Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhịp sống TP.HCM thời giãn cách qua ống kính Trần Thế Phong

Trong thời gian giãn cách xã hội ở TP.HCM, Trần Thế Phong đã cùng chiếc máy ảnh cần mẫn ghi lại những hình ảnh giữa đại dịch Covid-19.

NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM chuẩn bị cho ra mắt tập sách ảnh Sài Gòn Covid-19 của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.

Tập sách giới thiệu 101 tác phẩm nhiếp ảnh được chọn lọc từ hơn 2.000 file ảnh do Trần Thế Phong thực hiện trên mọi ngóc ngách của TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội hồi tháng 4.

Sai Gon Covid-19 anh 1

Tập sách ảnh Sài Gòn Covid-19. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Chia sẻ lý do thực hiện bộ ảnh này, Trần Thế Phong nói: Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, suốt hơn 50 năm qua, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một thành phố vốn nhộn nhịp, sầm uất bỗng trở nên vắng lặng, bình yên và âu lo. Một Sài Gòn thật lạ lẫm với tôi và chắc hẳn với mọi người. Đây chính là nhân duyên đẩy đưa tôi thai nghén và ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này”.

Trái ngược với tập sách ảnh Nhịp sng Sài Gòn do Trần Thế Phong xuất bản 2019 là không gian phố xá sầm uất giữa dòng người vội vã, Sài Gòn Covid-19 phản ánh một thành phố năng động - nghĩa tình bỗng dưng trầm lắng.

Đó là những ngày nhìn và lắng nghe sự im lặng đến nao lòng, nhưng cũng mạnh mẽ, nhiều ấm áp và chở che.

Trần Thế Phong cho biết từ tháng 1, anh đã bắt đầu ghi lại cuộc sống TP.HCM thời Covid-19, nhưng đỉnh điểm để anh thực hiện là đợt giãn cách xã hội tháng 4.

Trong 22 ngày giãn cách này, thành phố “vắng lạ” đến không ngờ, Trần Thế Phong đã âm thầm, cần mẫn cùng chiếc máy ảnh, lang thang trên đường phố để ghi lại những hình ảnh quý hiếm giữa đại dịch Covid-19 từ tờ mờ sáng đến tận tối...

Sai Gon Covid-19 anh 2

TP.HCM những ngày giãn cách. Ảnh: Trần Thế Phong.

Bên cạnh thời gian còn lại trong ngày, anh cùng những người bạn đi phát gạo, thức ăn, quà bánh dành cho mảnh đời khó khăn đường phố. Mắt được thấy, tai lắng nghe, trái tim chạm sâu vào cảm xúc đời thường, ống kính của người nghệ sĩ nhiếp ảnh ôm trọn nhiều cảm xúc hơn bao giờ hết.

Hơn nữa, anh bắt gặp được nhiều khoảnh khắc đẹp như phát khẩu trang miễn phí, ATM gạo với khẩu hiệu “Ai thiếu thì nhận ai thừa thì cho”, những bao gạo, gói mì được chuẩn bị trao tặng với dòng chữ “Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”, những hộp cơm giúp bà con san sẻ bớt nhọc nhằn.

Nụ cười và giọt nước mắt không thể giấu đi khi những hoàn cảnh khó khăn kịp thời nhận được hỗ trợ cần thiết. Ấm lòng là cảm giác mà Trần Thế Phong và những người bạn nhận lại như một món quà khi nhìn thấy từng nụ cười, từng ánh mắt cảm ơn và những câu nói động viên lẫn nhau.

Những hình ảnh ấy thể hiện nghĩa tình của người TP.HCM cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn trong đại dịch. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, những tấm lòng thiện nguyện luôn sẵn lòng tương trợ ngay tức khắc. Trong tâm trí mỗi người chúng ta đều hiện lên câu nói: “Tất cả rồi sẽ ổn, hãy cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Sai Gon Covid-19 anh 3

Một số hình ảnh nghĩa tình trong đại dịch Covid-19. Ảnh chụp lại từ sách.

Nhà báo Trần Đức Tuấn nhận xét về tập sách ảnh Sài Gòn Covid-19. Ông cho rằng Trần Thế Phong đã đem đến cho mọi người cơ hội nghìn vàng để chiêm ngưỡng một TP.HCM hoàn toàn khác: Lặng lẽ, êm đềm, quý phái, trầm tư và tráng lệ, trong vắng lặng gần như tuyệt đối.

Sài Gòn Covid-19 cũng làm cho đầu óc vốn hay phân tâm của con người bỗng nhiên tập trung, dồn sức, gần như lần đầu tiên nhìn thấy những kiến trúc tuyệt mỹ, những con đường thơ mộng, những đại lộ cổ thụ trầm mặc, những ánh tà dương huyền bí trên nóc các đền đài.

“Đây không chỉ là một món quà nghệ thuật, êm đềm cho hôm nay, mà còn là một áng tâm thư bằng hình ảnh gửi người đời sau, ưu tư và trân quý”, nhà báo Trần Đức Tuấn nói.

Bộ sách tranh về cách ứng phó đại dịch Covid-19

Bộ sách 6 cuốn gồm những hình ảnh sinh động, câu chuyện giản dị gửi thông điệp về cách ứng phó với dịch bệnh tới thiếu nhi.

Minh Châu - Quỳnh My

Bạn có thể quan tâm