Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu thị, chợ ở TP.HCM đông người

Sáng 21/8, nhiều người dân TP.HCM vội vã đến các siêu thị, chợ, cửa hàng bách hóa và nhà thuốc để mua đồ tích trữ. Nhiều nơi hết sạch hàng hóa chỉ trong vài giờ.

Nghe tin từ 23/8 sẽ không được ra ngoài, anh Tuấn (quận Phú Nhuận) quyết định dậy rất sớm để đến siêu thị gần nhà mua đồ. "Tôi đến đây từ 4h sáng, nghĩ hôm nay sẽ đông người đến xếp hàng mua nên tôi đi sớm nhưng vẫn phải chờ hơn 2 tiếng. Gia đình có 3 người nên tôi mua số lượng vừa phải", anh nói.

Tương tự, chị Thúy (quận 4) cũng sốt ruột vì đang cách ly tại nhà không thể ra đường mua sắm. "Gạo 3-5 kg, rau vài ký, dầu ăn, mì gói 2 thùng nhé. Mua nhanh không chiều nay, ngày mai sẽ không có gì để mua nữa đâu", chị gọi điện hối thúc người thân.

Thực tế không chỉ anh Tuấn, chị Thúy mà rất nhiều người dân TP.HCM vội vã tới các siêu thị, chợ để mua thực phẩm dự trữ. Nhiều tuyến đường sáng nay tấp nập xe cộ. Đại diện siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh (quận 1) cho biết siêu thị bắt đầu mở cửa lúc 7h.

Tuy nhiên, từ 6h, hàng trăm người đã đậu xe, xếp hàng vào mua sắm. "Tình trạng này diễn ra từ hai hôm nay do tâm lý người dân lo không được ra đường, siêu thị không mở bán dù chúng tôi không có thông báo nào về việc đóng cửa siêu thị", đại diện siêu thị cho biết.

do xo di mua sam anh 1

Dòng người tiếp tục đổ đến các siêu thị, chợ trong bối cảnh ca nhiễm ngoài cộng đồng ngày một tăng cao. Ảnh: Quỳnh Danh.

Quá tải

Sáng 21/8, theo ghi nhận của Zing tại các siêu thị, chợ, hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa ở TP.HCM, dòng người tiếp tục tìm đến các điểm bán để mua nhu yếu phẩm. Nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm quá tải phải nhờ đến lực lượng an ninh để phân luồng, điều phối.

Hơn 10h, ra chợ gần nhà định mua đồ dự trữ trong vài ngày tới, chị Nguyên (quận Bình Thạnh) bất ngờ vì thấy con hẻm đông nghịt người. "Đi 3-4 sạp hàng đều thông báo hết sạch, không còn gì. Thậm chí muối ăn cũng không còn. Họ đổ ra đường từ 5-6h sáng, người người mua 10-20 kg", chị thở dài.

Chị Nguyên đành vào siêu thị tiện lợi gần nhà mua ít bánh, đồ khô ăn tạm. "Chỗ nào cũng đông nghịt người, chờ không biết đến bao giờ lại rất dễ lây nhiễm. Hy vọng vài ngày tới sẽ có lực lượng tiếp tế đồ ăn", chị nói.

Chị Thảo (quận Phú Nhuận) đi siêu thị từ 6h30 nhưng đến 10h vẫn chưa xếp hàng xong để vào mua. "Tôi canh đúng 6h30 giờ siêu thị mở cửa nhưng không ngờ lúc đến nơi thì hàng chục người đứng xếp hàng dài. Còn hơn 50 người nữa, nhìn người ra vào tôi sốt ruột quá, không biết bên trong còn rau củ gì không", chị nói

Họ đổ ra đường từ 5-6h sáng, người người cứ mua 10-20 kg, vét sạch đồ.

Chị Nguyên (quận Bình Thạnh).

Nắng nóng, đông người, nhiều người mệt mỏi chờ 2-3 giờ vẫn chưa biết khi nào tới lượt. Đi siêu thị theo khung giờ phát phiếu từ 10-12h, bà Tâm (quận Phú Nhuận) quyết định quay về vì thấy cảnh xếp hàng dài đến 1 km.

"Bây giờ mới đứng xếp hàng chắc đến chiều tối mới tới lượt. Tôi vừa đi qua chợ cũng không cho vào mua sắm vì quá đông", bà thất vọng quay xe.

Mệt mỏi vì có phiếu đi mua hàng nhưng không thể vào chợ hay siêu thị mua đồ, chị Linh (quận Phú Nhuận) than thở: "Mới 8h sáng chợ Nguyễn Đình Chiểu đã thông báo hết hàng, không biết những ngày tới ăn gì nữa, ai cũng đổ ra đường đi mua sắm như 30 Tết", chị nói.

Đến 12h, tại một số siêu thị Bách Hóa Xanh ở quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức không còn nhiều rau củ. Thịt cá, trứng hết sạch trong khi hàng chục người vẫn đang cố gắng đứng đợi trước cửa hàng. Tương tự, tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp), nhiều người nhốn nháo tìm chỗ đứng trước cổng siêu thị, lực lượng chức năng phải liên tục nhắc nhở, điều tiết xe cộ.

Đại diện các siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail Việt Nam và Vinmart cho biết hàng hóa siêu thị dự trữ đủ phục vụ người dân. Siêu thị đã có phương án tăng thêm trữ lượng nhập hàng và nguồn dự trữ, sẽ luôn cố gắng để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.

"Dự kiến ngày mai 22/8, các siêu thị Aeon có kế hoạch tăng thêm 4-5 lần các loại mặt hàng thịt và tăng 10 lần các mặt hàng rau củ quả từ Đà Lạt. Ngoài ra, siêu thị hiện cũng đang khẩn trương phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các chính quyền địa phương để chuẩn bị các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân trong 2 tuần tới", đại diện Aeon Việt Nam cho biết.

VinMart, VinMart+ cũng khuyến cáo khách hàng bình tĩnh, tuân thủ các quy định phòng chống dịch khi tham gia mua sắm. "Về hàng hóa, hệ thống đã chuẩn bị phương án tăng cường 300% các mặt hàng thịt, rau xanh, thực phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân", đại diện Vinmart nói.

Nhu yếu phẩm cho người dân sẽ được phân phối tận nhà

Ngày 20/8, TP.HCM chính thức thông báo người dân sẽ thực hiện yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" từ 23/8. Theo đó, trong 2 tuần tới, 100% nhu yếu phẩm cho người dân TP.HCM do lực lượng chức năng đảm nhiệm phân phối.

Tuy nhiên, nhiều người dân có tâm lý lo lắng vẫn đổ xô đến các điểm mua sắm thu gom thực phẩm dẫn đến tình trạng tập trung đông người, hết hàng cục bộ.

Sáng 21/8, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM khẳng định: “Thành phố khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân”.

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19, nói thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K + thuốc uống, không tập trung mua gom hàng hóa, thực phẩm.

Thành phố đang chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp các quận/huyện/thành phố Thủ Đức và triển khai xuống phường/xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân; từ đó siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng" theo 2 hình thức trả tiền và hỗ trợ miễn phí.

do xo di mua sam anh 6

TP.HCM sẽ cấp nhu yếu phẩm tận nhà để người dân không phải ra ngoài đi chợ trong 2 tuần tới. Ảnh: UBMTTQVN TP.HCM cung cấp.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết đã thành lập 310 đội công tác, với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… vừa làm công tác tuyên truyền, vận động, vừa chuyển gói an sinh, lương thực, thực phẩm đến tận từng nhà dân.

Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP.HCM đề nghị các bộ, ngành (trong đó có lực lượng bộ đội, công an, ngành công thương) hợp tác giải quyết vấn đề.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần đảm bảo chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt phải hỗ trợ đầy đủ, “không bỏ sót bất cứ ai”, nhất là người khó khăn, không có điều kiện.

Xếp hàng từ 4h sáng đi siêu thị tích trữ thực phẩm ở TP.HCM

Sau thông tin người dân TP.HCM sẽ không được ra ngoài mua thực phẩm từ 23/8, sáng sớm ngày 21/8 nhiều người lại đổ ra các chợ và siêu thị mua sắm.

Sieu thi than lo hinh anh

Siêu thị than lỗ

0

Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, một số siêu thị đã trợ giá nhiều mặt hàng cho người tiêu dùng và âm thầm bù lỗ cho các chi phí phát sinh.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm