5h30 sáng ngày 22/8, hàng trăm người dân trên địa bàn TP Thủ Đức đã có mặt trước cửa siêu thị Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) để đợi đến giờ mở cửa. Mặc dù 6h30 siêu thị này mới bắt đầu đón khách, nhiều người dân cho biết đã có mặt ở đây từ 4h30 sáng để không phải xếp hàng quá lâu. |
Mười lăm phút trước giờ mở cửa, hàng người chờ đợi ngoài cửa siêu thị tiếp tục nối dài, lên đến cả trăm mét. Các nhân viên siêu thị cầm loa phát thanh liên tục nhắc người mua hàng khai báo y tế thông qua mã QR của siêu thị và đảm bảo giữ khoảng cách 2 m. |
Ở phía ngoài, để đảm bảo giãn cách, siêu thị Mega Market An Phú tạm thời đóng cổng lớn, không tiếp nhận thêm người mua. Hàng chục phương tiện gồm ôtô và xe máy tập trung trước cổng siêu thị. Lúc này, nhân viên và lực lượng chức năng hỗ trợ liên tục nhắc các xe chưa vào được siêu thị đứng giãn cách và đỗ sát vào lề đường để không ảnh hưởng đến giao thông. |
Nhân viên siêu thị Mega Market An Phú cho biết tối ngày 21/8, Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về các phương án phục vụ người dân kịp thời, đảm bảo nguồn thực phẩm dồi dào để người dân có thể yên tâm mua sắm. Lực lượng chức năng trên địa bàn cũng được yêu cầu đến siêu thị hỗ trợ trong công tác điều phối, quản lý an toàn phòng chống dịch. |
Cửa hàng Co.op Food Thủ Thiêm trên đường Lương Định Của lúc 6h30 nhộn nhịp khách. |
6h tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp), rất đông người dân đã xếp hàng chờ. Siêu thị yêu cầu khách hàng phải có phiếu đi chợ do địa phương phát mới được vào cổng. |
Đến 7h siêu thị tiếp tục mở cổng, dòng người ở ngoài đổ xô vào. Lực lượng chức năng yêu cầu lượt khách mới xếp hàng ở bãi giữ xe. |
Bên trong, khoảng hơn 200 người đang đứng chờ đến giờ siêu thị mở cửa. Chị Liên (quận Gò Vấp) cho biết hôm qua đến muộn rất đông người đứng chờ nên phải ra về. Rút kinh nghiệm sáng nay chị đặt báo thức dậy sớm đến siêu thị lúc 5h30. “Tới nơi thì đã rất đông người đứng chờ, hy vọng hôm nay sẽ được vào mua sớm”, chị nói. |
Tại cửa hàng tiện lợi GS25 thuộc chung cư New City (Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) quầy rau quả hầu như trống lúc 6h45. Nhân viên cho biết siêu thị mở cửa từ 6h, với tình trạng đã hết thịt và rau do hàng mới chưa kịp về.Trước đó, ngày 20/8, TP.HCM chính thức thông báo người dân sẽ thực hiện yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" từ 23/8. Theo đó, trong 2 tuần tới, 100% nhu yếu phẩm cho người dân TP.HCM do lực lượng chức năng đảm nhiệm phân phối. Tuy nhiên, nhiều người dân có tâm lý lo lắng vẫn đổ xô đến các điểm mua sắm thu gom thực phẩm dẫn đến tình trạng tập trung đông người, hết hàng cục bộ. |
Ngày 21/8, đại diện Sở Công Thương TP.HCM khẳng định mọi hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Hàng hóa từ các nơi được đưa về TP.HCM như trước đây và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường, có khác chăng là khác phương thức phân phối.
Tại các chợ, nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương thì vẫn mở chợ trong các "vùng xanh", "vùng vàng". Còn "vùng đỏ", "vùng cam" thì hệ thống phân phối, hệ thống siêu thị đang xây dựng kế hoạch để phối hợp với lực lượng chức năng cung ứng cho người dân.
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM cũng cho biết TP.HCM với nhóm thứ nhất, vùng xanh - vàng, người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ thì những người này được tự đi chợ 1 lần mỗi tuần.
Người dân có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ nhận được gói hỗ trợ. Thành phố đã chuẩn bị 2 triệu gói hỗ trợ và nhiều hơn nữa, chuyển xuống quận, huyện, phường, xã, sau đó chuyển trực tiếp đến người dân. Người dân chỉ cần ra lấy phần lương thực, thực phẩm mỗi tuần 1 lần.
Với vùng cam - đỏ, người dân không được đi ra ngoài. Người chưa cần sự giúp đỡ thì ghi phiếu các nhu cầu rồi gửi tiền cho tổ công tác để đi chợ giúp, tần suất là 1 tuần/lần.
Với người có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ nhận được gói hỗ trợ như ở vùng xanh - vàng. Thành phố đã cung cấp cho tất cả phường, xã, thị trấn gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hóa. Các địa bàn thiếu điểm cung cấp hàng hóa thì thành phố sẽ đưa xe lưu động, mang hàng hóa tới để người dân mua.