Tháng 6 vừa qua, khi số ca mắc Covid-19 liên tiếp tăng tại TP.HCM, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã tình nguyện đi vào những điểm “nóng” để ghi lại khoảnh khắc chân thực của trận chiến này.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, anh cùng bạn đồng hành là chiếc máy ảnh cũng đi khắp các tỉnh, thành để tìm ra nhân vật, câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng cho mọi người.
Hành trình ấy được Nguyễn Á tập hợp, lựa chọn và biên soạn thành hai cuốn sách ảnh song ngữ Sài Gòn ngoan cường và Chúng tôi là Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á trò chuyện với Zing về quá trình thực hiện hai ấn phẩm này cùng kỷ niệm, khó khăn trải qua khi tác nghiệp.
Lựa chọn nhân vật và câu chuyện truyền cảm hứng
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á có thể chia sẻ quá trình thực hiện cuốn “Chúng tôi là Việt Nam” diễn ra như thế nào?
- Tôi thực hiện Chúng tôi là Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Trong quá trình thực hiện ấn phẩm Họ đã sống như thế (nói về những người khuyết tật), Tâm và tài: Họ là ai? (kể về 400 nhân vật xuất sắc ở Việt Nam), tôi đã nảy ra ý định làm riêng một cuốn sách ảnh về những phụ nữ tài ba trên đất Việt.
Điều đáng tiếc là trong khuôn khổ một cuốn sách, tôi không thể đưa quá nhiều nhân vật vào. Còn nhiều nhân vật khác mà tôi đã ghi lại hình ảnh, câu chuyện của họ. Tôi dự kiến ra mắt tập 2 trong một, hai năm tới.
Qua cuốn sách, tôi muốn nhắn nhủ tới độc giả rằng những người phụ nữ không thua kém gì phái mạnh. Họ truyền cảm hứng cho tôi và tôi muốn truyền lại cảm hứng đó cho mọi người.
Tôi đặt tiêu đề Chúng tôi là Việt Nam (We are Việt Nam) chứ không dùng từ “Vietnamese”, vì trong đó có cả những phụ nữ nước ngoài đang cống hiến cho Việt Nam.
Tiêu chí lựa chọn của tôi là những nhân vật phải có cả tâm và tài. Họ giỏi, sự cống hiến cho xã hội âm thầm, không gây điều tiếng.
Trong 125 nhân vật mà tôi chọn đưa vào sách, có những người rất dung dị như cụ bà 101 tuổi mắc Covid-19 đã dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh, nữ huấn luyện viên bơi lội dạy cho các em nhỏ học bơi, hoa hậu H’Hen Nie tham gia chống dịch… Họ đến từ mọi miền trên đất nước.
Sách ảnh Chúng tôi là Việt Nam. Ảnh: Thu Huệ. |
- Cuốn “Sài Gòn ngoan cường” được thực hiện trong thời điểm TP.HCM đang trải qua đợt bùng dịch cao điểm. Anh muốn ghi lại những câu chuyện gì?
- Đây là cuốn sách ảnh thứ 15 tôi thực hiện, đồng thời cũng là cuốn sách ảnh song ngữ thứ hai về chủ đề này. Tôi luôn đề ra mục tiêu là cuốn này phải tốt hơn những sách trước, giá trị thông điệp và chất lượng ảnh phải cao hơn tác phẩm trước. Để làm được điều đó, chủ đề phải hấp dẫn, ý tưởng tạo được sự khác biệt.
Sài Gòn ngoan cường gồm hàng trăm bức ảnh kèm thông tin về thời điểm người dân và các lực lượng đang thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM kể từ tháng 6 vừa qua.
Cuốn sách ghi nhận những câu chuyện bằng hình ảnh về nhiều sự kiện mang tính thời sự như: Thành phố thực hiện xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng phòng dịch, điều trị F0, công tác an sinh xã hội, các lực lượng chuyên biệt trong đại dịch…
Đây là tác phẩm đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, dù nó diễn ra trong thời gian rất ngắn. Tôi biết ơn vì đã có thẻ tác nghiệp và sức khỏe tốt, đảm bảo đủ điều kiện để di chuyển và làm việc trong suốt quá trình.
- Khi thực hiện hai cuốn sách này, anh gặp khó khăn gì?
- Với Chúng tôi là Việt Nam, tôi đã dự định ra mắt vào dịp 20/10 vì cuốn sách nói về những phụ nữ truyền cảm hứng. Nhưng thời điểm ấy, dịch bệnh còn quá căng thẳng, tôi đành gác lại để tiếp tục hành trình tác nghiệp của mình.
Còn với Sài Gòn ngoan cường, điều khiến tôi trăn trở nhất cũng là điều tác động đến cảm xúc nhiều nhất: Khi trực tiếp vào các khu cách ly, điều trị Covid-19, tôi chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh thương tâm phải hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là nhiều ca bệnh nặng hoặc không qua khỏi.
Thời tiết TP.HCM nắng nóng, nhưng ngày nào tôi cũng phải mặc từ hai đến bốn bộ đồ bảo hộ để tác nghiệp tại các bệnh viện, trung tâm hỗ trợ điều trị Covid-19. Mệt mỏi về thể xác là điều không tránh khỏi.
Sách ảnh Sài Gòn ngoan cường. Ảnh: Thu Huệ. |
Mục đích hướng tới cộng đồng
- Động lực nào giúp anh vượt lên khó khăn để hoàn thành những cuốn sách mình tâm huyết?
- Phải thú nhận rằng cảm xúc có ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp. Tôi phải kìm lòng trước nhiều hình ảnh. Thậm chí, có những tấm ảnh tôi chụp được rồi nhưng lại không dám đưa vào sách.
Với tôi, ảnh được chọn đưa vào sách phải chân thực, có chất nghệ thuật, đồng thời lan tỏa được câu chuyện nhân văn, tích cực, chạm tới trái tim độc giả mà không quá bi lụy.
Do đó, tôi chủ trương chọn hình ảnh truyền tải thông điệp tích cực, cảm hứng sống và yêu thương đến độc giả. Mục đích của cuốn sách ảnh là hướng tới cộng đồng.
Điều khiến tôi vượt lên được khó khăn chính là sự đoàn kết, tình người trong đại dịch (đối với cuốn Sài Gòn ngoan cường) và câu chuyện truyền cảm hứng của từng nhân vật (trong Chúng tôi là Việt Nam).
Chẳng hạn, khi thực hiện Sài Gòn ngoan cường, nguy cơ lây nhiễm thường trực. Nhưng khi thấy được từng thùng đồ cứu trợ (từ mớ rau, suất cơm, túi gạo đến thùng mì gói) chuyền tay nhau chợt làm tôi thức tỉnh. Tôi thầm nghĩ sao cuộc đời này lại đẹp đến thế. Khi thực sự yêu mến, cảm kích trước điều gì đó, những bức ảnh ra đời sẽ càng có chất lượng tốt.
Qua sách, ta thấy được người Việt Nam rất yêu thương nhau. Chỉ có sức mạnh của tình đoàn kết mới giúp chúng ta chiến thắng tất cả.
- Tại sao anh lựa chọn sách song ngữ là hình thức để tập hợp những bức ảnh của mình?
- Khoảng 15 năm trở lại đây, gần như năm nào tôi cũng ra mắt một cuốn sách ảnh. Đến nay, tôi đã thực hiện 15 cuốn ở hình thức song ngữ Việt - Anh.
Tôi không chỉ kể câu chuyện truyền cảm hứng và động lực sống của người Việt cho cộng đồng người Việt, mà còn hướng đến giá trị thông tin đối ngoại. Nhiều hình ảnh đẹp của Việt Nam cần được thế giới biết đến và chúng ta có quyền tự hào về điều đó.
Bên cạnh đó, tôi muốn truyền vào những tấm ảnh mang tính nghệ thuật ấy hơi thở của thời sự, chất báo chí, sự chân thật và mục đích hướng tới cộng đồng.