Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

'Tôi đi gần 20 km vào trung tâm thành phố tìm chỗ chơi'

Nhiều nhóm bạn trẻ hay các gia đình thường chấp nhận di chuyển hàng chục km để tìm được chỗ vui chơi "vừa ý" tại trung tâm thành phố.

Mỗi tuần vài ngày, ông Phạm Đình Hòa (57 tuổi, quận Bình Tân) đi quãng đường hơn 15 km để chở hai đứa cháu từ quận Bình Tân đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ hoặc công viên bến Bạch Đằng vui chơi.

Lũ trẻ tan học vào buổi chiều, lúc vợ chồng ông Hòa chở cháu đi chơi thường là giờ cao điểm, có thể mất gần 50 phút chạy xe máy để đến được quận 1.

Công viên bến Bạch Đằng khó tìm chỗ gửi xe, người đàn ông này quyết định để xe ở lề đường như nhiều người khác bất chấp việc công an giao thông có thể đến phạt bất cứ lúc nào.

“Gần chỗ tôi chỉ có công viên của phường, người ta đi tập thể dục là nhiều, ít chỗ cho mấy đứa con nít chạy nhảy. Tôi ra đây vì thích có tầm nhìn hướng sông, mát mẻ mà tụi nhỏ tha hồ vui đùa”, ông Hòa nói.

Ông Hòa không phải là trường hợp đặc biệt, mỗi chiều tại các khu vực trung tâm như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), công viên Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh)... có nhiều gia đình cũng như các bạn trẻ tìm đến để vui chơi, hóng mát.

Đối với một số người, đường xa hay thời gian chỉ là những con số. Với một số người khác, họ có rất ít sự lựa chọn.

Gần nhà thiếu chỗ vui chơi

Chạy từ Hóc Môn lên Phố đi bộ Nguyễn Huệ, hai bạn trẻ Thế Long (22 tuổi) và Thiên Duyên (20 tuổi) mất khoảng một giờ đồng hồ để di chuyển.

Đôi bạn cho biết gần nhà không có địa điểm nào thích hợp để buổi tối tìm đến hóng mát, đi dạo, gần nhất cũng chỉ có Công viên Gia Định (quận Gò Vấp). Phải di chuyển khá xa và tốn thời gian song Long và Duyên vẫn vui vẻ chấp nhận. Cả hai tính toán phải đi sớm chút và về muộn hơn để tránh giờ cao điểm tan tầm.

“Cả đi lẫn về mất tầm 2 giờ nên tụi mình chỉ loanh quanh chơi ở phố đi bộ chừng 30-45 phút, rồi lấy xe chạy về từ từ. Ở trung tâm vẫn có nhiều chỗ chơi hơn là khu ngoài”, Long nói.

Di xa tim cho choi o trung tam thanh pho anh 1

Nhiều gia đình chấp nhận đi xa để có chỗ rộng rãi thoải mái cho con vui chơi. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, anh Đỗ Thái Bảo (37 tuổi, quận Tân Phú) dành cả chiều để chở hai con lên Đường sách Nguyễn Văn Bình mua sắm. Người đàn ông này dự định cuối tuần sẽ cho lũ trẻ đi thả diều ở khu vực nóc hầm Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Bình thường, anh Thái hay cho con đến trung tâm thương mại vì tại đây vừa có khu vui chơi, chỗ ăn uống kết hợp mà vẫn rất mát mẻ. Việc đi chơi ở các công viên, khu vực ngoài trời thì khá ít vì phải đi xa.

“Gần nhà không có chỗ cho tụi nhỏ thỏa thích chơi như vầy, lâu lâu rảnh tôi mới chở con đi được vì nhà xa trung tâm”, anh Thái bày tỏ.

Chọn được một ngày trong tuần không ai kẹt lịch, Ánh Dương (23 tuổi, Bình Dương) và hội bạn lựa chọn Công viên Vinhomes Central Park là điểm gặp mặt.

Di xa tim cho choi o trung tam thanh pho anh 2

Địa điểm ngoài trời có thể ngồi lâu hóng mát là ưu tiên của nhiều người. Ảnh: Thịnh Vũ.

Lý giải về việc đi từ Bình Dương hay TP Thủ Đức lên đến quận Bình Thạnh để vui chơi, Ánh Dương bày tỏ đây là khu vực có đầy đủ các yếu tố mà cô và bạn bè cần như trung tâm thương mại, khu vui chơi ngoài trời, địa điểm check-in đẹp.

“Đây cũng gần trung tâm rồi, sau đó muốn vào quận 1 ‘quẩy’ tiếp vẫn được. Tính ra mình đi tận 20 cây số để vào trung tâm tìm chỗ chơi đó”, Ánh Dương nói.

Việc thiếu không gian ngoài trời như công viên hay các khu phức hợp giải trí, hóng mát khiến nhiều người chấp nhận bỏ thời gian và công sức đi quãng đường xa để đến trung tâm thành phố.

Không ngại đi xa

Ngoài việc ít tụ điểm vui chơi gần nhà, một số người chia sẻ với Zing rằng họ thường lên các quận trung tâm chơi để “đổi gió”.

“Chúng tôi từ vùng ven, lâu lâu lên đây để ‘rửa phèn’”, anh Phạm Quốc Thành nói đùa trong khi đi dạo mát tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng hội bạn trung niên gồm khoảng 5 người, đều đi từ các quận, huyện xa trung tâm thành phố, như Nhà Bè, Thủ Đức, quận 7.

Một chị trong nhóm cho biết thêm rằng mỗi người họ đều phải đi khoảng 30-45 phút để lên đây.

Di xa tim cho choi o trung tam thanh pho anh 3

Phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên Bạch Đằng có vị trí đắc địa tạo thành điểm lý tưởng thu hút người dân tìm đến thư giãn, hóng mát. Ảnh: Duy Hiệu.

Cả nhóm nói rằng phố đi bộ là lựa chọn phù hợp để gặp nhau, vì như vậy, sẽ không ai phải đi quá xa. Địa điểm này cũng thuận tiện khi vừa có nhiều chỗ ăn uống, vừa có nơi để đi dạo, hóng mát.

Chị Hiền (31 tuổi) - chơi đùa cùng con gái 29 tháng tuổi tại Công viên Bạch Đằng tối 15/2 - chia sẻ chị đưa con từ Nhà Bè lên đây chơi vì nghe nói công viên mới cải tạo lại rất đẹp. Chị thông tin thêm thực chất nhà chính của chị ở Đồng Nai, nhưng hay lên nhà người thân ở Nhà Bè để chơi.

Chị cho biết xung quanh nơi nhà chị ở cả Đồng Nai và Nhà Bè có rất ít khu vui chơi như vậy, lại ở xa, nên mỗi lần muốn đi đâu đều thường lên trung tâm quận 1 “chơi luôn cho đáng”, vì có nhiều tụ điểm để lựa chọn.

“Công viên khá thoải mái. Sau mấy tháng dịch ở nhà, có một địa điểm mới rộng rãi, thoáng mát như vậy để đưa con đi chơi và trải nghiệm là một niềm vui”, chị nhận xét với Zing.

Là người trẻ và không có con nhỏ, Thế Long chia sẻ một góc nhìn tích cực khác dù phải lặn lội 2 giờ vừa đi vừa về để lên trung tâm thành phố. Long cho biết đôi khi chỉ xem các tụ điểm vui chơi ở trung tâm là một đích đến để chở người yêu trên xe máy hóng gió và chuyện trò. Cả hai có thể vừa ngắm nhìn thành phố, vừa hiểu nhau hơn.

Nhìn chung, bất kể thành phố có thiếu tụ điểm vui chơi ở những quận, huyện vùng ven hay không, các quận trung tâm vẫn là điểm thu hút người dân ở mọi độ tuổi đến để giải trí, không chỉ bởi sự quen thuộc, mà còn bởi thuận tiện và những giá trị cộng thêm.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Công viên bến Bạch Đằng đẹp nhưng gửi xe ở đâu bây giờ?

Người đến công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) nhận xét cảnh quang công viên đẹp nhưng khó khi tìm chỗ gửi xe, thiếu nhà vệ sinh công cộng, thùng rác và bóng mát.

Chủ căn hộ bức xúc vì khách thuê thiếu ý thức

Việc khách thuê thiếu ý thức, làm hư hao đồ đạc hay trả nhà trong tình trạng xuống cấp khiến các chủ hộ phải tốn khoảng tiền lớn sửa chữa hoặc đau đầu giải quyết với ban quản lý.

'Con tôi tự dậy sớm ăn sáng, hối mẹ chở đến trường'

"Hai con háo hức được đi học lại và gặp gỡ bạn bè, thấy tụi nhỏ vui vẻ tôi cũng tự nhiên thấy vui theo. Khi con học bán trú, mọi thứ sẽ quay về quỹ đạo cũ", chị Huyền nói.

Thịnh Vũ - Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm