Ông Lê Duy Tùng (71 tuổi), từ 5h đã cùng con trai trang bị mũ chống giọt bắn, khẩu trang đảm bảo an toàn và di chuyển từ nhà đến siêu thị cách đó 3 km. Ông cho biết hôm nay sẽ cố gắng mua thực phẩm đủ dùng cho 2 tuần sắp tới cho gia đình 3 người lớn.
"Không mua nhiều hơn lượng mình cần"
"Hai tuần rồi tôi mới đi siêu thị. Hai vợ chồng cũng lớn tuổi rồi nên chúng tôi cố gắng ra ngoài ít nhất có thể", ông Tùng cho biết.
Ông đánh giá mặc dù siêu thị có rất nhiều người mua sắm nhưng tổ chức khá chu đáo và an toàn. "Nhân viên kiểm soát chặt chẽ lượng người vào, nhắc nhở người dân đảm bảo khoảng cách 2 m và khai báo y tế theo mã QR để tiết kiệm tối đa thời gian", ông nói.
Các hệ thống siêu thị lớn đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào để phục vụ cho nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong ngày 22/8. Ảnh: Chí Hùng. |
Tương tự, chị Như (31 tuổi) sống một mình tại một chung cư ở phường An Phú cho biết mình đã đến xếp hàng trước cửa siêu thị từ 5h30 sáng để mua thực phẩm cho những ngày giãn cách sắp tới. Khi chị đến, đã có hơn 10 người xếp hàng dài chờ sẵn.
"Sống một mình và cũng khá dễ tính trong khoản ăn uống nên lần này tôi đi mua không có tâm lý tích trữ. Thực phẩm chủ yếu lần này tôi muốn mua là các loại củ quả có thể để được lâu từ 1-2 tuần. Rau xanh thì phải ăn nhanh hơn vì rau chỉ để được 3-4 ngày. Tuy nhiên, với những gia đình đông người, đặc biệt là những nhà có trẻ nhỏ thì nhu cầu thực phẩm của họ rất lớn", chị Như nói.
Chị cho biết thêm chung cư và phường nơi chị sống mỗi 3 ngày đều có hỗ trợ thực phẩm miễn phí cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vì vẫn có thể chi trả cho các khoản ăn uống nên chị muốn nhường cơ hội cho người khác.
"Quan trọng là có tiền để mua"
Có mặt tại siêu thị Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) từ 5h30, khi trời còn chưa sáng hẳn, anh Đỗ Văn Châu, nhân viên tại đây, cho biết anh và các đồng nghiệp được giao nhiệm vụ điều phối, hỗ trợ người dân đến mua sắm sớm.
Mega Market An Phú là siêu thị lớn với lượng người mua sắm cao, chủ yếu là người dân tại TP Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 4…
Sau khi mở cửa cho khoảng 50 người đầu tiên và sắp xếp mọi người xếp thành hàng với khoảng cách 2 m giữa mỗi người trước khi siêu thị đón khách vào lúc 6h30, anh Châu cầm chiếc loa phát thanh lớn, liên tục nhắc nhở mọi người tranh thủ khai báo y tế để tiết kiệm thời gian.
Hàng người chờ vào siêu thị kéo dài hơn 100 m. Trong khi đó ở phía ngoài, để đảm bảo giãn cách, siêu thị Mega Market An Phú tạm thời đóng cổng lớn, không tiếp nhận thêm người mua khiến nhiều phương tiện tập trung đông đúc. Nhân viên siêu thị và lực lượng chức năng hỗ trợ liên tục nhắc các xe chưa vào được siêu thị đứng giãn cách và đỗ sát vào lề đường để không ảnh hưởng đến giao thông
Người dân đến xếp hàng dài trước cửa siêu thị Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) từ 6h sáng ngày 22/8. Ảnh: Ngô Minh. |
"Do lượng người mua sắm đông nên nếu khách đi nhóm 2 người trở lên, chúng tôi đều thuyết phục họ chỉ cho 1 người vào siêu thị, tạo cơ hội cho người khác”, anh Châu nói.
Theo nhân viên này, với tình hình người mua sắm đông đúc, lượng người vào siêu thị sẽ được điều phối theo từng lượt và hạn chế số người theo từng khi vực.
Ví dụ, tại lối vào siêu thị, mỗi lượt sẽ có tốp 24 người và không bị giới hạn về thời gian mua sắm. Riêng khu rau và khu thịt được giới hạn khoảng 20-30 người vì đây là lượng thực phẩm nhu cầu lớn, cần kiểm soát số lượng người chặt chẽ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Nhân viên siêu thị cũng khẳng định nguồn thực phẩm đã được chuẩn bị dồi dào, đủ để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong ngày.
Trước đó, tối ngày 21/8, Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn gửi đến các siêu thị đang hoạt động trên địa bàn thành phố về việc huy động thêm nhân viên đến phục vụ người dân. Tuy nhiên, do nguồn khách đến mua hàng quá đông nên cần đến sự hỗ trợ của lực lượng chức năng cho vòng ngoài để đảm bảo giãn cách, không gây ùn ứ.
Là một trong những người có mặt sớm nhất tại siêu thị này, anh Phạm Văn Chọn (44 tuổi) làm nhân viên bảo vệ tại một tòa nhà chung cư gần đó cho biết ông xếp hàng để mua thực phẩm cho gia đình 5 người, gồm 4 người lớn và 1 trẻ nhỏ.
"Siêu thị thì cung cấp đầy đủ nguồn thực phẩm thiết yếu cho người dân, quan trọng là mình có đủ tài chính để mua đồ hay không. Tôi làm bảo vệ với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng nên chỉ mua 200.000-300.000 đồng thôi. Lần đi mua đồ này tôi cũng tính mua một ít thịt, cá và rau, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Tình hình dịch bệnh phức tạp như vậy, tôi chỉ mong bản thân và gia đình không mắc bệnh, nếu khó khăn quá có thể ăn mì tôm, ăn cơm với nước tương", anh Chọn chia sẻ.
Trước đó, ngày 20/8, TP.HCM chính thức thông báo người dân sẽ thực hiện yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" từ 23/8. Theo đó, trong 2 tuần tới, 100% nhu yếu phẩm cho người dân TP.HCM do lực lượng chức năng đảm nhiệm phân phối. Tuy nhiên, nhiều người dân có tâm lý lo lắng vẫn đổ xô đến các điểm mua sắm thu gom thực phẩm dẫn đến tình trạng tập trung đông người, hết hàng cục bộ.