Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. Ảnh: NVCC. |
Sách ảnh Bóng gồm 108 ảnh được chọn lọc kỹ càng từ hàng nghìn bức hình chụp trong nhiều năm. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết anh đã “thai nghén” Bóng từ lúc thực hiện cuốn sách ảnh đầu tiên cách đây hơn 10 năm - cuốn Gánh.
Theo anh Gánh và Bóng gần như gặp nhau tại một điểm giao, đó là tôn vinh những điều giản dị, tôn vinh người lao động đường phố - điều mà Trần Thế Phong luôn theo đuổi. Nhưng đương nhiên, Bóng không chỉ dừng ở đối tượng người lao động mà còn mở ra nhiều câu chuyện đời sống khác, cho thấy những lát cắt nhân sinh mà không phải ai cũng đủ tĩnh lặng để nhìn ngắm, lột tả qua ống kính.
“Những hình ảnh mộc mạc, chân chất trong cuộc sống thường nhật vào thời điểm đón nắng sớm mai hay tiễn nắng chiều tà; những bóng đổ sáng - tối, hiện thực - huyền ảo đan xen, đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, cuốn hút tôi theo đuổi, săn tìm những khoảnh khắc bất chợt, rất đời, theo cái chất riêng.
Bóng tạo nên nét độc đáo, tương phản từ các hình bóng đa dạng, để soi rọi lại được chính mình. Bóng tôn thêm vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống bình dị từ những cái bóng lớn của cuộc đời ở các vùng quê trên quê hương đất Việt: An Giang, Sài Gòn, Hà Nội...”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong viết trong cuốn sách.
Nếu đủ duyên theo dõi sự nghiệp của Trần Thế Phong từ ngày đầu, người xem sẽ thấy đâu đó trong các tác phẩm của anh có sự lặp lại, tiếp nối, giống như một sợi dây vô hình liên kết chuỗi những hình ảnh, câu chuyện.
Có thể do “chất” đường phố trong anh quá mạnh nên cuốn sách ảnh nào cũng phảng phất hình bóng quen thuộc, hoặc có khi, là do anh chủ động đặt để trong sách ảnh của mình với hàm ý gợi nhắc, chờ đợi người xem phát hiện. Như trong cuốn Bóng, Trần Thế Phong đưa vào vài bức ảnh cũ từng giới thiệu ở sách ảnh Vượt qua bóng tối hay Chân dung.
Giống những cuốn sách ảnh khác, hành trình để Bóng “chào đời” không dễ dàng. Trần Thế Phong sau khi hình thành ý tưởng đã phải “nuôi” đề tài. Anh liên tục di chuyển giữa Sài Gòn - Hà Nội, Sài Gòn - An Giang cùng một số tỉnh, thành khác để “săn” được ảnh mà bản thân mong muốn.
Sách ảnh Bóng. Ảnh: Q.M. |
Nhớ về quá trình sáng tạo, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nói: “Tôi đi Hà Nội hơn 10 chuyến chỉ đến đúng 2 điểm để chờ đợi khoảnh khắc như mong muốn. Nhưng có những ngày, ngồi đợi từ sáng đến chiều không chụp được vì nhiều lý do khác nhau, đa phần từ ngoại cảnh. Vì công việc cá nhân, tôi phải trở về nhưng nhanh chóng sau đó, tôi lại vác ba lô tiếp tục lên đường. Chủ đề bóng khá khó, đòi hỏi người chụp phải dành nhiều thời gian, công sức, không thể ngày một, ngày hai thành công”.
Với nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, Bóng đơn thuần là cuộc “săn” ánh sáng đầy cảm xúc mà anh theo đuổi. Nhưng sâu xa hơn, Bóng cũng là dịp để anh nhìn lại hành trình đã qua, tự đối thoại với chính mình rằng hơn 33 năm với nhiếp ảnh, anh đã làm được những gì, đã đi đến đâu, gặp những ai...
“Có thể hiểu, Bóng như một lời cảm ơn từ tôi gửi đến những nhân duyên của mình. Có những người tôi chỉ gặp một lần rồi thôi, có những người từ xa lạ lại trở thành bạn bè, người đồng hành cùng tôi trong suốt nhiều năm tháng. Soi bóng chính mình không phải điều gì quá lớn, chỉ là nhìn lại hành trình đã qua để biết trân trọng hơn những vốn liếng mà bản thân được ban tặng trong cuộc đời”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.
Nhân dịp sách Bóng ra mắt, Trần Thế Phong sẽ tổ chức một triển lãm ảnh chọn lựa 69 bức ảnh từ chính cuốn sách này. Triển lãm dự kiến khai mạc chiều ngày 7/4 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.