Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi dùng P30 Pro nhưng không cần tính năng Huawei tự hào nhất

Với tôi, tính năng zoom 50X của P30 Pro chỉ để trợ năng. Thay vào đó, tôi chỉ dùng ống kính góc rộng và bộ màu vivid có sẵn để có ảnh ưng ý.

Ngoài viết lách về công nghệ, tôi nuôi dưỡng sự hứng khởi bằng việc chụp những bức ảnh đời thường hoặc khi đi du lịch.

Tôi sở hữu một chiếc máy ảnh Fujifilm, một máy in màu bỏ túi và trong balo thường trực một chiếc smartphone có camera tốt nhất ở thời điểm đó: có khi là Galaxy Note9, iPhone hay P20 Pro. Sau sự kiện ra mắt ở Paris, tôi cầm trên tay chiếc P30 Pro và một hành trình ngắn ngày qua ba nước Pháp, Đức và Bỉ. Thời tiết thuận lợi khi có nắng đẹp, và tôi đủ may mắn để không kẹt lại ở bất kỳ chặng nào trong hành trình chụp ảnh của mình dù thời gian khá gấp.

Đây là những gì tôi cần: một chiếc điện thoại có góc rộng, chụp chi tiết tốt, lấy nét nhanh. Có "xóa phông" hay zoom hay không, điều đó không quan trọng.

Điều đầu tiên: Tôi không cần đến zoom 50X (dù nó rất đáng khen)

Điều mà Huawei tự hào nhất với chiếc P30 Pro là khả năng zoom quang 5X, zoom lai (quang và số 10X) và zoom số lên đến 50X. Với tôi, đây là yếu tố chỉ để quảng cáo, gây chú ý về mặt truyền thông, dù thực sự P30 Pro đã làm được điều mà mọi chiếc điện thoại trên thị trường không làm được.

Trong kho ống kính mà tôi có với body Fujifilm, tôi chẳng có ống zoom nào. Tất cả đều là ống kính một tiêu cự (ống fix). Tôi không thuộc "trường phái" chim cò bắn tỉa bồ câu ở Nhà thờ Đức bà Sài Gòn nên không muốn chi một đồng nào cho ống kính tele, ống zoom hay dạng ống kính đa dụng "từ nhà đến trường" kiểu 18-200 mm. Đây là thói quen cá nhân, không có ý kỳ thị.

Nếu bạn tò mò về khả năng zoom của P30 Pro, bức ảnh dưới đây là một ví dụ. Tôi đứng trên tầng thượng của tòa nhà Leica, chụp xuống những dãy nhà ở Wetzlar, ngoại ô Frankfurt, Đức. Bạn có thể nhìn rõ được sân nhà của người dân có gì.

Danh gia camera P30 Pro anh 3Danh gia camera P30 Pro anh 4

Cũng nhờ tính năng "zoom khủng" của P30 Pro, tôi bắt được khoảnh khắc một cặp đôi thể hiện tình cảm trên đường phố Brussels mà không cần lại gần xin chụp (chắc chắn chẳng ai cho đâu), hay đọc được những bảng hiệu ở xa.

Tôi coi zoom 50X của máy như một công cụ trợ năng để nhìn và ghi chú, chụp làm tư liệu... chứ không kỳ vọng nó cho ảnh đẹp, bởi nó chưa đủ sắc nét và cần người chụp chống rung (gắn lên tripod, tỳ tay vào mặt phẳng...) để ảnh không bị mờ nhòe.

Ống kính góc rộng và Vivid Colours khá thú vị

Tương tự Galaxy S10, Huawei P30 Pro cũng có ống kính góc rộng, thậm chí là siêu rộng nếu bạn chịu khó đẩy thanh zoom về mức thấp nhất. Lúc này, chế độ "super wide" sẽ hiện ra. 

Chế độ này khá tuyệt vời cho những ai mê chụp đường phố và chấp nhận một chút méo mó, xô lệch của kiến trúc. Tòa nhà ở rìa ảnh sẽ "đổ nghiêng" vào trung tâm và những chủ thể ở giữa ảnh có chiều hướng bị bóp nhỏ lại.

Tôi thích sự méo mó không bình thường này vì bản thân đam mê ống kính góc rộng.

P30 Pro có hệ thống 4 camera ở mặt sau, gồm camera chính 40 MP, camera góc rộng 20 MP, camera tele 5X 8 MP và cảm biến độ sâu Time of Flight (ToF). Điều này đồng nghĩa máy sẽ cho ảnh tốt nhất, to nhất, chi tiết nhất khi chụp ở góc thông thường, sau đó đến camera góc rộng rồi mới đến camera tele. Tôi chọn chụp ảnh đường phố bằng 2 camera góc thường và góc rộng.

Với cấu trúc sắp xếp điểm ảnh RYYB mới thay vì RGGB thông thường trên các cảm biến CMOS, P30 Pro có thể thu sáng nhiều hơn đến 40% vì bộ lọc màu vàng tốt hơn so với xanh lục và đỏ. Điều này sẽ làm cho màu sắc trở nên rực hơn, chói và gắt hơn. Do đó, về cơ bản, nó không hợp với ai thích màu sắc tự nhiên dù hãng đã cố gắng điều chỉnh lại độ rực bằng phần mềm.

Hệ thống điều khiển hơi phức tạp

Camera trên iPhone là đỉnh cao của sự đơn giản và thân thiện, thì ở phía ngược lại, camera trên P30 Pro là một thử thách cho người mới chụp.

Tôi quen với hàng tá nút bấm trên máy ảnh nên dễ dàng "tha thứ" cho Huawei, nhưng với những người dùng phổ thông, chưa chụp bằng máy ảnh bao giờ, đây có thể là một thiết bị khó sử dụng.

Do đó, tôi đề xuất bạn bật chế độ AI Camera lên, ít nhất với số lượng dữ liệu đồ sộ của nó, nó có thể đưa ra cho bạn những chế độ chụp thích hợp trong một số hoàn cảnh như chụp đêm, chụp sân khấu, ảnh nhóm, thiếu sáng, chụp văn bản.... Nhưng khi bạn biết rõ mình cần gì, hãy tắt AI để khám phá sâu hơn các tùy chọn về tốc độ hay bù trừ sáng. 

Ở chế độ góc siêu rộng, ảnh của P30 Pro sẽ mặc nhiên bị làm tối bốn góc (trông như hiệu ứng vignette), tôi bắt buộc phải làm thêm bước đẩy sáng lên ngay trên màn hình, hoặc chỉnh sáng khi hậu kỳ. Tôi hy vọng hãng có thể khắc phục được vấn đề này trong những bản cập nhật tiếp theo.

Ở phần còn lại của giao diện, tôi thấy Huawei nhồi nhét quá nhiều chế độ vào đó. Tôi không hề đụng đến những công cụ như time-lapse, panorama, các chế độ ánh sáng gần giống như trên iPhone X, XS hay XS Max. Có thể hãng cần làm vậy để tỏ rõ chất "pro" trong tên gọi. Hoặc một lý do khác chính đáng hơn, bản thân chiếc P30 Pro cũng sinh ra dành cho người có chút kiến thức về nhiếp ảnh.

Dễ hậu kỳ, chụp đêm tốt, "xóa phông" tự nhiên

Khả năng chụp ngược sáng luôn là một thách thức đối với tất cả smartphone hiện nay. Đối với những di động đầu bảng, đây cũng là một bài toán khó. Trên P30 Pro, máy đã có thuật toán xử lý ảnh ngược sáng rất ổn và chất lượng đương đương các máy DSLR có ống kính tốt. Dù lấy sáng chủ thể, phần chi tiết xung quanh ít bị cháy sáng.

Theo những gì các kỹ sư Leica nói với báo chí ở Wetzlar, họ hợp tác với Huawei phát triển cụm camera theo 3 hướng chính.

Thứ nhất đưa ra phương án tái cấu trúc cảm biến, sắp xếp điểm ảnh RYYB mới thay vì RGGB thông thường trên các cảm biến CMOS (do Sony cung cấp). Thứ 2, loại cảm biến này chụp đêm tốt hơn nên các thuật toán liên quan đến ảnh chụp thiếu sáng cũng được đưa vào P30 Pro để khai thác tối đa lợi thế của cảm biến RYYB này. Và cuối cùng là tìm cách kết hợp 3 ống kính khác tiêu cự với nhau, cùng với AI, cho ra một dải zoom lớn.

Tuy nhiên, có một điều Huawei không nói ra, đó là cảm biến RYYB cho ảnh có phầm ám vàng, rực màu hơn so với các đối thủ dùng cảm biến chuẩn RGGB. Nhờ có 2 điểm ảnh green, ảnh trên iPhone hay Galaxy S10 trông "mát" hơn so với P30 Pro. Đây là điều mà một chiếc camera phone "quái vật bóng đêm" như P30 Pro phải đánh đổi.

Đó là góc độ kỹ thuật. Ở góc độ cảm xúc, với tôi, kẻ đam mê Vivid Colours, cảm biến RYYB khiến gu ảnh rực rỡ của mình được nuông chiều. P30 Pro có thể sẽ không làm hài lòng tất cả, nhất là những người trẻ có xu hướng dùng bộ lọc màu A6 trên VCSO để kéo tone màu của bức ảnh trở về trạng thái dịu mát, "nhã nhặn" nhất có thể. 

Thật may, tôi có thử chỉnh ảnh của P30 Pro trên VSCO và một số app khác (ảnh trong bài là ảnh gốc, chưa qua hậu kỳ), file ảnh của máy chứa khá nhiều thông tin để có thể tác động.

Về cơ bản bạn có thể kéo cho màu nhạt bớt, tăng giảm chi tiết, texture, "kéo sáng" khá thoải mái và xuất ra ở chất lượng còn dùng tốt và mang đi in ấn. Ở một số mẫu điện thoại cao cấp, file JPEG chụp ra thường đã qua xử lý và sẽ "nát" ngay khi bạn chỉnh qua một vài app hình ảnh.

Huawei P30 Pro có khiến tôi hài lòng?

Không dùng đến zoom 50X của P30 Pro không đồng nghĩa tôi chê nó tệ. Ngược lại, tôi cho rằng chiếc điện thoại này đã chính thức phát động cuộc đua mới, đẩy những ông lớn như Apple, Samsung vào một cuộc chiến vất vả hơn. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng được lợi.

Xa hơn, chúng ta có thể mạnh dạn bỏ chiếc máy ảnh ở nhà (tôi thực ra có mang theo cả máy ảnh trong balo nhưng không đem ra dùng vì chẳng còn cần thiết nữa). P30 Pro có thể đáp ứng gần như 90% nhu cầu chụp ảnh của tôi.

Tuy nhiên nó cần tải thiện chất lượng camera selfie để tăng sức cạnh tranh với Samsung, Oppo. Một mặt, Huawei cũng cần cải thiện khả năng quay video cho P30 Pro - đây là lĩnh vực mà ngay cả Leica không thể giúp. Tôi cho rằng Huawei nên thẳng thắn làm việc với Sony bởi không công ty công nghệ nào qua được hãng về tính năng quay video.

Sau tất cả, tôi khép lại chuyến đi của mình và trở về Việt Nam. Để "đổ ảnh" ra, tôi phải kết nối với máy tính. Phần mềm Hi-Suite của P30 Pro kết nối với MacBook khá vất vả, đòi hỏi người dùng phải cấp quyền vào chế độ nhà phát triển. Đây là khâu "làm khó" người dùng một cách không đáng, nhưng thật may, nó không quá phức tạp.

Camera của P30 Pro đang ở một đẳng cấp cao, nhưng bản thân chiếc máy chưa đủ sức thuyết phục tôi rời bỏ iPhone. Hệ điều hành iOS mượt mà giản dị, đầy tiện ích với AirDrop, iMessage... cho tôi cảm giác như được "về nhà", dù trước đó ở khách sạn, resort tuyệt vời ra sao. Có thể, tôi sẽ dùng song song cả hai để thỏa mãn cả nhu cầu chụp ảnh và dùng thường nhật.

Tôi thực sự tò mò chờ xem Galaxy Note10 và iPhone 2019 sẽ "chiến" với camera của Huawei P30 Pro như thế nào. Hiện tại, nó hoàn toàn xứng đáng đứng ở ngôi vị số 1 nếu xét về khả năng chụp ảnh.



Duy Nguyễn

Bạn có thể quan tâm