Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học Khoa Ngữ văn khóa 8 (1963 - 1967), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của đất nước, nhưng qua lời bạn cùng học, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nếp sinh hoạt rất bình dị, gần gũi.
Một con người bình dị, khiêm nhường
Nhớ về những năm tháng sinh viên, ông Nguyễn Ngọc Thiện là bạn đồng môn với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhớ lại: “Không chỉ các bạn trong lớp yêu quý, mà đi đến đâu, anh Trọng cũng chiếm được tình cảm của mọi người vì anh ấy hiền lành, thân thiện, hòa đồng.
Tôi còn nhớ rõ, năm thứ tư đại học, chúng tôi có đợt đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp, tôi và anh Trọng cùng một số người được phân về Đội thanh niên xung phong N57 ở Lạng Sơn. Hàng ngày, ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui nên các anh chị em thanh niên xung phong, ai cũng mến”.
Sau một thời gian ra trường, các thành viên trong lớp đã lập gia đình rồi lên chức ông, chức bà, kẻ mất, người còn, mỗi người một hoàn cảnh, số phận, nhưng lớp Văn khóa 8 vẫn thường tổ chức họp lớp đầu xuân. Nếu không quá bận việc, anh Trọng đều tham dự, lần nào bận họp, đến muộn, anh cũng gọi điện báo trước để mọi người không phải chờ đợi.
“Khi đã trở thành Chủ tịch Quốc hội, lớp tôi vẫn cảm nhận được sự thân thiện, khiêm nhường ở anh Trọng. Mỗi lần đến họp lớp, anh đều cho ôtô đỗ ở đầu phố rồi đi bộ đến nơi họp mặt. Chính vì thế mà đã mấy chục năm trôi qua, nhưng giữa anh và chúng tôi chưa bao giờ có khoảng cách” - ông Thiện cho hay.
Trong bức ảnh lớp họp mặt đầu Xuân Canh Dần 2010, ông Trọng giản dị với chiếc áo sơ mi xanh, áo khoác màu xám nhạt: “Lúc chụp ảnh, chúng tôi tha thiết mời anh Trọng lên ngồi ở hàng ghế trên vì khi đó anh ấy đã là người đứng đầu của cơ quan có tiếng nói cao nhất nước, nhưng anh Trọng nhất quyết phải đứng ở hàng sau cùng bạn bè và nói để hàng ghế đó cho những người cao tuổi hơn, là cán sự của lớp ngồi”.
Tốt nghiệp thủ khoa
Không chỉ được quý mến vì tính tình, đức độ, mà bạn bè còn rất nể phục Nguyễn Phú Trọng ở năng lực học tập. Khoa Văn khóa 8 có gần 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau. Ông Trọng khi đó thuộc thế hệ học sinh phổ thông, nhưng được giữ trọng trách là Bí thư Chi đoàn lớp.
Lớp của ông rất đặc biệt - như chính những gì ông đã viết trong cuốn sách về lớp có tựa đề Từ mái trường này xuất bản năm 2003: “Tôi có thể nói ngay rằng lớp tôi là một lớp đặc biệt”. Đặc biệt, bởi lớp ông tập hợp rất nhiều nhân tài, ra trường, ai cũng thành đạt. Và đặc biệt bởi trong một khóa học mà lớp ông đã phải di chuyển chỗ ở, chỗ học đến vài lần.
Trong đó, lần phải sơ tán lên Tràng Dương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1965 là những ngày tháng đã lắng sâu thành kỷ niệm trong mỗi sinh viên. Các sinh viên khi đó phải leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán làm nơi học tập, đồ ăn chỉ có cơm độn ngô, khoai, sắn. Nhưng những năm tháng học tập đầy gian truân ấy cũng không làm nản ý chí, nghị lực của chàng sinh viên Nguyễn Phú Trọng: “Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm đúng như những gì ông đã nói. Cuối khóa học, ông là sinh viên thuộc thế hệ học sinh phổ thông duy nhất đạt tốt nghiệp thủ khoa, luận văn của ông khi đó được các thầy đánh giá loại xuất sắc.
Có tố chất lãnh đạo từ khi còn là sinh viên
Có nhiều thành tích trong học tập và công tác Đoàn, nên ngay từ khi còn học đại học, sinh viên Nguyễn Phú Trọng sớm được đề nghị bồi dưỡng để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông Trịnh Hồ Khoa, bạn đồng môn, lớp trưởng của lớp, cho biết: “Anh Trọng từ khi còn theo học, đã bộc lộ những tố chất của một người có khả năng làm lãnh đạo. Không chỉ học giỏi, mà Trọng còn rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác tập thể.
Bình thường, anh Trọng rất điềm đạm và kiệm lời, nhưng mỗi khi đưa ra ý kiến về vấn đề gì đó lại cực kỳ sắc sảo”. Khi lớp đi sơ tán, Bí thư Chi đoàn Nguyễn Phú Trọng rất biết cách gắn kết các thành viên trong lớp, thương yêu, đoàn kết để cùng đương đầu với những khó khăn, vất vả. “Lớp tôi có nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nên làm được điều này là rất khó. Vừa học, chúng tôi vừa giúp đỡ đồng bào công việc đồng áng, sản xuất. Cuối tháng, mỗi sinh viên đều phải đóng góp củi cho nhà bếp... mà nhiệm vụ nào anh Trọng cũng hoàn thành rất tốt.
Chi ủy khi đó đang có chủ trương phát triển Đảng ở thế hệ trẻ, thấy những tính cách, tố chất ấy ở anh Trọng, chúng tôi mừng lắm nên đã quyết định sẽ theo dõi và bồi dưỡng đồng chí Trọng để đưa đồng chí đứng vào hàng ngũ của Đảng” - ông Khoa nói.
Và cuối khóa học, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã vinh dự là một trong hai đoàn viên của lớp chính thức được kết nạp Đảng khi tuổi mới đôi mươi.
“Chính cái thôn quê Lạt Đà, những năm tháng ở Thái Nguyên với sự đùm bọc của nhân dân Tràng Dương và cái nôi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đào tạo nên thế hệ chúng tôi, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay - một con người tài năng, khảng khái, thẳng thắn, dân chủ trong nghị trường nhưng cũng bình dị, đầy nghĩa tình trong cuộc sống” - ông Khoa tâm sự.
--------------------
(*) Tựa gốc bài viết: Một con người bình dị. Đăng trên trang “HOA ĐẸP MIỀN ĐÔNG", ngày 14/4/2021.