Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhìn lại những khoảnh khắc chống dịch của TP.HCM

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tái hiện quãng thời gian thành phố kiên cường chống dịch qua 155 bức ảnh chân thực, sinh động.

Sau 10 tập sách ảnh: Gánh, Những nẻo đường tuổi thơ, Nhịp sống Sài Gòn… ấn phẩm Sài Gòn Covid-19 (2021) mới lên kệ của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thêm một lần nữa xác lập góc nhìn về TP.HCM căng đầy nhựa sống dù trong tình huống khó khăn, ngặt nghèo hay đứng giữa lằn ranh sinh - tử.

Nếu như ở Sài Gòn Covid-19, Trần Thế Phong ghi nhận những khoảnh khắc phố xá trầm lắng khi phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội vào năm 2020, thì trong tác phẩm lần này, 155 bức ảnh của ông làm thắt tim độc giả, song lại không hề bi lụy.

Cuoc chien chong dich anh 1

Cuốn sách tập hợp 155 bức ảnh về TP.HCM trong đợt bùng dịch lần thứ tư. Ảnh: Quỳnh My.

Bức tranh về tình người và khát vọng sống

Thời điểm lao vào tâm dịch, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong biết rằng bản thân sẽ đối diện nhiều hiểm nguy bất ngờ. Nhưng với lửa nghề và lòng nhiệt thành của một tay máy đường phố, muốn chứng kiến giây phút mang tính lịch sử của quê hương, ông bắt đầu cuộc dấn thân với tâm thế chủ động.

Trong sách chứa 155 bức ảnh, được chọn lọc từ hơn 6.000 bức ảnh do ông chụp trong suốt 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 11/2021) bằng tất cả tâm huyết, tình yêu thương của một người con sinh ra tại thành phố mang tên Bác.

Đó là những bức ảnh chất chứa khát vọng sống, tình yêu thương và sự chung sức, đồng lòng của đồng bào cả nước dành cho TP.HCM; qua đó mang đến niềm tin rằng thành phố này rồi sớm mai “sẽ sum vầy”, “không có dây, phố thưa lại đầy” và “sẽ tái sinh rạng ngời”.

Cuốn sách cũng cho thấy nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã hòa mình để chứng kiến và ghi lại các hình ảnh thực tế của một thành phố phải chịu đựng những thử thách trong tâm điểm đại dịch Covid-19 năm 2021.

Những ngày tháng đó, các lực lượng tuyến đầu (y, bác sĩ, quân đội, công an, tình nguyện viên…) ở khắp nơi đã thẳng tiến về đây, chung tay, giúp sức, cùng người dân vượt qua đại dịch.

Tác giả kể lại trong cuốn sách của mình: “Tôi đã lặng người… Chưa bao giờ TP.HCM lạ như thế! Chưa bao giờ TP.HCM được yêu thương nhiều đến vậy! TP.HCM sẽ sớm ổn thôi, cho dù đau thương, gian nan đến mấy cũng phải lạc quan để cùng nhau bước qua những ngày tháng nghịch cảnh, biến cố”.

Thông điệp hồi sinh qua ống kính

TP.HCM đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, nhưng ký ức bằng hình ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sẽ trở thành tư liệu lịch sử về đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam.

“Bộ ảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 này sẽ để lại cho thế hệ mai sau một cách nhìn về sức mạnh của tình yêu, nhân loại, đồng chí, bà con, anh em ruột thịt tại TP.HCM. Cuộc chiến thầm lặng thế kỷ không tiếng súng, đạn bom, các thầy thuốc, bác sĩ giành giật mạng sống cho từng con người”, GS.VS Hoàng Quang Thuận chia sẻ.

TP.HCM trải qua năm tháng đau thương nhưng lấp lánh tình thương.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

So với mảnh đất thanh bình, khác lạ trong tập sách ảnh trước đó (Sài Gòn Covid-19), ở cuốn sách này, tác giả ghi lại hành trình thành phố đi qua thương đau với những diễn biến chính của đợt dịch.

Đó là hình ảnh vắng vẻ với những hộp cơm nghĩa tình được bày trên phố; lực lượng y tế, quân đội, tình nguyện viên cùng làm tốt nhất vai trò của mình, để dìu nhau qua giai đoạn khó khăn này.

“Tôi muốn chạm vào cảm xúc của người xem một cách vừa đủ, nghĩa là từng bức ảnh vẫn cho thấy đau thương thật nhưng chúng không quá nặng nề đến mức gây ám ảnh. Dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát và đây là thời điểm gần tròn một năm TP.HCM trải qua năm tháng khốn cùng của đau thương nhưng lấp lánh tình thương. Thành phố và lòng người đang dần hồi sinh, đó là điều may mắn”, tác giả chia sẻ.

Cuốn sách ảnh này không chỉ đơn thuần tập hợp hình ảnh, tái hiện hành trình tác nghiệp đặc biệt của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong; mà còn là thành quả tâm huyết được thể hiện với dụng ý nghệ thuật. Trong đó, một số bức ảnh được đưa về màu đen - trắng, như khoảng nghỉ của thị giác.

Đây cũng là cuốn sách ảnh nhiều chữ nhất của tác giả bởi ông đưa vào đó những chia sẻ của các cá nhân đang công tác tại ngành nghề khác nhau như bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia hay cả cô bé không may có ba mẹ qua đời vì Covid-19...

Nối tiếp thành công từ cuốn sách ảnh Sài Gòn Covid-19, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tiếp tục ra mắt sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) và tổ chức buổi triển lãm ảnh cùng tên tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào ngày 15/4.

Triển lãm kéo dài trong vòng 5 ngày. Đây cũng là triển lãm cá nhân thứ 17 trong sự nghiệp của ông.

Nhiếp ảnh gia Thế Phong từng nhận trên 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật, báo chí trong và ngoài nước. Trong đó, có 13 giải thưởng ảnh báo chí cấp thành phố và quốc gia, 12 giải thưởng xuất sắc quốc gia của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Giải thưởng lớn-Grand-Prix (Nhật Bản), 3 huy chương vàng Trierenberg Super Circuit (Áo), 5 huy chương Asahi Shimbun (Nhật Bản)…

'Sài Gòn ngoan cường' qua sách ảnh của tác giả Nguyễn Á

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa ra mắt sách ảnh "Sài Gòn ngoan cường" về phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM. Đây cũng là cuốn sách ảnh thứ hai của anh về chủ đề này.

Những câu chuyện truyền cảm hứng trong sách ảnh của Nguyễn Á

Những cuốn sách ảnh song ngữ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á là ghi chép chân thực mang hơi thở cuộc sống.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm