào năm 2014, NATO đã hiện đại hóa lực lượng phòng vệ. Nhưng khối này gần đây mới bắt đầu nghiêm túc cân nhắc rủi ro tiềm ẩn từ tham vọng của Trung Quốc.

NATO cùng nhất trí rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh xứng đáng nhận được phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết phản ứng này sẽ có đa phương diện.

Khối này nhận thức được quan hệ kinh tế của mình với Trung Quốc. Chẳng hạn, tổng khối khối lượng giao thương giữa Đức và Trung Quốc vào năm 2020 là hơn 212 tỷ euro, theo số liệu chính thức. Như vậy Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Berlin.

Tổng giá trị trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ của Kho bạc Mỹ đến tháng 3 là 1,1 nghìn tỷ USD. Tổng giá trị giao thương giữa hai nước trong năm 2020 là 559,2 tỷ USD.

Tổng thống Biden tái dựng niềm tin với NATO thời hậu Trump

Khi hội nghị thượng đỉnh NATO bắt đầu ngày 14/6, Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ khôi phục lòng tin ở các nước với Mỹ, sau giai đoạn xung đột giữa hai bên dưới thời ông Trump.

Tổng thư ký NATO kêu gọi cứng rắn hơn với Trung Quốc

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi lãnh đạo các nước trong khối đưa ra chính sách chung cứng rắn với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm