Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi bất ngờ khi con nói những kiến thức mà tôi mù tịt

Khi con tôi đọc chủ đề về “Tri thức về vạn vật”, có rất nhiều thứ mà ngay cả chính tôi, dù nghe qua nhưng cũng không thể hiểu cặn kẽ, thậm chí mù tịt luôn.

Gần đây, rất nhiều câu hỏi đặt ra là làm sao để con thích sách, đọc sách có hiệu quả. Để đi đến đích của lời đáp này có lẽ cần rất nhiều thời gian và sự tốn tâm sức của bố mẹ. Với tôi, hành trình ấy còn phải là ở sau mỗi cuốn sách được gấp lại.

Nhiều phụ huynh quan tâm đến sách và mong muốn con thích đọc sách. Điều này đồng nghĩa họ ý thức được những lợi ích của sách với sự phát triển tâm hồn của con.

Tuy nhiên, làm thế nào để con có thể xem sách như một người bạn? Làm thế nào để con tìm thấy qua mỗi trang sách một câu chuyện vui vẻ? Xa hơn nữa, làm cách nào để con có thể tự chọn sách theo mong muốn.

Với những trải nghiệm gần 10 năm làm mẹ, tôi nhận ra rằng, để trả lời cho những câu hỏi cụ thể này, không chỉ là chọn sách cho con, cùng con đến nhà sách, đọc sách cho con, mà đằng sau mỗi cuốn sách gấp lại, mẹ con tôi đã nói những gì với nhau.

Khi con bạn biết kể lại một câu chuyện đơn giản, bạn sẽ thấy dù không biết chữ, chúng có thể đọc chính xác từng trang của cuốn sách tranh. Khi lên 3, những câu hỏi vì sao luôn xuất hiện trong đầu chúng.

Chúng sẽ hỏi vì sao lại có trăng, vì sao con cú lại không đi ngủ đêm? Vì sao già lại chết… Những tình huống trong chuyện luôn khiến chúng băn khoăn và hỏi tôi liên tục. Chúng bày tỏ những điều chúng muốn xảy ra với nhân vật, hoặc có khi chúng không muốn nhân vật bị “ma cây” bắt hay “khóc nhè”…

Rất nhiều câu hỏi “Vì sao”, “Tại sao” được đặt ra và tôi đã phải rất kiên nhẫn để giải thích cho các con. Nhiều lần, tôi cố thoái thác để đi làm việc khác nhưng chúng luôn “truy” tới cùng. Nếu hôm nay không trả lời, hôm sau chúng sẽ nhắc lại. Khi ấy, thực sự cần rất nhiều sự kiên nhẫn, bền bỉ và cố nghĩ ra một câu chuyện để đối đáp cùng chúng.

Khi lớn hơn một chút nữa, chúng sẽ hỏi về người tốt, người xấu, về thế giới quan xung quanh. Nếu như bạn bỏ bẵng phần “sau khi đọc sách xong” này thì bạn đã bỏ lỡ “hiệu quả của sách” đó. Khi con tôi đọc chủ đề về “Tri thức về vạn vật”, một tuần sau con nói vanh vách về nhiều kiến thức khoa học mà tôi rất mù mờ, thậm chí là mù tịt.

Nhiều kiến thức tôi đã nghe qua, đọc qua nhưng cũng không thể hiểu cặn kẽ. Vậy là để trả lời con, để nói chuyện, chia sẻ cùng con, tôi lại phải đọc và tìm tài liệu liên quan. Và quả thật, đây chính là quá trình học lại, học, học nữa, học mãi của mỗi người.

Như vậy, vai trò chia sẻ, gợi mở từ chính cha mẹ thì kiến thức con đọc từ sách hoặc nghe từ lời cha mẹ kể mới đọng lại. Còn nếu không, việc đọc ấy chỉ mang tính giải trí mà thôi.

Tôi cho rằng, đọc sách cùng con không hẳn là đọc cùng cuốn sách với con, mà là phải lắng nghe và chia sẻ cùng con về thế giới rộng lớn sách đã mở ra. Đó mới là cuộc hành trình cần hơn hết là sự bền bỉ, kiên nhẫn, lắng nghe và sự dụng công của bố mẹ.

Hãy chia sẻ cách đọc sách cùng con, giúp con thích đọc sách về địa chỉ email: toasoan@zing.vn.

Khánh My

Bạn có thể quan tâm